Chủ dự án Đặng Đình Quý với sản phẩm S Coffee tại một quán cà phê Đà Lạt. Ảnh: V.V
Truyền tải thông điệp S Coffee
Buổi sáng đầu xuân 2018, chàng trai bại não Đặng Đình Quý (sinh năm 1984) hẹn tôi ở một quán cà phê sân vườn Đà Lạt biếu một gói cà phê bột loại 200 gam, ngoài bao bì in hình thiếu nữ đạp xe trên đồng quê Việt Nam xanh ngát màu mạ non. Cầm trên tay gói cà phê hiện lên những dòng chữ in ngay vào tâm trí tôi: “Khi uống một ngụm coke, người Mỹ cảm nhận được tinh thần đoàn kết dân tộc. Chúng tôi hy vọng khi khách Việt Nam và quốc tế cầm trên tay ly cà phê S Coffee sẽ hiện lên đầy đủ hình ảnh, tâm hồn và những gì thân thương, bình dị nhất của nước Việt Nam…”.
Theo Quý, ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh với thương hiệu S Coffee là mong muốn của Quý cùng nhóm bạn cộng sự góp phần quảng bá hình ảnh non sông gấm vóc của Việt Nam đến khách hàng khắp nơi trên thế giới qua từng sản phẩm cà phê được sản xuất, chế biến tại vùng đất cao nguyên Lâm Đồng. Logo của S Coffee được cách điệu hóa từ bản đồ Việt Nam. Với ly cà phê phục vụ khách bằng chất liệu sành sứ, thủy tinh hoặc giấy công nghiệp đều có thể sử dụng 25% diện tích in logo S Coffee; 75% diện tích còn lại giới thiệu lịch sử văn hóa, địa danh hoặc thắng cảnh của Việt Nam bằng những hình ảnh đặc trưng và những dòng chữ súc tích nhất. Qua đó, tất cả những hình ảnh này được mã hóa theo số thứ tự hoặc ký tự địa danh trên trang web liên kết giới thiệu các loại hình dịch vụ, kinh doanh du lịch từng địa điểm trên địa bàn thành phố Đà Lạt nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung.
“Quảng bá S Coffee trên những chiếc ly cà phê, đặc biệt ly cà phê bằng chất liệu giấy sử dụng một lần là phương pháp mang lại hiệu quả khi tiếp cận thị trường mục tiêu. Theo tính toán, người tiêu dùng khi sử dụng cà phê được tiếp xúc với hình ảnh thương hiệu S Coffee trên những chiếc ly trung bình trong khoảng 37 phút, một khoảng thời gian đủ lâu để lưu giữ thông tin trong tâm trí. Trong các hội thảo, hội nghị quảng bá du lịch Việt Nam có thể miễn phí hoàn toàn thức uống cà phê trong những chiếc ly có hình ảnh địa danh, thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa... của Việt Nam. Ngoài ra, các sản phẩm S Coffee có thể liên kết các hãng hàng không Việt Nam và thế giới phục vụ nhu cầu hành khách trên từng chuyến bay…”, chủ Dự án S Cofffee, Đặng Đình Quý phân tích.
S Coffee lãi bước đầu 20 triệu đồng/tháng
Năm 2017, Dự án S Coffee của cựu sinh viên Khoa Quản trị kinh doanh Đặng Đình Quý và các cộng sự Trường Đại học Yersin Đà Lạt đã được Ban Tổ chức cuộc thi khởi nghiệp của trường này trao giải nhì. Trước đó, trong năm 2015, Dự án S Coffee cũng đã đoạt lần lượt giải nhì và giải ba trong các cuộc thi đổi mới, sáng tạo thương hiệu toàn quốc. Và ngày 13/12/2006, Dự án S Coffee được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bảo hộ độc quyền, danh mục sản phẩm gồm cà phê nhân, cà phê chưa rang, hương liệu cà phê, đồ uống trên cơ sở cà phê… với hiệu lực trong 10 năm.
Đầu năm 2017, Dự án S Coffee chính thức triển khai hoạt động bước đầu tại một cửa hàng diện tích 300 m2, tọa lạc tại khu phố Thanh Thanh, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng. Trong đó, bên cạnh quầy hàng bày bán các loại cà phê vối và cà phê chè loại hạt nhân và loại bột rang xay nguyên chất gắn thương hiệu S Coffee, còn có một khu vực phục vụ cùng lúc 200 thực khách vừa thưởng thức cà phê rang xay và pha chế tại chỗ, vừa thưởng ngoạn hình ảnh Việt Nam quảng bá trên ly cà phê, trên trần nhà, tường nhà và có cả trên ngực áo của những nhân viên thanh lịch, mến khách…
Những chủ nhân triển khai đầu tư Dự án S Coffee gồm những thanh niên ngoài 30 tuổi ở Đà Lạt, trong đó gồm có chàng trai bại não Đặng Đình Quý. Hạch toán ban đầu, nhà hàng tích lũy lợi nhuận trên dưới 20 triệu đồng/tháng. Chủ Dự án S Coffee Đặng Đình Quý dự báo lợi nhuận đang tiếp tục tăng lên từng bước trong thời gian tới. Đặc biệt đã có một vài đối tác trong và ngoài nước đến tìm hiểu Dự án S Coffee, quan tâm đến hợp tác phát triển cùng nhau có lợi trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài.
Văn Việt (Báo Lâm Đồng)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.