Cháy mãi ngọn lửa “Hùng binh Hoàng Sa”

Thứ ba, ngày 19/04/2011 06:07 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sáng 18.4, không khí thành kính toát lên ngay từ lúc đầu buổi lễ khi chủ lễ đọc văn tế các hùng binh năm xưa bỏ mình để bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Tổ quốc.
Bình luận 0
 img
Thả thuyền, một trong những nghi thức quan trọng của Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.

Sáng 18.4, tại đình làng xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi), các họ tộc ở đảo tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa để tỏ lòng tri ân đối với các thế hệ cha ông ngày trước đã chèo thuyền, vượt sóng dữ ra bảo vệ vùng biển đảo Hoàng Sa của Tổ quốc.

Trước đó, chiều 17.4, tại đình làng An Vĩnh, hơn 100 tăng ni, phật tử cầu siêu cho linh hồn của những người đã hóa thân vào biển cả của quê hương được thanh tịnh, siêu thoát. Tối 17.4, các họ tộc tổ chức thả hoa đăng trên biển. Theo quan niệm của người dân huyện đảo Lý Sơn, thả đèn hoa đăng là soi đường cho các hùng binh ra biển cả.

Dư âm hùng binh

Sáng qua, không khí thành kính toát lên ngay từ lúc đầu buổi lễ khi chủ lễ đọc văn tế các hùng binh năm xưa bỏ mình để bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Tổ quốc. “Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về/Hoàng Sa mây nước bốn bề /Tháng Hai khao lề thế lính Hoàng Sa”. Lời ca xưa được gợi nhắc lại khẳng định những hy sinh to lớn của các chiến binh ngày trước. Những người bước chân xuống thuyền ra đảo là chấp nhận không có ngày về.

 img
Thổi kèn ốc để cầu mong sự may mắn.

Họ tự chuẩn bị cho mình một đôi chiếu để đồng đội quấn xác nếu không may gục ngã; 7 đòn tre làm vật nẹp quanh thân; 7 sợi dây mây để bó xác... Những ai xấu số sẽ được đồng đội thả xuống biển, trên thi thể có cắm chiếc thẻ bài bằng tre ghi tên tuổi, làng quê, phiên hiệu... để ai bắt được thì có thể báo tin về bản quán. Thế nhưng, rất ít những người đi ra Hoàng Sa ngày xưa trở về, kể cả về với thi hài.

Hàng trăm ngôi mộ gió của hùng binh Hoàng Sa ngày xưa tồn tại đến hôm nay ở Lý Sơn đã nói lên điều đó. Vì vậy mà vào ngày 20.2 âm lịch hàng năm, trước ngày những người lính Hoàng Sa chuẩn bị xuống thuyền những năm xưa, các tộc họ trên đảo thực hành lễ khao lề thế lính, với ý nghĩa cầu mong cho người ra đi được bình an trên dặm dài sóng nước và còn may mắn trở về...

Rưng rưng tri ân

img Tôi rất khâm phục hành động dũng cảm hy sinh của người lính Hoàng Sa ngày xưa. Tôi muốn chứng kiến cái không khí bi hùng một thời nên quyết định ra đây img

Ông Hồ Cương Quyết

Lễ khao lề thế lính lần này tập trung đông đảo người của các họ tộc trên đảo. Trong số hàng ngàn người đang có mặt tại buổi lễ, em Nguyễn Văn Đạt - học sinh lớp 10B1, Trường THPT Lý Sơn, cảm nhận: “Qua mỗi lần tổ chức lễ, chúng em lại thêm một lần hiểu hơn sự hy sinh của các bậc tổ tiên trong việc gìn giữ biên cương của Tổ quốc.

Vì vậy mà năm nào cũng vậy, em và bạn bè trong lớp đều đến đây tham gia lễ khao lề thế lính”. Còn anh Phạm Văn Quân (32 tuổi), nhà ở xã An Hải, hiện đang làm việc tại TP. HCM, bày tỏ: “Về những hùng binh Hoàng Sa một thời, đọc trong sách, nghe lời kể cũng đã xúc động, nhưng không mãnh liệt bằng dự những buổi lễ như thế này. Dù vậy, tộc họ không bắt buộc nhưng bọn mình dù ở xa quê, công việc làm ăn bận rộn, mỗi năm vẫn thu xếp về dự”.

Trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa lần này, có một người gây nhiều ngạc nhiên cho dân đảo cũng như quan khách dự lễ là “ông Tây” có tên Việt Nam là: Hồ Cương Quyết. Ông Quyết mang hai quốc tịch Pháp và Việt Nam, là Chủ tịch Hiệp hội A.D.E.P Pháp - Việt.

Bằng giọng Việt khá sõi, ông Quyết tâm sự: “Buổi lễ làm tôi xúc động thật sự. Tôi nghĩ thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay không được quên giai đoạn lịch sử đặc biệt đó, không được quên công lao những con người bình thường đã xả thân để bảo vệ hòn đảo ngoài biển xa vì đó là phần đất thiêng liêng của Tổ quốc”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem