Chạnh lòng dịch giả tài năng mắc chứng suy tim

Thứ tư, ngày 06/06/2012 16:23 PM (GMT+7)
"Có những lúc tôi bị cơn đau dồn đến chỗ chết, nhưng rồi tôi vẫn sống. Trong khó khăn, thách thức luôn tiềm ẩn những cơ hội. Vì thế, tôi phải đương đầu với thách thức và tìm cơ hội trong đó..."
Bình luận 0

Căn phòng chỉ rộng chừng 10m2. Cái nóng của mùa hè Hà Nội thổi vào không gian ấy sự ngột ngạt, khó chịu. Nhưng, oi bức không thể cản trở chỉ tiêu sáu trang dịch mỗi ngày của Nguyễn Bích Lan, bởi ngay cả căn bệnh loạn dưỡng cơ mà chị chịu đựng trong hơn 20 năm nay cũng không ngăn cản được chị.

Bệnh nghiệt ập đến

img
Nguyễn Bích Lan và poster bìa tập truyện và thơ của chị do NXB Trẻ ấn hành.

13 tuổi, một sáng đến trường, Bích Lan tự dưng có cảm giác tê điếng hai đầu gối. Cơ thể chị gần như bị gục xuống, hai đầu gối co gập lại và chân thì cứng đơ không tự đứng dậy được. Những ngày sau, cơ thể Bích Lan mỗi lúc một yếu, rồi gầy sụt rất nhanh. Thấy tình trạng bất thường của con gái, ba mẹ đưa chị đến bệnh viện.

Bác sĩ cho biết Bích Lan mắc phải căn bệnh loạn dưỡng cơ, một loại bệnh làm suy yếu vận động của cơ thể, gây sụt cân dần dần. Dù bác sĩ cho biết bệnh thuộc loại hiếm, không thuốc thang nào điều trị khỏi, gia đình đưa Bích Lan đi rất nhiều bệnh viện nhưng bệnh vẫn còn mà cơ thể chị ngày một gầy yếu.

Bích Lan kể lại: “Tôi không nhớ nổi mình đã bị rút bao nhiêu ống máu trong người, khủng khiếp nhất là những lần lấy tuỷ, cắt thịt để làm xét nghiệm. Nhưng mọi thứ đều vô phương. Tôi đã nghĩ mình có thể chết bất kỳ lúc nào, nhưng tôi không sợ chết. Lúc từ bệnh viện bước ra, tôi chỉ muốn mẹ đưa mình về nhà, sống yên bình cùng gia đình, người thân”.

Tự học thành cô giáo ngoại ngữ

Bệnh tật đã khiến Bích Lan nghỉ học giữa chừng. Bao ước mơ cháy bỏng của một cô học trò chuyên văn đã dừng lại, chị chỉ biết quẩn quanh trong bốn bức tường của căn phòng nhỏ bé. 17 tuổi, Bích Lan cứ thế chống chọi với những cơn đau, chân tay teo tóp, các khớp xương như dính lại. Chị yếu đến mức không tự bê nổi bát cơm.

Những lúc như vậy, Bích Lan lại nghĩ đến cái chết. Nhưng rồi chị lại tìm thấy hướng đi cho bản thân mình. Chị chia sẻ: “Lúc đó em trai tôi đã học lớp 10. Mỗi lần nó học tiếng Anh, tôi thích lắm, nên quyết tâm học cùng em. May mắn thay, tôi được người em họ học chuyên ngoại ngữ trên Hà Nội gửi về cho một bộ giáo trình. Tôi bắt đầu tìm thấy mục đích sống từ đó”.

Dùng chung cuốn giáo khoa với em trai, mỗi ngày Bích Lan bỏ ra sáu tiếng để học Anh văn, đọc sách, luyện nghe qua băng đĩa, radio. Sau năm năm tự học, Bích Lan có được vốn tiếng Anh kha khá. Vùng quê Kiều Trai (Minh Tân – Hưng Hà – Thái Bình) của chị khi đó rất hiếm giáo viên ngoại ngữ. Bích Lan muốn truyền đạt những gì mình học cho trẻ em trong vùng.

Hiểu được tâm nguyện của con gái, mẹ chị đã đi khuyến khích trẻ em trong vùng đến với lớp học của cô giáo Bích Lan. Lớp học từ năm, sáu em, mở rộng thành 25 – 26 học sinh. Bốn lớp học trong một tuần, chủ yếu là học sinh cấp 3, đã có học sinh học lớp “cô Lan” sau này trở thành giáo viên ngoại ngữ.

Bích Lan đã chứng tỏ được khả năng truyền đạt ngoại ngữ của mình, nhưng bệnh tật thì không để yên cho cơ thể chị. Cân nặng chỉ nhỉnh hơn 30 ký, mọi tư thế ngồi, đứng, cúi, đi lại đều là một thử thách. Chị đành phải ngưng việc dạy học tại đó.

Đam mê với nghề dịch thuật

Bích Lan chuyển sang một lĩnh vực mới, dịch văn học. Không phải ai giỏi ngoại ngữ đều có thể dịch tác phẩm văn học. Nhờ có năng khiếu văn chương lại chăm đọc sách từ bé, Bích Lan đã tích luỹ được vốn kiến thức về nhiều lĩnh vực như văn hoá, lịch sử, chính trị, xã hội để có thể dịch trôi chảy những trang sách văn học ngay từ lần đầu thử sức... Mỗi ngày chị đặt tiêu chuẩn cho mình phải hoàn thành sáu trang dịch.

Có hôm mệt đến thở không được, nhưng không hiểu sao cứ chạm mấy đầu ngón tay vào bàn phím máy tính là cơn đau mất đi tự lúc nào không rõ. Tác phẩm dịch đầu tay của Bích Lan, Đừng nghi ngờ tình yêu của anh được xuất bản và chinh phục nhiều bạn đọc. Chị còn tập trung vào lĩnh vực khó nhai, là dịch những tác phẩm đoạt giải Pulitzer, giải Commonwealth.

Đó đều là những tác phẩm khó dịch, có hàm lượng giá trị văn chương cao, nhưng Bích Lan đã chinh phục được sự “khó nuốt” bằng chính nỗ lực và khả năng của mình. Cho đến giờ, Bích Lan đã xuất bản được một tập truyện ngắn, và đang dịch đến cuốn sách thứ 24. Năm 2010, chị được hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng cho bản dịch Triệu phú khu ổ chuột. Đây là sự ghi nhận cao nhất ở nước ta dành cho một dịch giả trong nước.

Hiện giờ, căn bệnh loạn dưỡng cơ trong chị đã biến chứng sang suy tim. Sức khoẻ của chị chỉ bằng 15% người bình thường. Nhưng khi nhắc đến bệnh tật, Bích Lan chỉ thở nhẹ, tâm sự đầy lạc quan: “Có những lúc tôi bị cơn đau dồn đến chỗ chết, nhưng rồi tôi vẫn sống. Trong khó khăn, thách thức luôn tiềm ẩn những cơ hội. Vì thế, tôi phải đương đầu với thách thức và tìm cơ hội trong đó.

Hạnh phúc hay không đều ở bản thân mình, trông chờ vào may mắn ít thôi. Với tôi, được sống với đam mê, được làm công việc có ích, được sống trong tình cảm mẹ cha chính là động lực giúp tôi vui vẻ, bình yên đến hôm nay”.

Theo Sài Gòn tiếp thị

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem