Chạy công chức và sự thật đáng xấu hổ

Hoàng Lan Thứ bảy, ngày 08/04/2017 06:52 AM (GMT+7)
Cũng giống như nhiều người, tôi thực sự hồ nghi khi nhìn vào chỉ số “54% người dân cho rằng phải hối lộ mới xin được việc vào khu vực hành chính công”. Có thể, thực tế, tỷ lệ đó còn cao hơn nhiều...
Bình luận 0

Tôi làm việc ở Thủ đô, ở cái ngành được mọi người cho là “có nhiều mối quan hệ”. Cũng vì thế, thi thoảng về quê, tôi lại bất ngờ được tiếp đón một số người quen, có thể thân, có thể sơ của gia đình đến nhờ vả “xem có chỗ nào chạy việc cho em nó”.

“Em nó” - có thể là một cậu sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp đại học; cũng có thể là một cô bé đã ra trường đôi ba năm vẫn ở nhà “ăn bám” bố mẹ. Mong muốn có việc làm ổn định của các em là chính đáng, nhưng chuyện tự thi vào công chức vốn khó hơn lên giời, bởi thế tìm cửa “chạy việc” là điều mà hầu như ai cũng nghĩ đến.

Tất nhiên, tôi không có mối nào để “chạy việc” giúp các em. Nhưng tôi biết, các bậc phụ huynh một nắng hai sương đó thường không bao giờ cam chịu, họ vẫn đang tìm mọi cửa để mà “chạy việc” cho con em mình có một chỗ ngồi trong bộ máy hành chính.

“Chạy việc”, “xin việc” vì thế trở thành cụm từ quen thuộc ở Việt Nam. Tình trạng này phổ biến đến mức, để có việc làm, đặc biệt là công việc trong hệ thống hành chính công, hầu như ai cũng mặc nhiên chấp nhận chi tiền lo lót, hối lộ, bất chấp có bị đòi hỏi hay không.

Chính vì cái sự thật hiển nhiên này, nên mới đây, khi nghe công bố chỉ số hiệu quả hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2016, cũng giống như nhiều người, tôi vẫn thấy hồ nghi về tỷ lệ “54% người dân phải hối lộ mới xin được việc vào khu vực hành chính công”.

img

Tương tự như cách đây gần 5 năm trước, cái ngày mà ông Trần Trọng Dực - Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra thành ủy Hà Nội bất ngờ tiết lộ “chạy công chức không dưới 100 triệu”, thoạt đầu thông tin đó khiến người nghe choáng váng, nhưng liền sau đó, người ta nhận thấy nó chưa phản ánh chính xác thực trạng chạy việc, chạy công chức ở ta hiện nay.

“100 triệu chạy vào công chức” được cho là quá rẻ” cũng giống như tỷ lệ “54% người dân phải hối lộ để vào công chức” được cho là thấp là một sự thật đáng xấu hổ.

Người ta vẫn hay đặt câu hỏi “vào công chức lương ba cọc ba đồng, sao ai cố chạy vào”. “Vì sao lương công chức thấp nhưng nhiều người giàu thế”?... Tất nhiên trong câu hỏi đã hàm ý trả lời: Công chức đâu chỉ sống bằng lương!?

Từ lâu, tâm lý vào nhà nước để được bổng lộc, để hưởng các đặc quyền, đặc lợi vẫn khá phổ biến và nặng nề đối với nhiều người. Nếu thời bao cấp, người ta cố xin vào công chức chỉ để có thêm “tem phiếu”, được thêm xuất mua hàng, thì ngày nay, phần lớn vào công chức không phải để hưởng lương ba cọc ba đồng, đúng theo phết, phẩy, mà để mong có cơ hội kiếm chác từ những chi phí “lót tay”, làm giàu từ những phong bì “hối lộ”.

Thực tế, cái vòng luẩn quẩn: “Hối lộ để được vào công chức - Vào công chức để được ăn hối lộ” đang mặc nhiên tồn tại, không thể kiểm soát nếu chỉ trông đợi vào “đạo đức công chức” vốn là câu cửa miệng “nói cho vui”.

Gần đây, dư luận cũng rộ lên chuyện chỗ này cha bổ nhiệm con, chỗ kia chồng bổ nhiệm vợ, rồi chuyện “cả họ làm quan” ở tỉnh này, huyện nọ…

Thanh tra, kiểm tra ra thì chỗ nào cũng “đúng quy trình”, không vi phạm.

Thực tình, nếu không phải cái quy trình có nhiều kẽ hở, để cơ chế “nhất quan hệ, nhì tiền tệ…” lên ngôi, thì làm sao lại có chuyện nực cười như thế.

Có lẽ chưa bao giờ, câu cửa miệng “Nhất thân, nhì thế, tam tiền, tứ chế” lại phổ biến, đến mức người dân thuộc “nằm lòng” như thế. Chả phải ngẫu nhiên mà đến bác nông dân cũng thức thời lo tích cóp từ khi con bước chân vào đại học, để chờ đến lúc con ra trường có được món kha khá lo chạy việc.

Cũng chả phải ngẫu nhiên mà người dân có tâm lý vào đến cửa công là chuẩn bị sẵn phong bao để “bôi trơn” cho nhanh được việc… Nhiều người bảo, “quan” có ăn hối lộ là bởi “dân” cứ “tự đưa”. Nhưng nếu không tự đưa, liệu có bị gây khó dễ?

Vẫn biết “thói quen” đưa hối lộ là đáng lên án. Nhưng đừng trách người dân, bởi đó là họ thức thời!

Mới đây, nhân đề cập đến báo cáo của PAPI, về chuyện chống tiêu cực, tham nhũng ở Việt Nam, có một chuyên gia ví von rất hay, rất trúng, rằng việc chống tiêu cực, tham nhũng giống như câu chuyện kiểm soát ô nhiễm.

Chúng ta ra sức hô hào làm sạch môi trường, thậm chí tốn rất nhiều công sức, nhưng vấn đề quan trọng nhất là phải có một hệ thống công nghệ sạch, hiện đại, ít thải ô nhiễm ra môi trường để kiểm soát ô nhiễm, thì vẫn chưa.

Rõ ràng, để tiêu cực, tham nhũng sinh sôi, không thể đẩy lỗi về phía người dân. Lỗi chính là ở chỗ chúng ta chưa có cơ chế để tạo ra được một bộ máy công chức “sạch”. Cái gốc của vấn đề là kỷ luật trong chính bộ máy cơ quan hành chính còn quá lỏng lẻo và nhiều kẽ hở. Đó là mảnh đất tốt để tiêu cực, tham nhũng lộng hành.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem