Tạm ứng tiền cho công nhân - giải pháp mà DN có thể suy nghĩ đến giữ chân lao động
Cơm ăn, áo mặc, nơi ở và những giải pháp để giữ chân người lao động
Quốc Hải
Thứ năm, ngày 07/10/2021 17:10 PM (GMT+7)
Giúp người lao động có thể duy trì mức sống tối thiểu như ăn uống, trả tiền phòng trọ, đổ xăng xe... trong thời gian bắt đầu đi làm trở lại, khi chưa có lương mà tiền đã sạch túi. Đó là giải pháp vô cùng quan trọng mà doanh nghiệp (DN) có thể nghĩ tới, để giúp người lao động yên tâm ở lại làm việc.
Ông Phạm Đức Hải - Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM cho biết, trước thời điểm 1/10, các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) tại TP.HCM có khoảng 288.000 lao động. Trong đó, hơn 70.000 lao động làm việc "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường - 2 điểm đến".
Tuy nhiên, từ 1/10 đến nay, trong 70.000 lao động trên giảm xuống còn 45.000 người. Số lao động đăng ký mới khoảng 33.000 lao động. Các lao động "3 tại chỗ" chuyển thành bình thường và bổ sung thêm là khoảng 57.000 người.
"Như vậy, hiện tổng cộng lao động tại các KCX-KCN chỉ còn khoảng 135.000, chỉ bằng 46% so với trước đây. Hiện, các DN thuộc KCX-KCN đang rà soát để tiếp tục tuyển dụng bổ sung nguồn lao động cho đơn vị mình", ông Hải nói.
Đối với Khu Công nghệ cao, theo ông Hải, trước 1/10 có khoảng 50.000 lao động, trong đó 25.000 lao động làm việc theo chế độ "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường - 2 điểm đến". Tuy nhiên, Khu công nghệ cao hiện có gần 10.000 người đang ở 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai.
Hiện nay, Khu công nghệ cao đang khẩn trương mời gọi, tuyển dụng để có thêm nhiều lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực.
Chính bởi việc thiếu lao động trầm trọng, những ngày qua, nhiều DN trong các KCX-KCN đang gấp rút tìm kiếm lao động.
Bà Trần Thị Hồng Vân, Chủ tịch Công đoàn Công ty Nissei Eletric Việt Nam (Khu Chế Xuất Linh Trung 1, quận Thủ Đức, TP.HCM), cho biết đơn vị đã thông báo đến các công nhân ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương nếu đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và có thể đi làm được thì quay lại làm.
Riêng những người chưa tiêm đủ 2 mũi sẽ được công ty lập danh sách gửi Ban Quản lý các KCX-KCN TP.HCM bố trí tiêm phòng trong vài ngày tới.
"Với công nhân ở TP.HCM, công ty đã thông báo cho họ tự xét nghiệm. Nếu âm tính thì bắt đầu đi làm trở lại từ ngày 4/10, công ty chi trả chi phí xét nghiệm cho người lao động. Đây là những giải pháp trước mắt mà chúng tôi làm để thu hút lao động quay lai làm việc", bà Vân nói.
Ông Phạm Văn Việt - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM cho biết, nhiều DN trong hiệp hội đã liên hệ các địa phương để đón người lao động quay lại TP.
"Với những đơn vị không đủ điều kiện để đón riêng thì hội hỗ trợ tổ chức xe, lo chi phí ăn uống trên đường cho nhiều công ty cùng lúc", ông Việt nói.
Song song, Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM và các công ty cũng lập danh sách lao động gửi đến Sở Công thương và UBND TP.HCM đề nghị được hỗ trợ tiêm vaccine, đáp ứng yêu cầu làm việc trở lại.
Tìm mọi cách "hút" người lao động trở lại
Ông Trần Việt Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, Tổng giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu Thái Sơn chia sẻ, thực tế có đến 70-80% lao động tự do tại TP.HCM từ các tỉnh, thành khác đến. Họ không được mua BHXH, việc tiếp cận công nghệ cũng chậm, việc tiêm vaccine cũng đi sau các nhóm lao động khác.
"Hiện nay, chưa có số liệu về số người lao động tự do đang làm việc tại TP. Vì thế, giải pháp cấp bách lúc này là cần xây dựng dữ liệu về các nhóm lao động đang làm việc tại TP.HCM. Mặc khác, để đảm bảo nguồn lực lao động ổn định, trong tương lai, thành phố cần quan tâm xây dựng các khu lưu trú, khu nhà ở cho công nhân, xây dựng các trung tâm y tế phục vụ người lao động tự do không thuộc tổ chức nào", ông Việt Anh nói.
Ngoài ra, cộng đồng DN phải truyền thông thường xuyên với người lao động, mời họ trở lại bằng các thông tin cụ thể cũng như chuẩn bị sẵn các biện pháp an toàn phòng chống dịch (xét nghiệm, tủ thuốc F0…) để họ an tâm trở lại làm việc.
"Theo tôi, mỗi khu công nghiệp cần có một bệnh viện dã chiến mini để công nhân trong môi trường nhiễm bệnh có thể được điều trị. Việc được điều trị khiến họ an tâm hơn rất nhiều", ông Việt Anh nói.
Giám đốc một DN tại Gò Vấp (TP.HCM) thì đề xuất nhiều giải pháp để giữ chân lao động sau dịch.
Theo vị này, việc giữ chân người lao động ở lại tiếp tục làm việc và thu hút tuyển mới nguồn nhân lực là một bài toán không đơn giản nếu chỉ có mình DN nỗ lực mà không được chính quyền cùng có các chính sách hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi.
Cụ thể, các giải pháp ngắn hạn mang tính cấp thiết của DN để giữ chân lao động cũ đang làm việc chịu ở lại là: DN nên quan tâm ngay đến nhu cầu thiết yếu cho người lao động yên tâm ở lại không phải lo lắng "cơm ăn, áo mặc, nơi ở" khi số tiền lương tích lũy tiết kiệm đã tiêu dùng hết trong thời gian qua nghỉ dịch bệnh.
Tạm ứng tiền lương cho các lao động để họ có thể duy trì cuộc sống như ăn uống, trả tiền phòng trọ, đổ xăng... trong thời gian bắt đầu đi làm trở lại từ ngày 1/10 chưa có lương mà tiền trong túi đã hết.
Đây là điều vô cùng quan trọng, vì có thực mới vực được đạo, người lao động phải được doanh nghiệp quan tâm đến đời sống thì họ mới yên tâm ở lại làm việc.
Nếu có thể được thì DN đứng ra ký hợp đồng thuê phòng trọ với các chủ nhà, DN cam kết sẽ thanh toán tiền phòng trọ trong tháng 10, 11, 12 vào cuối tháng 12/2021 thay cho người lao động trong khi mới đi làm lại chưa có lương và DN cũng có doanh thu rồi.
"Ngoài ra, DN phải đăng ký cho tất cả người lao động được tham gia BHYT để trong thời gian tới người lao động có thể đi khám chữa bệnh giữ gìn sức khỏe sau thời gian dài nghỉ dịch, mà trong túi đã cạn kiệt tài chính", vị này đề xuất.
Giải pháp nào để "hút" lao động trở lại TP.HCM?
Muốn thu hút và tuyển mới nguồn nhân lực thì DN và Nhà nước cần có những chính sách khẩn cấp hỗ trợ để giữ chân người lao động ở lại làm việc.
-Khẩn trương hoàn thành tiêm vaccine mũi 2 cho tất cả người dân nói chung và người lao động ở các khu nhà trọ, khu công nghiệp… để tất cả người lao động yên tâm không bị nhiễm bệnh Covid-19.
-Các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, phát tiền, gạo và quà phải thật sự được kiểm soát công khai, minh bạch được đến tận tay người lao động thụ hưởng.
-Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục giấy tờ để người lao động được dễ dàng đi nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp, sẽ tạo động lực cho người lao động có nguồn thu nhập để duy trì cuộc sống ở lại, không ồ ạt chạy về quê vì kiệt quệ tài chính.
-Nghiên cứu tinh giản và tích hợp các thủ tục kiểm tra giấy tờ, tiêm vaccine, thẻ xanh đi đường để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động di chuyển đi làm đỡ mất thời gian và tránh lây nhiễm bệnh Covid-19.
-Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại giảm thêm lãi suất cho vay, tinh giản hồ sơ vay, rút ngắn thời gian giải quyết cho các doanh nghiệp vay vốn để sản xuất kinh doanh và có tiền ứng lương trước cho người lao động sinh sống.
-Các cơ quan thuế hoãn thanh tra quyết toán thuế các DN từ nay cho đến hết tháng 6/2022 để giúp DN ổn định trở lại. Vì tâm trạng của các DN rất lo lắng mỗi khi "bị" cơ quan thuế gửi thông báo thanh tra, kiểm tra quyết toán thuế thì kiểu gì DN cũng phải tốn tiền đóng thuế, nếu chưa có tiền đóng thuế kịp thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan thuế thì doanh nghiệp phải nộp đủ tiền thuế và còn bị đóng thêm tiền chậm nộp theo mức 0,03%/ngày (Khoản 2 điều 59 Luật Quản lý thuế 2019).
Th.S Lê Bá Thường - Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Dân Luật Tín Thành (Đoàn Luật sư TP.HCM).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.