Chật vật chuyển nghề sau dịch tả: Hi vọng giá tăng "nóng" cuối năm?

Nguyên Vỹ (thực hiện) Thứ tư, ngày 23/10/2019 19:10 PM (GMT+7)
Việc nông dân chưa dám tái đàn đang khiến nguồn cung thịt lợn thiếu hụt. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trí Công (ảnh) - Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, đã có nhiều giải pháp và chọn lựa thay thế nên giá thịt lợn cuối năm sẽ khó tăng nóng. Dù vậy, nguy cơ gây hại trên đàn lợn vẫn tiềm ẩn và tiếp diễn khi chưa có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Bình luận 0

img

Giá khó tăng hơn nữa

Ông đánh giá thế nào về tình hình dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) và những thiệt hại đối với người chăn nuôi, đặc biệt ở “thủ phủ” chăn nuôi tỉnh Đồng Nai?

- Những tháng qua, tổng đàn lợn đã thiệt hại đáng kể do phải tiêu hủy số lượng lớn. Thống kê của ngành nông nghiệp, thiệt hại chỉ khoảng 30% tổng đàn nhưng nhìn từ thực tế chăn nuôi ở Đồng Nai và các tỉnh lân cận, thiệt hại do DTLCP có thể lên trên 50% tổng đàn.

img

Ông Công cho rằng, thị trường có thể thiếu thịt nhưng giá lợn sẽ khó có thể tăng cao hơn nữa vào dịp cuối năm. Ảnh: N.V

"Nhà nước phải giao việc nhiều hơn cho các hiệp hội. Nhà nước không cần hỗ trợ bằng ngân sách mà chỉ cần chính sách phù hợp. Phải thay đổi cả quy trình chăn nuôi, con giống và việc quản lý”.

Ông Nguyễn Trí Công

Tại các vùng dịch, lợn bệnh được chôn ngay vùng nuôi nên sẽ phải mất vài năm nữa mầm bệnh mới giảm bớt, lúc đó việc tái đàn mới khả thi. Hiện nay, nông dân nhỏ lẻ gần như không dám nghĩ tới chuyện tái đàn. Còn những doanh nghiệp lớn, nhiều đơn vị có điều kiệncũng đã sang nước ngoài tìm kiếm nguồn con giống nhưng chưa dám đưa con giống về lúc này. Cuối năm nay, lượng thịt cung cấp ra thị trường chắc chắn sẽ thiếu. Do đó, phải có biện pháp tìm kiếm thực phẩm thay thế.

Theo ông, giá thịt lợn cuối năm sẽ còn tăng lên nữa không?

- Hiện tại, giá lợn hơi ở Đồng Nai đã lên tới mức 65.000 - 68.000 đồng/kg. Với người chăn nuôi, giá này chưa bù đắp được hết thiệt hại. Tuy nhiên, giá lợn sẽ khó có thể tăng cao hơn nữa vào dịp cuối năm.

Bởi vì các doanh nghiệp, các cơ sở cũng đã tính sẵn các phương án chuẩn bị sản phẩm thay thế cho thịt lợn, chủ yếu là thịt gà. Khả năng điều tiết thị trường của các thành phần tham gia chuỗi sản xuất, tiêu thụ… cũng đã nhạy cảm hơn nhiều. Nếu thiếu thịt lợn, lượng thịt nhập khẩu sẽ tăng để bù đắp thiếu hụt. Ngoài ra còn có thịt bò, thịt gà, thịt vịt…

Theo tôi, có thể thiếu thịt nhưng giá sẽ không tăng quá khả năng người tiêu dùng. Giá lợn ở quanh mức 65.000 đồng/kg là phù hợp với cả người chăn nuôi và người tiêu dùng trong tình hình hiện nay.

Vậy theo ông người nông dân có nên tái đàn vào lúc này?

- Nông hộ khó tái đàn lợn vào lúc này vì không kịp cung cấp cho thị trường cuối năm. Hơn nữa, họ không có con giống lại không có vốn vì ngân hàng ngại cho vay, đại lý cám không bán thiếu. Môi trường chuồng trại cũng không đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Hiện tại, DTLCP đang gây hại nghiêm trọng nhưng cũng là cơ hội để tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi. Người chăn nuôi phải tuân thủ Luật Chăn nuôi và dám chịu trách nhiệm về rủi ro.

Thay đổi quy trình và cơ cấu chăn nuôi

Ông đánh giá như thế nào về tình hình chăn nuôi và tiêu thụ gia cầm hiện nay. Theo ông, thịt gà có thay thế được thịt lợn lúc này?

Hiện, có nhiều hộ chăn nuôi ở Đồng Nai đầu tư phát triển đàn gà để thay thế vì chu kỳ sinh trưởng ngắn. Tuy nhiên, cái khó của cả người chăn nuôi lẫn nhà kinh doanh hiện nay là thiếu số liệu thống kê chính xác. Vì thế, việc tăng đàn hiện còn tự phát và chưa có kế hoạch cụ thể theo nhu cầu thị trường. Hơn nữa, đàn gà tăng cao thời điểm cuối năm cũng gia tăng rủi ro về bệnh cúm gia cầm.

Vậy còn thịt bò thì sao, thưa ông?

- Thịt bò cũng là một nguồn thay thế nhưng cái khó của nông dân nuôi bò hiện nay là thiếu đồng cỏ, thiếu nguồn thức ăn. Để phát triển đàn gia súc lớn, lấy thịt bù đắp cho thiếu hụt thịt lợn cũng cần đến 2 năm.

Nếu nuôi bò mà sử dụng quá nhiều thức ăn tinh thì khó giảm giá thành. Giống bò thịt ở Việt Nam lại có trọng lượng nhỏ, chỉ 200 - 300kg trong khi bò thế giới có thể nặng 800 - 900kg. Nếu giải quyết được các vấn đề về giá thành và nguồn giống, thịt bò mới được nhiều người lựa chọn hơn.

Có nhận định cho rằng, DTLCP là cơ hội để tái cơ cấu lại chăn nuôi lợn. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Nhật Bản chỉ có 1 triệu lợn nái nhưng mỗi năm vẫn sản xuất, cung cấp ra thị trường 28 triệu lợn thịt. Trong khi Việt Nam có 3,5 triệu nái nhưng mỗi năm cũng chỉ sản xuất được 32 triệu lợn thịt. Nếu đưa được khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, giảm được 1 triệu con nái nhưng tăng đàn lợn thịt lên được 30 triệu con thì một ngày sẽ giảm được gần 2 triệu tấn thức ăn và giảm được một phần gánh nặng cho môi trường.

Nghĩa là phải nâng được năng suất lên thì mới giải quyết được vấn đề của ngành chăn nuôi hiện nay.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem