Chất vấn trực tiếp: Nóng chuyện điện, xuất nhập

Thứ hai, ngày 22/11/2010 09:29 AM (GMT+7)
Dân Việt - Bộ trưởng Bộ Công Thương là người đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên trong sáng 22-11. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận được nhiều câu hỏi về vấn đề điện, xuất nhập khẩu, phân bón...
Bình luận 0

>> Xem thông tin về phần mở đầu phiên chất vấn ngày 22-11 tại đây.

Là Bộ nhận được nhiều chất vấn nhất, 58 chất vấn, tập trung vào các vấn đề quy hoạch xây dựng bố trí nhà máy điện, bảo đảm an toàn các nhà máy điện, đập thủy điện, giá điện, điều hành xuất nhập khẩu tăng trưởng xuất khẩu hạn chế nhập siêu, tính an toàn của việc khai thác và chế biến bauxite ở Tây Nguyên (đặc biệt sau sự cố bùn đỏ), Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết: Tại kỳ họp thứ 7, Bộ Công Thương nhận được 29 chất vấn về 13 vấn đề liên quan đến điện lực, điều hành xuất nhập khẩu và điều hành giá cả hàng hóa trong nước. Đến nay, Bộ đã trả lời hết. 

img
 Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Công Thương. Ảnh: TTXVN

Tại kỳ họp lần này, có 40 kiến nghị liên quan đến điện lực, 26 liên quan đến quản lý thị trường và xuất nhập khẩu, 14 ý kiến liên quan đến các dự án Bô xít, đóng tàu, nhà máy lọc dầu Dung Quất. 

Về lĩnh vực điện lực, Bộ đã chỉ đạo đủ nguồn, đủ hệ thống truyền tải, phân phối. Năm 2010 dự kiến đạt 97,28 tỷ Kwh. Về lưới điện, 100% địa phương đã có điện lưới. 98,16% xã phường có điện lưới quốc gia. 96,57% hộ dân được cung cấp điện, 95,14% nông dân có điện. 

Các đại biểu đã bắt đầu đặt câu hỏi. Vị đại biểu đầu tiên đặt câu hỏi chất vấn là ông Trần Ngọc Vinh, đại biểu Quốc hội Hải Phòng. Ông Vinh hỏi ba vấn đề về điện, nhập siêu và quản lý giá cả. 

Theo ông Vinh, cử tri cho rằng việc thiếu điện, nguyên nhân sâu xa do liên quan đến quy hoạch ngành điện và đầu tư không hợp lý. "Bộ trưởng cho biết có đúng không? và đâu là hướng giải quyết của Bộ Công Thương? 

Dẫn kết quả nhập siêu tháng Bảy lên tới 1,07 tỷ USD, ông Vinh đặt câu hỏi: "Đâu là nguyên nhân? Con số này liên quan đến mục tiêu kiềm chế nhập siêu của Chính phủ?" 

Tại phiên họp Chính phủ tháng Mười, Thủ tướng yêu cầu tập trung chống lạm phát, nhưng giá cả hàng hóa ngày một tăng, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và nhân dân, đặc biệt đối với người thu nhập thấp, làm công ăn lương và hưu trí, Bộ đã có giải pháp thế nào?

Đại biểu Đặng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) nêu câu hỏi việc xả lũ các hồ thủy điện thời gian qua góp phần cùng mưa lũ làm tăng thiệt hại cho người dân. Bộ trưởng đã giải trình, nhưng rất chung chung. Cử tri rất khó hiểu vì những trả lời này không có số liệu cụ thể để minh chứng cho sự vô can của việc xả lũ hồ thủy điện.

Bộ trưởng trả lời rất khó thuyết phục, yêu cầu Bộ trưởng cho biết cụ thể về quá trình việc xả lũ vừa qua. Xây dựng thủy điện thực chất là đánh cược với thiên nhiên, hiện 9 tỉnh miền Trung có hơn 300 dự án thủy điện.

Đại biểu Hương nêu thêm câu hỏi xung quanh công tác tái định cư các dự án thủy điện còn nhiều bất cập. Vậy hướng giải quyết của Bộ trưởng như thế nào?

Đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) đặt câu hỏi: Nguyên nhân chậm tiến độ của việc thực hiện một số nhà máy điện, có phải do năng lực nhà thầu yếu hay không?

Kéo dài sơ đồ điện 6 có hợp lý hay không? Vì sao đang xây dựng sơ đồ điện 6 thì phải xây sơ đồ điện 7?

Điều chế alumin và khai thác bô xít gây tranh cãi vì khai thác và điều chế chỉ có hiệu quả khi thừa nước và điện, nhưng ta đang làm ngược lại. Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này?

Về vấn đề điện lực còn có nhiều hạn chế, mùa khô, thiếu điện diễn ra trên phạm vi rộng, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, một trong những nguyên nhân là chưa thực hiện đầy đủ các mục tiêu trong tổng sơ đồ 6. Dự kiến đến 2015 phải có 50.000 Mw công xuất nhưng đến hết 2010, mới dự kiến đạt 20.900 Mw và đến 2015, mục tiêu 50.000 Mw ngàn khó thực hiện, chỉ đạt được khoảng 80%.

Lý do chậm là không ít các công trình chậm tiến độ, chủ yếu do thu xếp vốn, giai đoạn đầu thực hiện đúng vào khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Thời gian này các nhà đầu tư gặp khó khăn về vốn, các ngân hàng không cho vay, kể cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Vốn chủ yếu là vốn vay thương mại, chứ không có nhiều vốn ODA.

Một số dự án tuy đã đưa vào hoạt động nhưng hoạt động chưa ổn định như nhà máy nhiệt điện ở Hải Phòng, Quảng Ninh. Việc đưa vào hoạt động chính thức của các nhà máy này bị chậm là một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu điện.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng kể đến việc thiên tai, hạn hán kéo dài cũng ảnh hưởng đến nguồn cung điện.

Một số dự án thủy điện chưa làm đúng quy trình

"Xung quanh vấn đề thủy điện tôi chưa bao giờ có câu trả lời chính thức khẳng định sự không liên quan của thủy điện nhỏ đối với tình hình xả lũ, gây lũ cho người dân", Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định.

Khi phát triển thủy điện nhỏ, trong quy họach có 230 dự án với tổng công suất 1.320 MW. Tuy nhiên, quy họach là một chuyện, còn triển khai như thế nào lại là chuyện khác. Hiện tại mới triển khai 90 dự án với công suất 900 MW.

Miền Trung do địa hình và đặc biệt khí hậu khô hạn nên phần lớn các dự án thủy điện nhỏ miền Trung không có chức năng điều tiết lũ. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng Bộ Công Thương cũng bổ sung một số chức năng cho các hồ thủy điện miền Trung.

Vừa qua, Thủ tướng đã ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa. Yêu cầu phải đảm bảo: Tuyệt đối an toàn công trình. Điều tiết lũ, giảm cắt lũ hạ du. Cuối cùng mới là yêu cầu đảm bảo phát điện

Tuy nhiên một số dự án đã làm chưa đúng quy trình. Thủy điện Ba Hạ đã có quy trình nhưng trước khi xả lũ, dù đã báo cáo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão T.Ư nhưng chưa kịp thời báo cáo với UBND địa phương. Bộ Công Thương đã yêu cầu kiểm tra, xác định nguyên nhân, trách nhiệm, kiên quyết xử lý theo quy định.

Đối với thủy điện Hố Hô đang xây dựng dở, đây là nhà máy có công suất chỉ 14 MW, thiếu máy phát dự phòng để kéo cửa cống, lũ lớn gây thiệt hại cho Nhà máy và nước cho hạ du.

img Chúng tôi chưa có phát biểu chính thức nào về việc các nhà máy thủy điện không liên quan đến xả lũ. img


Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết sẽ tiếp tục rà soát thủy điện, đảm bảo vấn đề lợi tích, tác động môi trường, điều tiết dòng chảy lũ, kiên quyết yêu cầu dẹp bỏ nếu không cần thiết hoặc không hiệu quả. Đến nay, 38 dự án tại 9 tỉnh đã bị thu hồi bởi "mưa lũ thất thường như vậy cần có thái độ kiên quyết hơn đối với các dự án thủy điện".

Về vấn đề bô xít, trả lời câu hỏi có mâu thuẫn khi nhà máy chế biến ở địa bàn thiếu nước, thiếu điện hay không, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng: Việc quyết định đã được Chính phủ cân nhắc, báo cáo Bộ Chính trị, nếu thuần túy hiệu quả kinh tế thì đặt nhà máy phía biển có hiệu quả cao hơn nhưng khi quyết định đối với dự án này cần xem xét tổng hợp tác động xã hội, kinh tế, mức độ lan tỏa của dự án. Chính phủ thấy rằng vì lợi ích của đồng bào địa phương trước hết là lao động, việc làm, cải thiện kinh tế địa phương.

Về việc thiếu điện, thiếu nước, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng hứa: Sẽ có đủ nước cung cấp cho nhà máy và sinh hoạt địa phương. "Về điện dù có đặt ở đâu cũng vẫn là khó khăn cần xử lý", ông Hoàng nói.

Phần nhiều máy móc chưa được đáp ứng

Ông Vũ Quang Hải tiếp tục chất vấn: Tiến độ các dự án điện có nguyên nhân năng lực các nhà thầu thấp hay không? Mặt khác, về vấn đề thị trưòng điện cạnh tranh, Phó Thủ tướng cho rằng người dân đã bắt đầu hưởng lợi, nhưng theo dự báo mà tôi có, khi có thị trường điện cạnh tranh, EVN vẫn nắm 60% thị trường, Vì sao không nhân tái cơ cấu, chúng ta xắp xếp lại vấn đề này?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời: Vì chúng ta đang trong quá trình đẩy mạnh phát triển nên bắt buộc phải nhập khẩu hàng hóa, máy móc thiết bị với tỷ trọng lớn. Trong đó hầu hết nguyên vật liệu chúng ta chưa sản xuất được hoặc sản xuất chưa đúng.

Chẳng hạn dệt may để xuất khẩu được 11 tỷ USD nhưng phải nhập khẩu tới 60%, da giày cũng vậy. Ngay cả những mặt hàng thiết yếu cũng vẫn phải nhập. Công nghiệp phụ trợ tuy đã được quan tâm nhưng kết quả hạn chế. Giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu cũng là vấn đề gây ảnh hưởng đến nhập siêu. Tuy giá cả hàng xuất khẩu của chúng ta tăng (chủ yếu là hàng hóa nông sản) nhưng giá cả nguyên vật liệu máy móc cũng tăng.

Theo mục tiêu đến năm 2015 sẽ giảm tỷ lệ nhập siêu xuống còn 14%. Sau 2015 sẽ tiến tới cân bằng cán cân thương mại ổn định cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô.

Chính phủ đã chỉ đạo việc kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, giảm nhập siêu. Chúng ta đã làm một số việc, bước đầu đạt hiệu quả. Năm 2008, nhập siêu 18 tỉ USD, tỉ lệ trên kim ngạch đạt 30%. Năm 2009, nhập siêu 12,9 tỉ USD, tỉ lệ kim ngạch đạt 22,5%. Năm 2010, nhập siêu dự kiến khoảng 11,9 - 12 tỉ USD, tỉ lệ kim ngạch đạt 17%. Trong ba năm, đã cố gắng giảm nhập siêu cả tiền vốn và kim ngạch.

Lý do chính của vấn đề này là nước ta đang trong quá trình đầu tư, phát triển, đẩy mạnh sản xuất. Phần nhiều máy móc chưa đáp ứng. Tỉ lệ này chiếm rất lớn. Một số nguyên vật liệu, sản xuất chưa đúng hoặc chưa sản xuất được nên phải nhập. Ví dụ như dệt may, năm nay nước ta xuất khẩu 11 tỉ USD, là một kỷ lục.

Tuy nhiên chúng ta cũng phải nhập khẩu phụ liệu rất lớn. Ngành dệt may mới lo được 43% nguyên liệu trong nước. Còn xấp xỉ 60% phải nhập. Một số ngành khác cũng vậy

Hai ngành này chiếm 93% tổng kim ngạch nhập khẩu. Chỉ có khoảng 7% hàng tiêu dùng không thiết yếu như ô tô 4 chỗ ngồi, hoá mỹ phẩm, điện thoại di động. Trong thời gian tới, vẫn phải duy trì nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu

Công nghiệp phụ trợ trong nước tuy đã được chú ý, quan tâm nhưng vẫn còn hạn chế. Đã chế tạo được nguyên vật liệu trong nước nhưng một số lĩnh vực vẫn phải duy trì nhập khẩu

Đại biểu Hà Nội, bà Phạm Thị Loan chất vấn: Nhập siêu từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng rất cao và kim ngạch được hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng cao. Nhưng như vậy thì nhập siêu ngày càng cao? Biện pháp nào sẽ được áp dụng để đảm bảo cán cân thương mại hai nước.

Về vấn đề điện bà Loan chất vấn nhiều nhà máy điện do các công ty Trung Quốc thực hiện đã đưa công nghệ lạc hậu, đưa vào các nhà máy sử dụng những loại than trong nước không sản xuất. Vậy số phận các nhà máy này sẽ ra sao? Bộ xử lý thế nào và trách nhiệm thuộc về ai?

Về vấn đề thủy điện, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói quan điểm của Bộ là những người dân chịu thiệt hại do lũ lụt và phần nào của các nhà máy thủy điện cần được hỗ trợ. Các ban quản lý, lãnh đạo các nhà máy thủy điện cần có trách nhiệm. Ví dụ tại Hố Hô, nhà máy đã tiếp nhận kiến nghị bồi thường của nhân dân. Ai thiệt hại phải chịu trách nhiệm.

Về phá rừng, một dự án thủy điện nhỏ cần 10ha diện tích, không loại trừ có dự án sử dựng diện tích rừng cho thủy điện, làm ảnh hưởng phần nào đến môi trường. Chính vì thế, chúng tôi đã rà soát quy hoạch, không cho triển khai tiếp.

Đề án tái cơ cấu ngành điện chưa đạt yêu cầu

Xung quanh chất vấn của đại biểu Phạm Thị Loan về vấn đề nhập siêu từ Trung Quốc, Bộ trưởng cho biết giải pháp trước mắt mà Chính phủ chỉ đạo và Bộ Công Thương đang tích cực triển khai là các biện pháp để tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc, qua đó giảm nhập khẩu, cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước.

Biện pháp cụ thể, quy họach phát triển thương mại 5 năm giữa Việt Nam - Trung Quốc sắp được ký kết. Bộ Công Thương cũng sắp ký kết với Bộ Thương mại Trung Quốc, theo đó Trung Quốc tăng cường nhập khẩu 18 nhóm mặt hàng mà Trung Quốc cần và Việt Nam có thể đáp ứng được. Đồng thời hai bên tăng cường các cuộc triển lãm, giới thiệu, quảng bá sản phẩm giữa hai nước.

Về vấn đề vốn cho ngành điện. Chính phủ yêu cầu chính ngành điện phải tự thu xếp nguồn vốn. Nhưng ngành điện cần có tích lũy mà tích lũy lại liên quan đến giá điện. Mặt khác, qua đàm phán, sẽ dành một phần nguồn vốn do điện từ Nhật Bản, Trung Quốc. Thứ ba, EVN đang đề xuất cho phát hành trái phiếu quốc tế huy động vốn cho ngành điện. 

Đối với các nhà thầu nước ngoài, chưa có thông tin chính thức nào nói họ đưa công nghệ lạc hậu vào Việt Nam. Quá trình đấu thầu bao giờ chúng ta cũng nêu yêu cầu về kỹ thuật trước, chỉ yêu cầu về thiết bị chứ không nêu xuất xứ, nếu đạt được mới xem đến giá cả.

Các nhà thầu Trung Quốc đều qua được khâu kỹ thuật và về giá, họ có giá cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, một số nhà máy cũng có khiếm khuyết về kỹ thuật, nhưng chỉ rơi vào các thiết bị phụ như ống hơi, sàng than chứ các thiết bị chính như phát điện thì không có vấn đề gì.

Về vấn đề công nghệ nhiệt điện không dùng than Việt Nam, Bộ trưỏng Vũ Huy Hoàng "xin được đính chính": Khả năng sản xuất than trong nước chưa đủ. Chính phủ có quy định các nhà máy nhiệt điện từ đèo Ngang trở vào dùng than nhập khẩu.

Về giá điện, có không ít vấn đề đã không còn phù hợp với Luật Điện lực, Bộ đã kiến nghị, Thủ tướng vẫn là người phê duyệt giá điện. Năm 2008, giá điện tăng 8,9%, năm 2009 tăng 6,8% đều được Thủ tướng phê duyệt. Các bậc thang cũng được Thủ tướng phê duyệt. Việc chưa phù hợp với Luật chúng tôi đã có giải trình với lý do như vậy.

Về việc phê duyệt quy hoạch thủy điện nhỏ, chúng tôi đã tham khảo địa phương trên cơ sở thực hiện ba nguyên tắc: Phù hợp với quy hoạch điện, sử dụng nước, sử dụng đất của ngành nông nghiệp, phù hợp với quy hoạch KT-XH địa phương.

Thủy điện nhỏ giao địa phương phê duyệt cũng theo ba nguyên tắc này. Tuy nhiên quá trình thực hiện có những bất cập, không phù hợp với đà phát triển.

Về tái cơ cấu ngành điện, Bộ trưởng cho biết đã trình Chính phủ nhưng do đề án chưa đạt yêu cầu nên Chính phủ yêu cầu làm lại. Trong tháng 12-2010, cũng sẽ trình lộ trình tăng giá điện. Cần phải tăng cường hiệu quả sử dụng vì còn nhiều hộ đang sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện lớn, đồng thời tiếp tục các biện pháp tiết kiệm điện.

Đại biểu Phạm Thị Loan ngay sau đó xin phát biểu. Bà cho rằng trả lời của Bộ trưởng về công nghệ của các nhà thầu Trung Quốc là chưa thỏa đáng

"Nếu Bộ trưởng còn chưa thấy hiện tượng các nhà thầu đưa thiết bị lạc hậu vào thì "cần phải xem lại".

Nếu Luật đấu thầu còn hạn chế thì phải sửa để mua được những cái chúng ta muốn mua chứ như hiện nay tôi cho rằng chúng ta chưa mua đúng những gì mình muốn", bà Loan nói.

Về than, bà Loan nhắc lại những dự án sử dụng công nghệ không dùng than trong nước, ví dụ trong nước sản xuất than cám 5, họ lại dùng thiết bị dùng than cám 3. Bà yêu cầu Bộ trưởng cần kiểm tra lại.

Năng lực chủ đầu tư có vấn đề

Làm rõ hơn câu hỏi chất vấn của đại biểu Phạm Thị Loan về vấn đề lựa chọn công nghệ và nhà thầu đối với các dự án điện, Bộ truởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Võ Hồng Phúc bổ sung thêm phần trách nhiệm của Bộ mình.

Bộ trưởng Phúc khẳng định: Quy hoạch thủy điện và tổng sơ đồ 6 rất phù hợp. Nếu đảm bảo được thì không sợ thiếu điện. Vấn đề ở đây chỉ là do các dự án nhiệt điện chậm tiến độ. Chẳng hạn như dự án nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 1,2, nhiệt điện Quảng Ninh 1,2.

Nguyên nhân không phải là ở nhà thầu mà là năng lực chủ đầu tư có vấn đề. Chủ đầu tư không phải chỉ chọn giá mà phải chọn kỹ thuật trước. Tôi cho rằng các chủ đầu tư của chúng ta chưa đủ năng lực để lựa chọn kỹ thuật, đòi hỏi kỹ thuật đối với các nhà thầu.

Riêng về vấn đề giá, không phải là chỉ là lựa giá thấp nhất mà là “giá đánh giá". Chẳng hạn như khi mua một chiếc ô tô 3.0 có nhiều loại hãng khác, nhưng cuối cùng vẫn phải đưa về một mức giá chung. Rõ ràng ở đây là vấn đề năng lực của chủ đầu tư trong vấn đề chọn nhà thầu chứ không phải vướng mắc về luật như đại biểu Thanh Hương nêu.

>> Tiếp tục theo dõi nội dung phiên chất vấn sáng 22-11: Hai câu hỏi nóng về phân bón và bô xít

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem