Chênh lệch giờ làm việc khối công - tư: CN muốn giảm giờ làm chính

Nguyệt Tạ Thứ ba, ngày 05/11/2019 06:00 AM (GMT+7)
Theo các quy định hiện hành, công chức Việt Nam chỉ làm việc 40 giờ/tuần, còn công nhân (CN), lao động đang phải làm việc từ 44-48 giờ/tuần. Nhiều người lo ngại điều này sẽ tạo nên sự bất bình đẳng trong quan hệ lao động.
Bình luận 0

Công nhân muốn giảm giờ làm

Chị Võ Thị Năm (35 tuổi, quê Cà Mau) là công nhân làm việc trong nhà máy chế biến thủy, hải sản xuất khẩu. Công việc của chị không chỉ vất vả, mà còn phải làm việc nhiều giờ đồng hồ. Chị Năm tâm sự: “Một tuần chưa kể tăng ca, tăng kíp, những lao động như chúng tôi đã phải làm việc từ thứ 2 tới hết thứ 7 (đủ 48 giờ/tuần). Nếu tính cả thời gian làm thêm nữa, có ngày, tôi phải làm việc tới 10 tiếng. Những lúc công ty có đơn hàng hoặc vào vụ mùa thu hoạch thủy, hải sản, chúng tôi còn phải chia ca chia kíp làm cho kịp tiến độ. Công việc rất mệt mỏi”.

img

Công nhân làm trong doanh nghiệp dệt may, thủy sản là những người phải làm việc nhiều nhất.   Ảnh: M.N

"Rõ ràng hiện nay, giờ làm việc ở 2 khối công - tư đang có sự chênh lệch khá lớn. Để đảm bảo sự công bằng trong quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn cũng có đề xuất không tăng giờ làm thêm ở khối doanh nghiệp và kêu gọi doanh nghiệp giảm giờ làm cho người lao động”.

Ông Lê Đình Quảng

Chính bởi vậy, chị Năm kiến nghị nên giảm giờ làm cho khối công nhân, lao động và tính lương giờ làm thêm theo lũy kế. Lao động càng làm thêm nhiều, lương càng phải tăng.

Về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng: “Rõ ràng hiện nay, giờ làm việc ở 2 khối công - tư đang có sự chênh lệch khá lớn. Để đảm bảo sự công bằng trong quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn cũng có đề xuất không tăng giờ làm thêm ở khối doanh nghiệp và kêu gọi doanh nghiệp giảm giờ làm cho người lao động”.

Theo ông Quảng, hiện nay, ngành công nghiệp, chế biến hải sản, may mặc, da giày đang là những ngành có tổng số giờ làm việc cao nhất. Hầu hết, ngoài giờ làm việc chính thức, các đơn vị này đều phải tăng giờ làm thêm. Tại nhiều công ty, dù đại diện người lao động có ý kiến không tăng giờ làm thêm, giảm giờ làm chính để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, nhưng phía doanh nghiệp lại cho rằng điều này là không thể thực hiện, gây cản trở hoạt động sản xuất doanh nghiệp và làm giảm khả năng cạnh tranh quốc gia.

Ông Mai Xuân Dương - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Hưng Yên cho rằng, công việc của khu vực doanh nghiệp khác hẳn so với khu vực công. Hoạt động sản xuất phụ thuộc vào phía đối tác, đơn hàng vì vậy, cần có quy định nới lỏng số giờ làm việc, giao cho doanh nghiệp chủ động sử dụng giờ làm việc và giờ làm thêm và chỉ nên quy định khung làm thêm giờ tối đa trên năm chứ không nên quy định số giờ làm trên ngày hay trên tháng.

“Không thể so sánh giờ làm của khu vực công với khu vực tư vì đặc thù 2 công việc ở 2 lĩnh vực hoàn toàn khác nhau. Doanh nghiệp tự sản xuất tự kinh doanh, lương theo sản phẩm, vì thế trong bối cảnh năng suất lao động thấp, sự cạnh tranh giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp trở nên khốc liệt thì giờ làm cũng được xem là vũ khí xây dựng kế hoạch sản xuất, cạnh tranh của doanh nghiệp” - ông Dương nói.

Không có sự bất công

Nói về sự khác biệt trong việc quy định giờ làm việc, ông Nguyễn Văn Bình - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Pháp chế (Bộ LĐTBXH) cho rằng, Bộ luật Lao động hiện hành quy định giờ làm việc tiêu chuẩn không quá 8 giờ/ngày và không quá 48 giờ/tuần, đồng thời khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng chế độ một tuần làm việc 40 giờ dựa trên các tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động thế giới (ILO).

Vấn đề chênh lệch giờ làm là vấn đề thực tiễn, xảy ra ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tại Việt Nam, với tư cách là người sử dụng lao động cao nhất, Chính phủ thường “gương mẫu” để thực hiện các quy định tốt hơn của Bộ luật Lao động, nên chọn việc áp dụng làm việc 40 giờ. Vì vậy, không có sự liên quan đến phân biệt đối xử trong vấn đề sử dụng giờ làm việc giữa khu vực công - tư. 

Theo Luật Công chức, giờ làm việc của công chức được thực hiện theo quy định của Luật Lao động. Với tư cách là người sử dụng lao động ban hành quy định giờ làm việc của người lao động công chức là 40 giờ/tuần, bản chất là Chính phủ thực hiện một quy định của Bộ luật Lao động: Khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng chế độ làm việc 40 giờ/tuần. Điều này cũng có thể coi là Chính phủ đang gương mẫu để những “chủ sử dụng” là doanh nghiệp noi theo.

Ông Bình cho rằng, cần phân biệt rõ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ áp dụng chế độ làm việc 40 giờ/tuần trong khu vực công chức, được ban hành với tư cách là người sử dụng lao động áp dụng cho người lao động của mình, cụ thể là công chức - nhân viên làm việc cho Chính phủ. Không phải Chính phủ ban hành quyết định này với tư cách một cơ quan công quyền để áp dụng chung cho toàn xã hội.

Đồng tình với những vấn đề ở trên, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp còn cho rằng: “Câu chuyện bình đẳng hay không còn do việc bạn làm việc cho người sử dụng lao động nào và họ áp dụng một tuần làm việc bao nhiêu giờ? Luật không quy định cụ thể số giờ làm việc trong tuần của khu vực Nhà nước cũng như khu vực tư nhân”.

Nhìn rộng ra toàn khu vực, trong 10 quốc gia ASEAN, chỉ có 2 quốc gia quy định thời giờ làm việc thấp hơn 48 giờ/tuần là Singapore (một quốc gia phát triển hàng đầu khu vực, quy định 44 giờ/tuần) và Indonesia (quy định 40 giờ/tuần). Còn lại, đa số các quốc gia phát triển hơn so với Việt Nam như: Thái Lan, Brunei, Malaysia… cũng vẫn quy định giờ làm việc là 48 giờ/tuần.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem