“Chấp nhận Bob Kerrey, thế giới sẽ ngưỡng mộ Việt Nam hơn”

Lương Kết Chủ nhật, ngày 05/06/2016 19:10 PM (GMT+7)
"Dân tộc Việt Nam luôn lấy sự bao dung, đại nghĩa để thắng hung tàn. Với tư tưởng đó chúng ta chấp nhận Bob Kerrey thì thế giới sẽ ngưỡng mộ Việt Nam hơn là chúng ta gây áp lực phải đổi người khác làm Chủ tịch hội đồng tín thác Đại học Fulbright" - GS - TSKH Vũ Minh Giang (Đại học Quốc gia) chia sẻ.
Bình luận 0

Hiện dư luận có nhiều luồng ý kiến khác nhau xung quanh việc cựu binh Mỹ Bob Kerrey, người từng trực tiếp tham gia vụ thảm sát trong chiến tranh Việt Nam, làm Chủ tịch hội đồng tín thác Đại học Fulbright. Về vấn đề này, quan điểm của GS ra sao?

img

GS - TSKH Vũ Minh Giang

- Quan điểm của tôi, ai là người đứng đầu tốt nhất trong hoàn cảnh hiện nay thì nên chọn. Tốt nhất theo suy nghĩ của tôi là có nhiều điểm hội tụ vào, trong đó có hai điểm quan trọng nhất. Thứ nhất là năng lực, hiểu theo nghĩa trình độ và khả năng quản lý. Thứ hai là cái tâm của người đó với cơ sở giáo dục. Ngoài ra, thứ ba là uy tín của người đó.

Dường như hai điểm quan trọng kể trên đối với ông Bob Kerrey ít người nghi ngờ. Nói về năng lực thì ông từng điều hành Đại học Harvard, còn nói cái tâm thì ông Kerrey đã dành công sức, sự nhiệt huyết vận động để cho ra đời ĐH Fulbright ở Việt Nam 20 năm nay, ông đã gặp rất nhiều khó khăn khi theo đuổi việc này.

Thế nhưng nói về uy tín xã hội, luồng ý kiến không muốn ông Kerrey làm lãnh đạo vì câu chuyện lịch sử trước năm 1975. Ông Kerrey từng là lính Mỹ, từng chỉ huy đơn vị đặc nhiệm gây ra vụ thảm sát ở Bến Tre. Tôi thấy có nhiều ý kiến cho rằng phải chú ý vấn đề này, bởi người Việt Nam có ý thức dân tộc rất cao, vấn đề như vậy cần tránh...

Những ý kiến đó tôi hoàn toàn chia sẻ, bởi họ cũng lo ngại một người đã có quá khứ như vậy, liệu hình ảnh của ông ta đứng đầu một cơ sở giáo dục liệu có hợp hay không? Nhưng ở đây câu chuyện phải cao hơn điều tôi nói là chia sẻ, tức là phải xử sự có tầm của dân tộc Việt Nam. Nếu như chúng ta cứ câu nệ, cố chấp vào quá khứ thì chúng ta không có được phương châm Việt Nam muốn là bạn các nước.

Trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ có rất nhiều đồng minh, đồng nghĩa với việc chúng ta có nhiều kẻ thù.

 Nếu chúng ta cứ đặt vấn đề như vậy ở một đất nước chiến tranh liên tục, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc gian truân thì chúng ta không có được chủ trương làm bạn với các nước. Chính vì chủ trương của chúng ta là khép lại quá khứ hướng tới tương lai thì mới có không khí cởi mở trong dịp đón Tổng thống Hoa Kỳ Obama sang thăm Việt Nam như vừa qua.

Nhưng cũng có luồng ý kiến cho rằng, chấp nhận ông Bob Kerrey làm lãnh đạo ĐH Fulbright chẳng khác nào một lần nữa chạm vào vết thương lòng người dân Việt Nam, thưa GS?

- Dân tộc Việt Nam là một dân tộc không khoét sâu hận thù, là dân tộc lấy bao dung, lấy đại nghĩa để thắng hung tàn. Với tư tưởng đó, nếu chúng ta chấp nhận một người như Bob Kerrey thì thế giới sẽ ngưỡng mộ Việt Nam hơn là chúng ta gây áp lực phải đổi người khác làm Chủ tịch hội đồng tín thác Đại học Fulbright.

Trong tình huống trên nên có sự chia sẻ, sự đồng cảm và thể hiện tấm lòng bao dung rộng mở, làm sao để ông Kerrey xúc động vì cái đó, chứ không nên gây áp lực. Nếu vì một lý do gì đó ông Bob Kerrey không làm Chủ tịch hội đồng tín thác Đại học Fulbright ở Việt Nam nữa thì chúng ta mất nhiều hơn được.

"Nhà vua có nói rằng, trong lúc túng quẫn chuyện người ta làm như vậy là không hay nhưng có thể hiểu được. Giờ đem ra trừng trị thì có lợi gì? Rõ ràng trạng thái hòa bình, ổn định và phát triển mạnh mẽ của triều đại nhà Trần sau 3 lần chống quân Nguyên Mông có thái độ bao dung, xóa bỏ chuyện cũ của vua Trần Nhân Tông​" -GS.TSKH Vũ Minh Giang​

Cách giải quyết kiểu khoét lại quá khứ, gợi lại hận thù dường như không giống với truyền thống của dân tộc ta, của cha ông ta. Chúng ta phải kéo Kerrey về phía mình, để ông ta có cơ hội thể hiện tấm lòng. Qua những gì ông Kerrey đã thể hiện có thể thấy ông ấy cũng muốn làm việc gì đó để bù đắp một phần lỗi ông Kerrey đã gây cho dân tộc Việt Nam.

Chấp nhận Bob Kerrey chúng ta còn có thêm người bạn sâu sắc. Ông ấy quyết tâm làm việc tốt cho hai dân tộc, chúng ta cần phải ghi nhận, khuyến khích việc làm của ông ấy thì có thể sự nhiệt tình của ông tăng lên gấp bội. Chưa kể cách hành xử của chúng ta còn để cho nước Mỹ nhìn vào, thế giới nhìn vào họ thấy đó một dân tộc có tầm.

Trong lịch sử dân tộc, cha ông ta đã thể hiện lòng bao dung thế nào để vượt qua sự thù hận thưa GS?

- Dân tộc ta là dân tộc yêu chuộng hòa bình, có truyền thống bao dung, vị tha. Trong lịch sử chúng ta đã có những tấm gương lớn. Thời nhà Trần, nước ta bị quân Nguyên Mông tấn công quyết liệt. Có không ít vị quan lại, tướng không chịu đựng được đã có sớ xin hàng giặc. Sau khi giành được thắng lợi, các tướng lĩnh mang những sớ mà quân Nguyên Mông bỏ lại cho vua Trần Nhân Tông xem với mục đích xử tội những kẻ đã có ý định đầu hàng giặc, nhưng nhà vua đã không xem những sớ đó mà sai quân đem đi đốt hết.

Nhà vua có nói rằng, trong lúc túng quẫn chuyện người ta làm như vậy là không hay nhưng có thể hiểu được. Giờ đem ra trừng trị thì có lợi gì? Rõ ràng trạng thái hòa bình, ổn định và phát triển mạnh mẽ của triều đại nhà Trần sau 3 lần chống quân Nguyên Mông có thái độ bao dung, xóa bỏ chuyện cũ của vua Trần Nhân Tông.

Câu chuyện nữa là giặc Minh sang giày xéo đất nước ta từ 1407 -1427, trong 20 năm ấy, các nhà sử học nghiên cứu đã nói cuộc xâm lược này tàn khốc hơn cả 1000 năm Bắc thuộc. Tuy nhiên, sau khi thắng lợi về quân sự, Nguyễn Trãi đã đưa ra tư tưởng "dập tắt muôn đời chiến tranh", cho nên không gây hận thù tiếp và tạo ra con đường hòa hiếu hai bên, mở ra thời kỳ thái bình thịnh trị trong quan hệ Việt – Trung. Từ năm 1428 đến năm 1788, quân Mãn Thanh mới xâm lược nước ta.

Nói khép lại quá khứ vì tương lai, GS có cho rằng đối với những người không trực tiếp bị mất mát trong quá khứ sẽ dễ chia sẻ hơn không?

-Riêng tôi cũng có một trải nghiệm khi là bộ đội tham gia chiến đấu. Năm 1972, đơn vị tôi đóng quân ở dọc duyên hải miền Trung. Ở đó gần như ngày nào cũng bị pháo kích từ Hạm đội 7 của Mỹ nã vào. Tôi suýt chết nhiều lần vì những trận pháo kích như vậy, do đó lòng căm thù vô cùng.

Tuy nhiên cuộc đời cũng có cái hay, trong lần đi công tác có gặp gỡ ông giám đốc của Trung tâm nghiên cứu Việt Nam thuộc Trường ĐH Texas (Hoa Kỳ). Sau khi nói chuyện biết ông giám đốc này từng là Đại úy Hải quân Mỹ. Kể chuyện chiến tranh với nhau, hóa ra ông này lại là lính trên chiến hạm mà ngày nào cũng nã pháo vào khu vực đơn vị tôi đóng quân. Lúc đó tôi có thoáng suy nghĩ, người có thể bắn mình tan xác bằng quả đạn pháo có thể là ông này. Thế rồi, tôi và ông giám đốc đó đã ôm lấy nhau. Chúng tôi nói câu chuyện đó là một quá khứ không đẹp, là hố ngăn cách. Chính vì thế chúng ta phải bắc cầu qua hố ngăn cách, chứ không phải lấp đi.

Ông này có hứa làm thư viện và một kho lưu trữ tư liệu về chiến tranh Việt Nam và ông đã làm việc đó. Có thể nói, thời gian qua Trung tâm nghiên cứu Việt Nam đã giúp chúng ta rất nhiều, đã cung cấp những tài liệu để chúng ta tìm lại những chiến sĩ mất tích. Trong những câu chuyện đó có sự kiện cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm.

Trở lại câu chuyện về ông Bob Kerrey, tôi có nói chuyện với người bạn là Thiếu tướng Lê Mã Lương (Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam), ông Lương cũng trực tiếp chiến đấu và bị thương trong kháng chiến chống Mỹ. Tôi nghĩ nếu hận thù thì ông còn hơn nhiều người, nhưng ông ấy cũng có thể hiện quan điểm bao dung trước chuyện này.

Xin cảm ơn GS (!)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem