Chàng trai khuyết tật vận động và hành trình trở thành chủ xưởng may giúp đỡ người đồng cảnh ngộ

Thứ tư, ngày 06/04/2022 19:21 PM (GMT+7)
Phan Minh Quý (xã Lạng Phong, huyện Nho Quan, Ninh Bình) không may bị khuyết tật vận động ngay khi vừa được 3 tháng tuổi. Chàng trai khuyết tật từng cầm bộ hồ sơ xin việc hơn chục công ty nhưng không ai nhận nay đã trở thành chủ một xưởng may, tạo ra công việc cho hơn chục lao động tại địa phương và người khuyết tật.
Bình luận 0

Sinh ra vốn bình thường nhưng cho đến khi 3 tháng tuổi, một cơn sốt kéo dài khiến tay chân của Quý không thể cử động bình thường. Mặc dù gia đình đã chạy chữa rất nhiều nơi nhưng đều không có kết quả khả quan. Suốt 10 năm đầu đời, anh phải di chuyển bằng cách bò.

Lên 10 tuổi, Phan Minh Quý được phẫu thuật, tập vật lý trị liệu. Trải qua thời gian dài luyện tập, đến năm 12 tuổi Quý có thể đi lại được. Với nghị lực vươn lên, ý chí tập luyện đã giúp cho chàng trai "chỉ một cơn gió cũng có thể làm ngã" ngày nào đã cố gắng tập luyện để có thể đi học.

Năm 19 tuổi, Quý bỏ dở việc học và trốn gia đình đi tìm việc làm tuy nhiên không có kết quả. Cảm giác, hụt hẫng, cô độc đi kèm thất vọng bủa vây chàng trai trẻ khi bị các công ty, xí nghiệp từ chối nhận vào làm.

Chàng trai khuyết tật vận động và hành trình trở thành chủ xưởng may giúp đỡ người đồng cảnh ngộ - Ảnh 1.

Chàng trai khuyết tật từng cầm bộ hồ sơ xin việc hơn chục công ty nhưng không ai nhận nay đã trở thành chủ một xưởng may, tạo ra công việc cho hơn chục lao động tại địa phương và người khuyết tật.

Trở về quê, sau nhiều đêm suy nghĩ về bản thân, hoàn cảnh gia đình, anh quyết học nghề may để phù hợp thể trạng, sau đó tiếp tục xin đi làm dù không được trả công cao như những người khỏe mạnh bình thường khác.

Cũng chính từ những khó khăn, rào cản, vấp ngã ngày qua ngày đã hun đúc nên ước mơ cháy bỏng mở xưởng may của Quý.

Năm 2020, Phan Minh Quý dốc hết tất cả số tiền tiết kiệm có được cộng với việc đi vay thêm để mở xưởng may. Mặc dù xưởng may được mở ra trong bối cảnh dịch bệnh nhưng với nỗ lực của bản thân, anh Quý đã đưa xưởng đi vào hoạt động ổn định, tạo được việc làm cho người dân địa phương, trong đó có cả những người khuyết tật. Họ được đào tạo nghề miễn phí, được tuyển dụng với mức thu nhập ổn định và điều quan trọng là được trang bị sự tự tin sẵn sàng hòa nhập cộng đồng.

Chàng trai khuyết tật vận động và hành trình trở thành chủ xưởng may giúp đỡ người đồng cảnh ngộ - Ảnh 2.

Hiện tại xưởng của anh Quý có 8 công nhân, liên kết với 9 xưởng may khác để gia công, sản xuất.

Khâm phục trước câu chuyện của Phan Minh Quý, đặc biệt là tâm huyết dành cho những người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn, chương trình Nối trọn yêu thương cùng Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã gửi tặng đến Quý một món quà với niềm tin giúp cho xưởng may của anh ngày càng phát triển, đồng thời hỗ trợ được nhiều hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

“Tôi muốn tạo công ăn việc làm cho những người lao động ở thôn quê và mong muốn cho họ có một môi trường làm việc tốt, ổn định để hòa nhập với cuộc sống”, đó là những lời tâm sự rất nhân văn của Phan Minh Quý trong chương trình Nối trọn yêu thương phát sóng trên kênh VTV1.

Chàng trai khuyết tật vận động và hành trình trở thành chủ xưởng may giúp đỡ người đồng cảnh ngộ - Ảnh 3.

Hình ảnh Quý trong chương trình chương trình Nối trọn yêu thương.

Là một thành viên đặc biệt, đồng hành cùng chương trình từ những ngày đầu tiên, chị Trần Uyên Phương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát chia sẻ: “Tôi rất thích tư duy của Quý, nó giống với tư duy của Tân Hiệp Phát, nếu bạn quyết tâm và liên tục cố gắng không bỏ cuộc thì kết quả sẽ đến với bạn. Tôi tin rằng những kinh nghiệm đó sẽ giúp cho Quý có thể truyền cảm hứng cho đồng nghiệp, nhân viên mỗi khi gặp khó khăn, thách thức”.


Báo Công Lý (congly.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem