Chê xăng E5, có nên “hồi sinh” xăng A92 ?

Phương Vy Thứ tư, ngày 14/03/2018 07:00 AM (GMT+7)
Cho rằng, lượng tiêu thụ xăng E5 của các doanh nghiệp (DN) tăng so với năm 2017 nhưng tỉ trọng chiếm thấp. Sản lượng tiêu thụ xăng E5 của các cửa hàng kinh doanh chậm, tồn kho nhiều ngày, tỉ lệ hao hụt cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận của DN nên đã có doanh nghiệp kiến nghị cho hồi sinh xăng A92.
Bình luận 0

img

  Chê xăng E5, có nên “hồi sinh” xăng A92 ? (Ảnh: IT)       

Doanh nghiệp có ý kiến trái chiều

Công ty TNHH MTV Dầu khí Sài Gòn (Saigon Petro) mới đây đã có công văn kiến nghị lên liên Bộ Tài chính – Công Thương về việc nên cho sử dụng lại xăng A92 do sản lượng xăng sinh học E5 được tiêu thụ quá thấp, dẫn đến gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng .

Lý giải về đề xuất trên, Saigon Petro cho biết đến nay cả người tiêu dùng lẫn nhà bán lẻ đều không mặn mà với xăng sinh học E5. Lượng tiêu thụ xăng E5 của các DN  tăng so với năm 2017 nhưng tỉ trọng chiếm thấp. Sản lượng tiêu thụ xăng E5 của các cửa hàng kinh doanh chậm, tồn kho nhiều ngày, tỉ lệ hao hụt cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận của DN.

Đại diện Saigon Petro cũng dẫn số liệu tham khảo những đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn cho thấy tỉ trọng bán xăng E5 chỉ khoảng 30% trong tổng số xăng tiêu thụ, còn lại là xăng A95 chiếm khoảng 70%. Trong khi trước đó, xăng A92 chiếm hơn 65%. Thậm chí có đơn vị chỉ kinh doanh xăng A95 nên tỉ lệ xăng E5 nói chung trên toàn thị trường còn thấp hơn.

Theo Saigon Petro, đây là con số rất đáng báo động, cần xem xét một cách nghiêm túc trên bình diện cả nước. Công ty này cũng dẫn số liệu về sản lượng xăng A92 và nêu rõ: Với mức chênh lệch giá giữa xăng E5 và xăng A95 là 1.600 đồng/lít, chỉ riêng trong hai tháng đầu năm 2018, mức lãng phí xã hội do các phương tiện sử dụng xăng A95 không cần thiết lên tới 400 tỉ đồng mỗi tháng.

Trong khi đó,  ông Cao Hoài Dương - Tổng giám đốc Công ty Dầu Việt Nam  (Pvoil) lại có quan điểm ngược lại. Theo ông Dương, tình hình tiêu thụ xăng sinh học E5 của PV Oil là khá suôn sẻ. Thực tế là, xăng sinh học E5 được tiêu thụ ra thị trường chiếm tới 65%, và xăng RON 95 chỉ 35%. Do đó, ông Cao Hoài Dương tỏ vẻ không đồng tình với ý kiến của một số DN khi cho rằng, xăng sinh học E5 không tiêu thụ được và nếu có chỉ chiếm một tỷ lệ rất thấp.

Theo ông Dương,  để khuyến khích hơn người dân sử dụng xăng sinh học E5, cần có các chính sách về giá sao cho chênh lệch giá ở mức hợp lý, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng loại xăng có giá cạnh tranh hơn. “Quan trọng là Nhà nước muốn tăng cường tiêu thụ xăng E5 thì phải tạo ra độ chênh lệch giá đủ sức hấp dẫn hơn so với các loại xăng  khác” – ông Dương nhấn mạnh.

Khó tránh độc quyền về giá

Liên quan tới các kiến nghị của doanh nghiệp, đại diện Bộ Công Thương cho biết, chủ trương sử dụng đại trà xăng sinh học E5 là của Chính phủ, và đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu hướng quốc tế cũng như các cam kết khi chúng ta hội nhập quốc tế về bảo vệ môi trường.

Trên thực tế, việc sử dụng xăng E5 mới được thực hiện đại trà trong hai tháng qua, và lượng tiêu thụ đã đã mức 30%, đây hoàn toàn là con số khả thi, cho thấy, người dân vẫn có nhu cầu sử dụng loại xăng này.

Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, kiến nghị nói trên chỉ là của một trong số 29 DN kinh doanh xăng dầu trên cả nước, không phải là tiếng nói chung của tất cả các DN và đến thời điểm này, Bộ cũng chưa nhận được ý kiến chính thức từ Saigon Petro.

Nói về việc có nên hồi phục lại xăng RON 92 hay không, ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Thư ký  Hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội, chủ hãng Taxi Nguyên Minh cho rằng, trước khi khai tử xăng RON92 và triển khai đại trà xăng E5, nhà quản lý cần đánh giá đầy đủ chất lượng của loại xăng sinh học E5 về những tác động của nó đối với động cơ xe sao cho tương đồng với các loại xăng truyền thống kia. Bởi vì, nếu chưa đảm bảo được chất lượng, thì đương nhiên người tiêu dùng sẽ lựa chọn loại xăng nào tốt hơn để bảo vệ được phương tiện của mình.

Nhiều ý kiến cho rằng, giá xăng sinh học E5 hiện nay chưa thực sự hấp dẫn, trong khi đó, sử dụng loại xăng này lại có những ảnh hưởng nhất định đến động cơ của xe. Cụ thể là xe đi không bốc máy, bị giật và không êm máy như khi sử dụng xăng RON 92.

Theo ông Minh, trước kia, với xăng RON92 ngang giá với xăng E5 mà chất lượng lại tốt, không ảnh hưởng đến động cơ xe, thì đương nhiên người dân sẽ lựa chọn xăng RON 92. Bây giờ xóa sổ xăng RON 92 rồi, nhưng sử dụng xăng sinh học E5 người ta lại thấy có ảnh hưởng nhiều đến động cơ xe thì đương nhiên họ sẽ chỉ sử dụng xăng RON95. Bởi vậy, nhà quản lý nên có những đánh giá lại về chất lượng xăng sinh học E5 cũng như có chính sách chênh lệch giá tốt, khi xăng E5 giá thấp hơn mà vẫn đảm bảo độ bền cho xe thì chẳng có lý do gì người dân lại quay lưng với loại xăng E5.

Bình luận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, rất cần có các giải pháp để kéo giảm giá xăng sinh học E5 xuống thấp hơn để tạo được sức cạnh tranh. “Hiện tại chỉ có một nhà máy duy nhất sản xuất ethanol là nguyên liệu cho xăng sinh học E5, như vậy thì làm sao có thể tránh được tình trạng độc quyền về giá. Bởi vậy, cần phải xem xét lại yếu tố đầu vào để làm sao giảm được giá thành nguyên liệu sản xuất xăng E5 để xăng E5 thực sự cạnh  được với thế giới, đó là yếu tố chính để thúc đẩy việc giảm giá loại xăng này. Khi giải quyết được vấn đề này, tất yếu giá thành xăng E5 sẽ giảm” – ông Long khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem