Có tài liệu có thể làm thay đổi tội danh, Hội đồng xét xử trực tuyến phải làm thế nào?

Phạm Hiệp Thứ năm, ngày 10/02/2022 14:19 PM (GMT+7)
5 cơ quan liên quan vừa ban thành thông tư liên tịch, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến có hiệu lực từ tháng 2 năm nay.
Bình luận 0

Cần những gì để tổ chức phiên tòa trực tuyến?

Cụ thể, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp vừa ban hành Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC- BCA-BQP-BTP, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Trước đó, vào cuối năm 2021, Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành dự thảo quy chế tổ chức phiên tòa, phiên họp trực tuyến. Trong dự thảo đã quy định rõ các thành phần tham gia tại các điểm cầu, các yêu cầu đối với phiên tòa.

Có tài liệu có thể làm thay đổi tội danh, Hội đồng xét xử trực tuyến phải làm thế nào? - Ảnh 1.

Phiên tòa trực tuyến phải có đầy đủ hệ thống trực tuyến bao gồm trang thiết bị điện tử, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin riêng biệt với trang thiết bị công nghệ thông tin thông thường khác của tòa án. Ảnh minh họa/Phạm Hiệp

Ở diễn biến mới nhất liên quan đến Thông tư liên tịch số 05 nêu trên, theo quy định trong Thông tư liên tịch 05, phòng xử án trực tuyến phải được trang bị hệ thống trực tuyến bao gồm trang thiết bị điện tử, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin riêng biệt với trang thiết bị công nghệ thông tin thông thường khác của tòa án.

Hệ thống chiếu sáng, hệ thống đường truyền và thiết bị mạng, hệ thống âm thanh, thiết bị hiển thị hình ảnh tại điểm cầu trung tâm và các điểm cầu thành phần phiên tòa trực tuyến, thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình, phần mềm truyền hình trực tuyến, camera ghi hình toàn bộ diễn biến phiên tòa… là một trong nhiều trang thiết bị phải có ở phòng xử án.

Theo quy định, phiên tòa trực tuyến chỉ được kết nối tối đa không quá 3 điểm cầu thành phần và phải bảo đảm nhiều yêu cầu (phiên xét xử trực truyến có điểm cầu trung tâm gồm Hội đồng xét xử, thư ký phiên tòa, kiểm sát viên được phân công giải quyết vụ án và điểm cầu thành phần).

Với phiên tòa dân sự, hành chính, các điều kiện như âm thanh, ánh sáng, hình ảnh, màu sắc phải được chuẩn bị đầy đủ, đảm bảo việc truyền tải âm thanh, hình ảnh phiên tòa rõ nét, không bị gián đoạn.

Có 2 trường hợp xảy ra, nếu Viện Kiểm sát đồng ý mở phiên tòa trực tuyến mà xét thấy cần thiết phải cử người tham gia phiên tòa tại điểm cầu thành phần thì phải ghi rõ họ và tên của người được cử.

Kiểm sát viên được cử tham gia phiên tòa tại điểm cầu thành phần giúp việc cho kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại điểm cầu trung tâm.

Trường hợp thứ hai, khi Viện Kiểm sát không đồng ý mở phiên tòa trực tuyến thì phiên tòa được tổ chức theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Các đương sự, bị hại; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự; người bào chữa, người tham gia tố tụng khác (nếu có) tham gia tại điểm cầu trung tâm nếu họ lựa chọn hoặc tòa án triệu tập.

Hội đồng xét xử nên làm thế nào khi có tài liệu, chứng cứ mới không thể bổ sung tại tòa?

Cũng theo Thông tư liên tịch giữa 5 cơ quan nêu trên, trường hợp người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự không thể tham gia phiên tòa tại một trong các điểm cầu mà tòa án đã bố trí hoặc chấp nhận thì phải có văn bản đề nghị tòa án cho phép tham gia phiên tòa tại điểm cầu mình tự bố trí và đảm bảo theo quy định.

Có tài liệu có thể làm thay đổi tội danh, Hội đồng xét xử trực tuyến phải làm thế nào? - Ảnh 2.

Khi có tài liệu, chứng cứ mới có thể dẫn đến thay đổi tội danh ở phiên tòa hình sự mà không thể bổ sung thêm, theo Thông tư liên tịch giữa 5 cơ quan, HĐXX phải hoãn tòa. Trong ảnh là một phiên tòa xét xử trực tuyến được thí điểm ở Hải Phòng. Ảnh: Công lý

Người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự được quyền trao đổi với bị cáo, bị hại, đương sự khi được chủ tọa phiên tòa đồng ý.

Khi tham gia phiên tòa trực tuyến, không được chụp ảnh, ghi âm, ghi hình, ghi hình có âm thanh, phát tán tài liệu hoặc phát tán thông tin tài khoản đăng nhập vào hệ thống xét xử trực tuyến, phát trực tiếp phiên tòa trên không gian mạng.

Trong trường hợp trước khi diễn ra phiên tòa hoặc trong quá trình diễn ra phiên tòa trực tuyến mà hệ thống trực tuyến bị gián đoạn do lỗi kết nối đường truyền, mất điện hoặc sự cố khác làm phiên tòa không thể tiếp tục được thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm ngừng phiên tòa.

Trường hợp đến ngày mở lại phiên tòa mà vẫn không thể tổ chức được thì tòa án ra quyết định hoãn phiên tòa. Tòa án xem xét, quyết định việc mở lại phiên tòa theo hình thức trực tuyến hoặc theo hình thức thông thường theo quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, theo Thông tư liên tịch số 05, đối với vụ án hình sự tại phiên tòa người tham gia tố tụng đưa thêm vật chứng, tài liệu ra xem xét có thể dẫn đến thay đổi tội danh, thêm tội danh, thêm đối tượng, phải trưng cầu giám định... mà tại phiên tòa không thể bổ sung thêm chứng cứ thì Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa.

Nếu vụ án thuộc trường hợp tạm đình chỉ hoặc trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì không hoãn phiên tòa. Hội đồng xét xử xem xét giải quyết theo quy định tại khoản 6 Điều 326 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem