TP.HCM: Chạy nước rút để về đích kế hoạch nhưng các doanh nghiệp lại bị “vọp bẻ” vì điều này
Chạy nước rút để về đích kế hoạch nhưng các doanh nghiệp lại bị “vọp bẻ” vì điều này
Quốc Hải
Thứ ba, ngày 05/10/2021 16:18 PM (GMT+7)
3 tháng cuối năm là giai đoạn nước rút để các doanh nghiệp (DN) có thể hoàn thành kế hoạch năm, nên việc nhanh chóng tái sản xuất kinh doanh là nhu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, trước tình trạng người dân ngoại tỉnh liên tục bỏ về quê, việc thiếu hụt nhân công sản xuất đang là vấn đề đặc biệt căng thẳng.
Theo chia sẻ của lãnh đạo nhiều DN, nếu TP.HCM và các tỉnh không sớm có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ trong việc tạo điều kiện cho người lao động có nhu cầu trở về TP làm việc, đơn giản bớt các thủ tục rắc rối, phiền hà thì những tháng tới đây DN sẽ không biết phải xoay xở ra sao để khôi phục sản xuất.
TP.HCM đang cần 57.000 lao động
Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho hay, để giữ chân khoảng 60% nguồn lực lao động còn lại, hiện nay, ngoài mức thưởng 3 triệu đồng cho người còn ở lại làm việc, công ty cũng cam kết giữ nguyên mức lương cùng các chính sách chăm lo đời sống khác.
Ngoài ra, DN cũng thưởng "nóng" cho những công nhân giới thiệu được bạn bè, người thân trong độ tuổi lao động và đã tiêm đủ 2 mũi vaccine vào làm việc.
"Chúng tôi đã dốc sức thuyết phục người lao động lâu năm, vận động người có ý định xin nghỉ việc tiếp tục ở lại làm việc suốt thời gian vừa qua, chứ không phải đợi đến bây giờ mới bắt tay vào làm", ông Thiện nói.
Khan hiếm lao động cũng là lo lắng nhất của Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam. Ông Củ Phát Nghiệp - Chủ tịch Công đoàn DN này chia sẻ, khan hiếm lao động là vấn đề mà Pou Yuen Việt Nam đã gặp khó khăn từ năm 2020 nên rất quan tâm đến việc giữ chân người lao động.
"Từ tháng 6/2021, công nhân không đi làm được, công ty vẫn cố gắng trả lương cho họ. Đến tháng 9, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn nhưng vẫn cố gắng trả 50% lương tối thiểu và đóng BHXH cho người lao động. Đây là những giải pháp mà chúng tôi cố gắng đưa ra để giữ chân người lao động", ông Nghiệp chia sẻ.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 3 cho hay, đơn vị đã lập quỹ chăm lo cho người lao động trong suốt thời gian đại dịch diễn ra bên cạnh sự chăm lo của Nhà nước.
Có thể thấy, chăm lo cho người lao động là chính sách hay mà các DN đã và đang hết sức quan tâm để "níu chân" người lao động trước làn sóng chuyển dịch đang diễn ra mạnh mẽ. Đó có thể là các giải pháp như tăng phúc lợi cho người lao động; giữ chân lao động bằng cam kết việc làm…
Tuy nhiên, trên thực tế, do nguồn lực có hạn nên số DN có thể mạnh tay hỗ trợ người lao động không nhiều, dẫn đến tình trạng người lao động "bỏ chạy" khỏi TP ngay khi nơi này mở cửa, việc thiếu hụt lao động càng thêm nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TP.HCM cho biết, trong quý 4/2021, các DN trên địa bàn TP.HCM có nhu cầu tuyển dụng khoảng 43.600 - 56.800 người.
"Hiện nay, để kết nối với người lao động đã về quê, các DN đã nhắn tin đến điện thoại mời họ trở lại TP.HCM tiếp tục làm việc. Ngoài ra, để lao động an tâm ở lại làm việc, TP.HCM đang khẩn trương triển khai hỗ trợ đợt 3. Tính đến 14 giờ ngày 4/10 đã có hơn 1,1 triệu người dân có hoàn cảnh khó khăn nhận hỗ trợ, chiếm 20% trong tổng số gần 5,5 triệu người được lập danh sách chi hỗ trợ", ông Lâm nói thêm.
Nhiều đề xuất "nóng" giải bài toán thiếu nhân lực
Để chuẩn bị cho giai đoạn mới, nhiều DN cho biết đã chủ động tăng cường y tế tại chỗ, xây dựng tổ an toàn Covid-19, thiết lập đường dây liên lạc với y tế địa phương...
Đặc biệt, để giữ chân công nhân, nhiều DN đã chủ động tăng lương thưởng, phúc lợi cho người lao động; cải tạo môi trường làm việc; đóng BHXH đầy đủ…
Ngoài ra, các DN cũng mong muốn cơ quan chức năng sớm tiêm đủ 2 mũi vaccine cho người lao động, hỗ trợ tìm kiếm công nhân, hỗ trợ xây dựng các khu lưu trú, khu nhà ở cho công nhân, lập các bệnh viện mini (xét nghiệm nhanh, có tủ thuốc)… để nhà máy, nhà xưởng bắt nhịp tăng tốc sản xuất.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 3 cho hay, đơn vị đã lập quỹ chăm lo cho người lao động trong suốt thời gian đại dịch diễn ra bên cạnh sự chăm lo của Nhà nước.
"Chúng tôi cố gắng tìm đủ nguồn vaccine để tiêm cho người lao động. Hiện, May Sài Gòn 3 có 2.500 công nhân và đã tiêm mũi 1 vaccine đạt 100%, có 70% đã tiêm mũi 2. Đây là cơ sở quan trọng để công ty bước vào giai đoạn sản xuất an toàn", ông Hồng nói.
Theo ông, các DN cũng cần xây dựng quỹ chăm lo cho người lao động để giữ chân họ vì đây là cách làm hiệu quả mà May Sài Gòn 3 đã làm.
Ở một góc độ khác, TS Trương Minh Huy Vũ (thành viên Tổ tư vấn về chính sách phòng chống dịch và phục hồi kinh tế tại TP.HCM), cho rằng ngay lúc này người lao động đang rất cần 2 thông điệp mạnh mẽ từ chính quyền.
Thứ nhất, chính quyền cần nêu rõ thông điệp, giãn cách xã hội nếu có quay trở lại khu vực sản xuất cũng sẽ không đóng lại mà chỉ giới hạn những hoạt động về dân sinh.
Thứ 2, trước đây và hiện nay chính quyền TP.HCM đưa ra thông điệp kêu gọi người dân ở lại, chính quyền sẽ tiêm vaccine và lo an sinh. Bây giờ, thông điệp trong bối cảnh mới nên thay đổi là kêu gọi người dân từ các tỉnh về TP sẽ được tiêm vaccine và đảm bảo việc làm trong dài hạn.
Nhiều chương trình "kết nối" việc làm cho người lao động
Để giúp người lao động nhanh chóng ổn định cuộc sống trong giai đoạn TP.HCM mở cửa trở lại, hiện nay Thành Đoàn TP.HCM đang đẩy mạnh hoạt động "Tiếp sức người lao động" với chương trình "Combo 3 trong 1: Nhà trọ 0 đồng - Test nhanh miễn phí - có việc làm ngay". Chương trình thực hiện từ ngày 1/10 đến ngày 30/11 với sự tham dự của 63 tỉnh, thành Đoàn trong cả nước.
Trong khi đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM cho biết, hiện có 150 DN tham gia tuyển 10.000 chỉ tiêu. Điểm nổi bật là người lao động được giới thiệu việc làm miễn phí, được test nhanh khi đi phỏng vấn kiếm việc hoặc ngày đầu tiên đến DN nhận việc, được giới thiệu các khu nhà trọ giá rẻ hoặc 0 đồng…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.