Khánh Nguyên
Thứ tư, ngày 17/06/2020 10:36 AM (GMT+7)
Vơi 92,34% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều đã chính thức được thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Trong luật sửa đổi đã bổ sung một số loại hình thiên tai mới như cháy rừng.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều có bố cục gồm 03 Điều. Cụ thể, Điều 1 quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai; Điều 2 quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đê điều; Điều 3 quy định về hiệu lực thi hành.
Theo đó, về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai, Luật quy định nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai bao gồm: Tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn là lực lượng tại chỗ thực hiện hoạt động phòng, chống thiên tai.
Dân quân tự vệ là lực lượng tại chỗ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo phương án ứng phó thiên tai của địa phương và sự điều động của người có thẩm quyền.
Quân đội nhân dân, Công an nhân dân có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và là lực lượng nòng cốt trong công tác sơ tán người, phương tiện, tài sản, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội theo sự điều động của người có thẩm quyền.
Tổ chức, cá nhân tình nguyện tham gia hỗ trợ hoạt động phòng, chống thiên tai thực hiện nhiệm vụ theo sự chỉ huy của người có thẩm quyền; Người làm công tác phòng, chống thiên tai tại cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.
Lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã được thành lập ở cấp xã, hoạt động kiêm nhiệm, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định trên cơ sở nguồn nhân lực quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này, bao gồm dân quân ở thôn, ấp, bản, làng, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu; dân quân ở cấp xã và tổ chức khác tại địa phương thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo phương án ứng phó thiên tai của địa phương.
Luật cũng bổ sung quy định ưu tiên bố trí nguồn lực nghiên cứu, điều tra cơ bản, xây dựng và triển khai các chương trình khoa học và công nghệ trong phòng, chống thiên tai; tăng cường các giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai; ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng, chống thiên tai; huấn luyện, cung cấp phương tiện, trang thiết bị cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã.
Về ngân sách Nhà nước cho phòng, chống thiên tai, Luật quy định rõ: Ngân sách nhà nước bảo đảm cho phòng, chống thiên tai bao gồm ngân sách hằng năm, dự phòng ngân sách nhà nước, quỹ dự trữ tài chính.
Ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai được sử dụng cho xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch, điều tra cơ bản phòng, chống thiên tai; đầu tư, xây dựng, tu bổ, nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai; hoạt động phòng, chống thiên tai; hoạt động thường xuyên của cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai các cấp.
Việc lập dự toán, phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đê điều, Luật quy định việc xây dựng cầu qua sông có đê phải bảo đảm thoát lũ, thông thoáng dòng chảy, an toàn đê điều theo quy định của Luật này và bảo đảm giao thông đường thủy theo quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa.
Vật liệu phế thải và lán trại trong quá trình thi công không được ảnh hưởng đến dòng chảy và phải được thanh thải sau khi công trình hoàn thành. Thủ tướng Chính phủ quy định nội dung bảo đảm thoát lũ, thông thoáng dòng chảy, an toàn đê điều đối với việc xây dựng cầu qua sông có đê.
Bên cạnh đó, Luật quy định Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện phương án bảo đảm an toàn các công trình thủy điện, chỉ đạo thực hiện vận hành hồ chứa thủy điện theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vận hành hồ chứa thủy điện.
Trước đó, báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã làm rõ thêm một số ý kiến góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật.
Cụ thể, về bổ sung một số loại hình thiên tai, trong đó có cháy rừng, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc phòng, chống cháy rừng đã được quy định trong pháp luật lâm nghiệp, pháp luật phòng cháy chữa cháy.
Tuy nhiên, do tác động bất lợi của thời tiết như nắng nóng, hạn hán kéo dài... thì nguy cơ cháy rừng lớn, ở mức độ cao (cấp IV- nguy hiểm, cấp V - đặc biệt nguy hiểm, xảy ra trên diện rộng và đồng thời ở nhiều tỉnh/thành phố.
Các vụ cháy rừng lớn năm 2018, đầu năm 2019 ở các tỉnh Điện Biên, Sơn La và Hà Tĩnh… đều có nguyên nhân từ nắng nóng, khô hạn kéo dài, diện tích cháy lớn, hàng trăm hecta, trong đó, có nhiều diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ; việc khống chế đã vượt quá khả năng của lực lượng chức năng kiểm lâm, cảnh sát phòng cháy chữa cháy trên địa bàn.
"Do vậy, cháy rừng ở mức độ nghiêm trọng do nắng nóng, khô hạn kéo dài và các sự cố khác cần được xác định là một dạng thiên tai đặc thù. Việc quy định như vậy không chồng chéo, đồng thời khắc phục được hạn chế của quy định hiện hành khi nguy cơ cháy rừng trên diện rộng, ở mức độ nghiêm trọng do nắng nóng, hạn hán dài ngày, vượt quá khả năng khống chế của lực lượng chuyên ngành" - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2021.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, việc thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật phòng chống thiên tai và Luật đê điều sẽ bổ sung thêm những loại hình thiên tai đặc thù, thích ứng với tình hình mới để từ đó huy động các nguồn lực tham gia ứng phó.
Việc quy định về thành lập lực lượng xung kích phòng chống thiên tai, xây dựng Quỹ phòng chống thiên tai góp phần đáp ứng được những đòi hỏi yêu cầu của công tác ứng phó, phòng chống thiên tai khi những diễn biến của thiên tai, thời tiết ngày càng khó lường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.