Nhanh tay "mắc màn" cho lợn, chủ trang trại tự tin đẩy lùi dịch tả lợn châu Phi
Nhanh tay "mắc màn" cho lợn, chủ trang trại tự tin đẩy lùi dịch tả lợn châu Phi
Lê Năng Công
Thứ năm, ngày 09/07/2020 06:01 AM (GMT+7)
Từng bị thiệt hại một nửa đàn lợn do dịch tả lợn châu Phi, nhưng đến nay anh Lê Năng Công ở Thanh Oai (Hà Nội) đã tái đàn thành công, bán đúng thời điểm giá lợn hơi tăng cao. Báo NTNN /Dân Việt xin giới thiệu bài viết của anh Lê Năng Công về những kinh nghiệm quý trong phòng chống dịch bệnh để bạn đọc tham khảo.
Giá lợn hơi trên thị trường hiện vẫn đang rất cao, khiến một số người chăn nuôi đứng ngồi không yên, mong muốn tái đàn. Tuy nhiên, tái đàn lúc này cũng là một sự liều lĩnh bởi giá lợn giống vừa đắt đỏ, vừa khan hiếm, và quan trọng nhất là dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) vẫn đang rình rập.
Theo kinh nghiệm của tôi: DTLCP xảy ra với trang trại hở là do 2 nguyên nhân. Thứ nhất là do ruồi, đây là nguyên nhân chính. Ruồi thường kiếm ăn ở nơi bẩn thỉu, xác chết, bay đi khắp nơi và dễ dàng mang mầm bệnh từ nơi này tới nơi kia. Thứ hai là do lợn ăn thức ăn chứa virus gây bệnh. Đối với trại kín, DTLCP xảy ra là do thức ăn nhiễm bệnh và an toàn sinh học kém.
Hiện tôi có trang trại chăn nuôi hơn 200 con lợn các loại và áp dụng mô hình chuồng hở. DTLCP xảy ra, trang trại của tôi đã phải tiêu hủy hơn một nửa số lợn, số còn lại tôi dùng lưới mắc màn kín không cho ruồi, muỗi xâm nhập, thực hiện nấu chín thức ăn...
Đến nay, sau 6 tháng thực hiện biện pháp này, trang trại của tôi vẫn bình an vô sự, đàn lợn phát triển khỏe mạnh.
Thực tế tại trang trại của tôi cho thấy, với mô hình chuồng hở, trại thường xuất hiện nhiều ruồi do có cá rô phi nhập về để chế biến làm thức ăn cho gà, lợn. DTLCP xảy ra với dãy lợn thịt trước, tôi đã báo thú y xã tiêu hủy ngay và xin khoanh lại các dãy chưa bị dịch để cách ly bằng lưới cước. Trước tiên để cứu lợn, sau đó tôi chuyển dần sang dùng lưới chắn muỗi bằng inox và cải tạo lại toàn bộ chuồng theo hướng an toàn sinh học.
Tôi xin có lưu ý nhỏ là hiện nay giá lợn hơi đang ở mức rất cao nhưng tương lai không biết thế nào, do đó bà con cần tái đàn thật thận trọng, chia thành nhiều giai đoạn để nếu giá lợn hơi xuống, cũng đỡ thiệt hại".
Anh Lê Năng Công (email: congcucki@gmail.com)
Kết quả, trang trại của tôi bị chết và phải tiêu hủy khoảng 100 con lợn, giữ lại hơn 100 con. Sau 2 tháng kể từ ngày dịch bùng phát, không có con lợn nào bị mắc dịch và chết nữa.
Tôi đã gửi mẫu xét nghiệm ra Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương 2 lần (lần 1 gửi 10 mẫu, lần 2 gửi 15 mẫu gồm cả mẫu môi trường, mẫu máu lợn). Kết quả toàn bộ các mẫu âm tính.
Bài học phòng chống dịch
Qua theo dõi thực tế, tôi nhận thấy đối với trại hở (phần lớn là các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ) hoặc trang trại có quy mô vừa và nhỏ không được bảo vệ khỏi côn trùng ruồi, muỗi, chuột... Khi môi trường xung quanh có nguồn bệnh thì ruồi muỗi sẽ mang mầm bệnh đến và gây bệnh.
Đối với trại kín, phần lớn trang trại kín bị bệnh là do công tác an toàn sinh học kém, để lọt côn trùng gây bệnh vào trại; nguồn thức ăn nhiễm bệnh (nhiễm ở vỏ bao bì, có thể nhiễm ở trong thức ăn - cám viên), hoặc nhân viên, hoặc nước uống...
Do đó, tôi có đề xuất: Thứ nhất, với hộ chăn nuôi chuồng hở, trước mắt cần nhanh chóng "mắc màn" cho chuồng lợn của mình: Có thể sử dụng lưới cước, lưới inox (lưới inox chống muỗi, loại SUS 304, giá thị trường 45.000 đồng/m2), sao cho không để cho ruồi, muỗi, chuột... xâm nhập.
Khi xây chuồng, bà con có thể làm rãnh thoát nước với các ống thoát nằm chìm trong nước thải, côn trùng sẽ không lọt vào được. Ống thoát nước có thể quay lên khi ta cần vệ sinh chuồng. Lối đi giữa 2 dãy chuồng luôn có vôi để sát trùng; máng ăn, tường ốp gạch men để dễ vệ sinh.
Thực hiện nấu chín thức ăn cho lợn nếu nông hộ tự cung cấp thức ăn (nấu chín tới khi nào có vaccine DTLCP thì thôi).
Không sử dụng nước mặt cho ăn uống, tắm rửa chuồng trại. Nếu buộc phải dùng thì cần dùng hóa chất khử trùng để diệt mầm bệnh. Chia nhỏ quy ô chuồng để khi chẳng may xảy ra dịch sẽ hạn chế thiệt hại. Thực hiện tốt công tác an toàn sinh học.
Bình tĩnh khi xảy ra dịch vì bệnh chỉ lây lan qua con đường tiếp xúc. Khi lợn nhiễm bệnh, chỉ nên tiêu hủy từng ô chuồng bị bệnh (toàn bộ ô), các ô khác chưa chắc đã bị cần theo dõi thêm.
Về lâu dài: Chuyển hẳn sang kiểu chuồng kín để hạn chế dịch bệnh. Nên thiết kế lối đi giữa 2 dãy chuồng là rãnh chứa nước (có đổ vôi) vừa có tác dụng làm mát, vừa có tác dụng sát trùng tránh lây chéo các ô chuồng do bắt buộc phải đi qua. Hoặc với chuồng 1 dãy cũng nên có rãnh chứa nước vôi trước mặt để đi qua.
Cửa vào khu chăn nuôi nên làm 2 khoang: Khoang 1 để vận chuyển thức ăn vào (nếu có ruồi muỗi xâm nhập ta diệt luôn), khoang 2 mới là khu chăn nuôi.
Thứ hai, với hộ chăn nuôi chuồng kín, họ có tính chuyên nghiệp khá cao, hiểu biết nên chỉ cần tránh ruồi, muỗi, côn trùng xâm nhập; thực hiện tốt công tác an toàn sinh học. Nên gửi mẫu thức ăn tới các phòng thí nghiệm chuyên ngành xem có virus DTLCP nhiễm trong thức ăn hay không (với các hộ dùng cám của các hãng thức ăn nhỏ).
Chia nhỏ quy mô chuồng để tránh thiệt hại nếu dịch bệnh xảy ra (các ô chuồng nên xây ngăn cách nhau).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.