>> Xem phần đầu nội dung các đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương tại đây
Cuối 2007, ông đã từng hỏi nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế gia công, dẫn tới nhập siêu lớn, Bộ trưởng đã đồng ý và nói có các biện pháp giảm yếu tố gia công. Sau ba năm, Bộ Công Thương, một siêu bộ quản lý suốt quá trình sản xuất và lưu thông đã làm gì?
Thứ hai, ông Trần Du Lịch nói có nêu vấn đề mở cửa là tốt, nhưng ngành công nghiệp điện tử sống dở chết dở trở thành các địa điểm gia công cho Trung Quốc. Hội nhập cạnh tranh thế này thì có đàm phán cũng không giải quyết được. Chúng ta sẽ làm gì? Và đây có phải là một rủi ro về vĩ mô?
Ngay sau đó, Đại biểu Danh Út chất vấn và ông nói "chỉ chất vấn về vấn đề phân bón cho nông nghiệp". Có một thực tế là năm nào vào mùa vụ giá phân bón cũng tăng. Nhu cầu phân bón hàng năm là 9 triệu tấn. Chúng ta mới chỉ đáp ứng được 6 triệu, tức chỉ đáp ứng được 40%. Vậy đến khi nào sản xuất trong nước mới có thể đáp ứng? Và vì sao trong khi trong nước thiếu trầm trọng, Bộ lại cho phép xuất khẩu phân bón?
Ông Danh Út đề nghị Bộ Công Thương phải nói rõ: Phân bón có cho tạm trữ từ đầu năm hay không? Có được đưa vào diện ưu tiên, về ngoại tệ chẳng hạn, để các doanh nghiệp nhập khi Bộ Công Thương thì nói có, Ngân hàng Nhà nước thì nói không. Hơn nữa, nạn sản xuất, kinh doanh phân bón giả xuất hiện tràn lan tại 60 doanh nghiệp trên địa bàn 31 tỉnh, vậy Bộ Công Thương đã xử lý ra sao và có biện pháp gì để chấm dứt?
Ông Nguyễn Lân Dũng là đại biểu thứ ba chất vấn về vấn đề bô xít. Ông khẳng định ngay: "Tôi chưa yên tâm khi bùn để quá cao, độc tính quá lớn, ngửi đã gây ung thư rồi". Dung dịch tập trung trong các giếng làm sao đảm bảo an toàn? Dung dịch này có ăn mòn đường ống? Xử lý ra sao nếu có sự phá hoại hồ bùn đỏ từ các thế lực thù địch?
Theo ông Dũng, dù Bộ trưởng khẳng định có hiệu quả kinh tế, rủi ro thấp, nhưng liệu Bộ trưởng có tin thực sự không?
"Khi các nguồn thu từ cây công nghiệp, khu sinh thái tôi thấy không khả thi, không thuyết phục. Hiệu quả ít, độc hại nhiều thì nhân dân sẽ chịu thiệt", ông Dũng nói.
Có thể yên tâm giá cả sẽ được ổn định
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời câu hỏi xung quanh vấn đề giải pháp tham gia vào chống lạm phát và bình ổn giá. Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, thời gian qua, Bộ đã cùng Chính phủ và các địa phương phối hợp triển khai các biện pháp để bình ổn giá như đảm bảo cung cầu hàng hóa cho sản xuất và đời sống, 11 mặt hàng thiết yếu như gạo, muối, thép, phân bón, xăng dầu đều được chú trọng đảm bảo cung ứng.
Theo đánh giá chung, kể cả những giai đoạn khó khăn nhất như năm 2008, 2009 đã đảm bảo được các hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu. Nay vẫn tiếp tục những kinh nghiệm có được, tuy nhiên Bộ cũng đã triển khai thêm nhiều biện pháp cụ thể như huy động năng lực sản xuất trong nước, phát huy vai trò của các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa thiết yếu như điện, phân bón, xăng dầu…
Với nỗ lực chung chúng ta có thể yên tâm là giá cả sẽ được ổn định, yêu cầu hàng hóa sẽ được ổn định về cơ bản giữ được cân đối cung cầu. Thông qua các biện pháp bình ổn giá, các địa phương đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào bán hàng bình ổn giá. TPHCM, Hà Nội có hàng trăm điểm bán hàng bình ổn. Các cửa hàng này chiếm 30% lượng hàng cung ứng cho toàn xã hội.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng nhìn nhận hệ thống phân phối bán lẻ chưa phát triển theo đúng yêu cầu là một nguyên nhân khiến cho việc quản lý và bình ổn giá gặp khó khăn, sắp tới sẽ tập trung phát triển hệ thống này.
Quy hoạch về phát triển thương mại đã được phê duyệt từ khâu bán buôn đến khâu bán lẻ. Thực hiện cam kết khi ra nhập WTO bằng cách cho các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vao hệ thống phân phối.
Công tác quản lý thị trường cũng là một điểm yếu được Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng ghi nhận là chưa đạt so với yêu cầu vì những vi phạm thương mại ngày càng tăng và tinh vi do chúng ta còn đang yếu về khâu chuyên môn.
NHNN đã căn cứ vào sự thỏa thuận với Bộ Công Thương ưu tiên ngoại tệ cho các doanh nghiệp theo hướng những gì sản xuất được trong nước, đảm bảo chất lượng thì ưu tiên dùng hàng trong nước. Bộ đang có đề án xuất nhập khẩu giai đoạn 2011-2015, tăng cao hơn nữa tỷ lệ sản xuất trong nước, giảm nhập khẩu.
Về việc khắc phục nhập siêu đối với một số đối tác cụ thể, ông Vũ Huy Hoàng cho biết sẽ đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu để tránh rủi ro. Những thị trường truyền thống cũ được tái quay trở lại như Nga. Những thị trường tiềm năng như Nam Phi, châu Mỹ sẽ tăng cường các biện pháp để lan rộng diện xuất khẩu.
Đã yêu cầu tạm dừng xuất khẩu phân bón
Về phân bón, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, phân nhập khẩu chủ yếu đạm, DAP. Phân NPK đã sản xuất được trong nước với sản lượng 800 ngàn tấn/năm tại Cà Mau, đang thực hiện nhà máy ở Ninh Thuận với sản lượng 500 ngàn tấn và cải tạo nhà máy ở Bắc Giang. Bộ trưởng hứa tới năm 2015 chắc chắn không còn nhập khẩu nữa.
Đối với phân DAP mỗi năm hiện nhập 600 ngàn tấn, ông Vũ Huy Hoàng nói việc xây dựng nhà máy phân với công xuất 300 ngàn tấn ở Hải Phòng đã xong. Dự kiến sẽ xây tiếp nhà máy tại Lào Cai, đến năm 2015 sẽ xong. Lượng sản xuất sẽ là 600 ngàn tấn, đúng bằng lượng nhập khẩu hiện nay.
Về việc thiếu mà vẫn xuất khẩu, Bộ trưởng cho rằng: Vừa qua chỉ có Phú Mỹ có nhu cầu thử nghiệm xuất khẩu nhằm tìm kiếm sản phẩm xuất khẩu trong tương lai. Số lượng không lớn. Tuy nhiên trước tình trạng thiếu phân bón trong nước, Bộ đã yêu cầu tạm dừng.
Về dự án nhà máy Nhân Cơ, Bộ trưởng cho biết: Thủ tướng đã giao cho Bộ Công Thương tiến hành thẩm định dự án trên cơ sở Chính phủ đã quyết định địa điểm xây dựng. Trên cơ sở đó Bộ đã lập hội đồng thẩm định gồm 18 chuyên gia, nhà khoa học. Căn cứ vào các tiêu chí: Giá xuất khẩu, phí môi trường, giá alumin, vốn đầu tư, chi phí vận chuyển… sau khi thẩm định, thẩm tra chi tiết hiệu quả kinh tế của Viện Nghiên cứu xây dựng thì thấy rằng vốn của dự án Nhân Cơ là hiệu quả.
Đúng 11 giờ 30 sáng, phiên chất vấn sáng 22-11 đã kết thúc. 14 giờ chiều nay, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng sẽ tiếp tục trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội.
Nhóm PV
Vui lòng nhập nội dung bình luận.