Chánh án Nguyễn Hòa Bình và Viện trưởng Lê Minh Trí thông tin về vụ án ĐBQH nói có dấu hiệu oan sai

Hoàng Thành (lược ghi) Thứ ba, ngày 08/11/2022 20:08 PM (GMT+7)
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình và Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí vừa cung cấp thông tin liên quan đến "kỳ án" buôn lậu gỗ trắc 11 năm trước liên quan đến Quảng Trị và Đà Nẵng.
Bình luận 0

Chiều 8/11, giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao Nguyễn Hòa Bình và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí đã cung cấp thông tin về vụ án buôn lậu gỗ trắc ở Quảng Trị liên quan đến Công ty Ngọc Hưng trước đó được đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề cập đến và cho rằng vụ án này có dấu hiệu oan sai.

Bộ Công an, Viện KSND Tối cao, Bộ NNPTNT, Bộ Tư pháp khẳng định là đúng!

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, liên quan đến vụ án này, ĐBQH đã phát biểu rất nhiều lần. Vì có nhiều ý kiến đề nghị phải cung cấp thông tin, Chánh án TAND Tối cao nói rõ: "Đây là những thông tin chúng tôi cung cấp trên cơ sở hồ sơ của cơ quan điều tra Bộ Công an, của Viện KSND Tối cao và kết quả xét xử của phiên sơ thẩm và phiên phúc thẩm tại Đà Nẵng, không phải là quan điểm của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao", ông Bình nói và lý giải "theo quy định của pháp luật, trước khi thụ lý vụ án thì các thẩm phán, kể cả Chánh án TAND Tối cao không được phát biểu quan điểm của mình về vụ án trước khi tuyên án".

Chánh án Nguyễn Hòa Bình và Viện trưởng Lê Minh Trí cung cấp thông tin về vụ án buôn lậu gỗ trắc 11 năm trước - Ảnh 1.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: QH.

Theo thông tin Chánh án Nguyễn Hòa Bình cung cấp, Công ty Ngọc Hưng nhập một lô hàng trên hồ sơ hơn 500 khối vào Việt Nam, gỗ có xuất xứ từ Lào, sau đó bán cho phía Hồng Kông toàn bộ lô gỗ này.

Trong quá trình xuất, nhập khẩu, cơ quan chống buôn lậu của Hải quan phát hiện có vấn đề nên đã bắt lô hàng này, khởi tố vụ án và chuyển giao cho cơ quan điều tra Bộ Công an.

Cơ quan điều tra Bộ Công an sau đó tiến hành điều tra rất lâu và chuyển cho Viện KSND Tối cao, Viện KSND Tối cao đồng tình với quan điểm của Bộ Công an và truy tố toàn bộ lô hàng hơn 500 khối này là buôn lậu.

"Toàn bộ hồ sơ nhập khẩu của lô hàng này là hồ sơ giả, hợp đồng giả, công ty bán gỗ bên Lào là không có thật, chữ ký giả, vận đơn giả, 3 giấy kiểm dịch thực vật thì được phía Lào cấp cho Công ty Tâm Tâm ở Đông Hà (Quảng Trị) và Công ty 407 ở Vinh (Nghệ An), không phải cấp cho công ty này, việc thanh toán thì Bộ Công an cũng chứng minh là giả", Chánh án Nguyễn Hòa Bình thông tin lý do cơ quan điều tra Bộ Công an và Viện KSND Tối cao truy tố về tội buôn lậu.

Cũng theo thông tin Viện KSND Tối cao cung cấp phía cơ quan chức năng nước Lào cũng khẳng định công ty này không có thật. Trên cơ sở là nhập khẩu của bộ hồ sơ giả cho nên Bộ Công an và Viện KSND Tối cao kết luận là toàn bộ lô hàng này là hàng buôn lậu.

"Tòa án cấp sơ thẩm xét do có việc khai báo, cho nên chỉ tuyên buôn lậu một phần. Tòa án cấp phúc thẩm cũng khẳng định là buôn lậu, kết luận là buôn lậu 78 khối gỗ. Bởi vì, hồ sơ khai là 535 khối nhập khẩu nhưng hồ sơ giám định là 614 khối, chênh lệch của hai khoản này là 78 khối. Tòa án cấp phúc thẩm chỉ tuyên là buôn lậu phần không khai báo với 78 khối. Không đồng tình với bản án của tòa án, Viện KSND Tối cao kháng nghị yêu cầu phải tăng nặng hình phạt, bởi vì buôn lậu toàn bộ lô chứ không phải buôn lậu 78 khối", ông Bình nói rõ trước Quốc hội.

Ông Bình cung cấp thêm thông tin: Về việc Công ty Ngọc Hưng và ông Trương Huy Liệu (bị cáo trong vụ án-PV) kêu oan, đề nghị xem xét theo trình tự giám đốc thẩm với lý do cơ quan giám định là một Viện ở Đà Nẵng giám định, không đủ tư cách pháp nhân và không đúng phương pháp.

"Đấy là lý do trong đơn đề nghị giám đốc thẩm của Công ty Ngọc Hưng đưa ra, hoàn toàn không nói gì đến hành vi hồ sơ giả. Cơ quan điều tra còn chứng minh được hồ sơ nhập khẩu là giả như tôi đã nói ở trên. Hồ sơ xuất khẩu cho công ty ở Hồng Kông cũng là hồ sơ giả. Cơ quan điều tra Bộ Công an đã yêu cầu Interpol Hồng Kông xác minh. Kết quả xác minh công ty này không có ông đấy và không ký hồ sơ này", Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay.

"Tôi hiểu là nội dung kết luận gian dối thì không vấn đề gì nói cả, chỉ nói về thẩm quyền, chức năng của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật tại Đà Nẵng trong việc giám định. Ý kiến về Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật hiện nay đang khác nhau. Công ty Ngọc Hưng nói là giám định là sai, thẩm quyền sai và phương pháp sai. Phía tỉnh Quảng Trị cũng nói sai.

Nhưng những cơ quan như Bộ Công an và Viện KSND Tối cao khẳng định là đúng, cơ quan chủ quản của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cũng khẳng định là đúng và Bộ Tư pháp với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về giám định tư pháp khẳng định là đúng", ông Bình cho biết.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình và Viện trưởng Lê Minh Trí cung cấp thông tin về vụ án buôn lậu gỗ trắc 11 năm trước - Ảnh 3.

Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí. Ảnh: QH.

Có xung đột về căn cứ pháp lý, pháp luật

Cũng có ý kiến về vụ việc này, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí cho rằng, đây là vụ án kéo dài 11 năm và các cơ quan chức năng đã tốn nhiều công sức, thời gian để thu thập chứng cứ và để có căn cứ, có cơ sở để kết luận điều tra, truy tố và xét xử đến nay 2 cấp là sơ thẩm và phúc thẩm.

"Trong giai đoạn tôi làm Viện trưởng đến nay, ở khóa XIV của Quốc hội, tôi đã trực tiếp nhận 7 văn bản chất vấn, trả lời 9 lần ở các kỳ họp của nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội. Đến nay vụ án này đã tới giai đoạn phúc thẩm và đang có hiệu lực thi hành bản án. Tuy nhiên, bây giờ đại biểu tiếp tục quan tâm thì tôi xin phát biểu mấy ý", ông Lê Minh Trí cho hay.

Theo Viện trưởng Viện KSND Tối cao, hiện nay có 2 vấn đề. Thứ nhất, quá trình điều tra, xác minh của vụ án, các cơ quan chức năng có một số sai phạm, tuy nhiên việc này đã được phát hiện, xử lý theo quy định của pháp luật. "Những sai phạm này không làm thay đổi hành vi buôn lậu của các bị can, bị cáo", ông Lê Minh Trí nhấn mạnh.

Việc thứ hai, Ủy ban Tư pháp có ý kiến về tính pháp lý. Theo đề nghị của Ủy ban Tư pháp, ngày 3/11 thì Viện KSND Tối cao đã có Văn bản 4231 báo cáo lại Ủy ban Tư pháp về vụ án này, dài gần 8 trang.

"Nhưng mấu chốt ở đây là đã có viện dẫn 5 căn cứ về pháp lý của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật. Một là ý kiến của Bộ Tư pháp, như Chánh án đã nói. Thứ hai là Bộ NNPTNT, cơ quan điều tra Bộ Công an, Viện KSND Tối cao căn cứ vào các cơ sở pháp lý: Nghị định 84 của Chính phủ và Pháp lệnh Giám định tư pháp, Điều 24, Điều 8 và Điều 20 của Luật Giám định tư pháp. Còn Ủy ban Tư pháp thì băn khoăn vấn đề pháp lý ở chỗ khoản 4 của Điều 100 của Bộ Luật Hình sự 2015.

Vẫn theo Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Ủy ban Tư pháp có băn khoăn về việc coi kết quả giám định của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật là chứng cứ quyết định.

"Về quan điểm của cơ quan truy tố chúng tôi thấy rằng đây là một trong những chứng cứ buộc tội chứ không phải là chứng cứ quyết định", ông Trí nói và lý giải rằng ngoại trừ kết luận giám định ra thì còn có lời khai của 8 lái xe liên quan đến hành vi buôn lậu gom gỗ từ Lào về làm hồ sơ giả. Hai là lời khai của 3 đại diện của nhà máy chế biến gỗ của Lào và kết quả giám định hồ sơ, chữ ký, con dấu và sự mâu thuẫn trong 3 giấy kiểm dịch thực vật.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình và Viện trưởng Lê Minh Trí cung cấp thông tin về vụ án buôn lậu gỗ trắc 11 năm trước - Ảnh 4.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng - Đoàn Quảng Trị. Ảnh: QH

Đặc biệt là những lời khai của Trương Huy Liệu, của Trần Thị Dung và 3 bị can khác trong quá trình xét hỏi đã thừa nhận. Đến nay, vụ án đã qua 2 cấp sơ thẩm và phúc thẩm, thời gian qua thuộc thẩm quyền xem xét xử lý của Viện KSND cấp cao Đà Nẵng và TAND cấp cao Đà Nẵng.

"Qua nghiên cứu hồ sơ của vụ án cũng như nội dung tham mưu của bộ máy giúp việc thì Viện trưởng Viện KSND Tối cao thấy chưa có cơ sở và căn cứ để Viện trưởng thực hiện quyền kháng nghị thủ tục giám đốc thẩm các bản án này", Viện trưởng Viện KSND Tối cao nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem