Chèo “Quan lớn về làng”: Nụ cười “vắt qua” 3 thế kỷ

Thứ hai, ngày 26/12/2011 15:59 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Không phải ngẫu nhiên mà “Quan lớn về làng” nhận tới 4 Huy chương Vàng, và được ghi nhận đó là những “mảnh vàng mười” đích thực trong “cơn mưa vàng” vẫn thường trút xuống các liên hoan, hội diễn nghệ thuật ở VN.
Bình luận 0

Văn hào Nga N.Gogol viết vở kịch “Quan thanh tra” năm 1835, tới năm 1952, tác phẩm này được điện ảnh Nga Xô viết dựng thành phim. Cuối năm 2011, tại Việt Nam, vở chèo chuyển thể từ vở kịch này trở thành hiện tượng ở Liên hoan Sân khấu chèo hiện đại. Ngày 28.12, vở diễn sẽ lần đầu ra mắt công chúng.

176 năm vẫn... mới mẻ

Vở kịch “Quan thanh tra” được Nikolai Vassilievich Gogol (1809 - 1852) được viết vào năm 1835 và tác giả mất khoảng 6 tháng để hoàn thành. Với giọng văn mỉa mai, châm biếm, cũng giống như trong phần lớn các tác phẩm của ông, “Quan thanh tra” đả kích tầng lớp quan lại dưới triều đại Sa Hoàng và đã tạo ra khá nhiều cuộc tranh luận. Vì vở kịch, Gogol đã phải trốn sang Roma (Italia) một thời gian để tránh bị kẻ xấu trả thù.

img
Cảnh trong vở diễn “Quan lớn về làng” của Nhà hát Chèo Hà Nội.

Ngay từ khi ra đời, vở diễn với nội dung đó đã tạo được tiếng vang. Cốt kịch dựa theo một câu chuyện do đại thi hào A.S.Pushkin gợi ý cho Gogol: Một anh công chức nhỏ được bọn quan lại trong một thị trấn tưởng nhầm là quan thanh tra từ Xanh Pêtecbua tới kiểm tra. Vốn là những kẻ tham nhũng, bọn chúng lo sợ, tìm cách mua chuộc, hối lộ cho “quan lớn” và nhân dịp đó, chúng tố cáo lẫn nhau, nói xấu nhau để tâng công... Đến khi chưng hửng nhận ra mình đã lầm thì chiếc mặt nạ đẹp đẽ mà các quan đeo bấy lâu đã bị chúng tự tay lột bỏ.

117 năm sau đó, đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày mất của văn hào Gogol, bộ phim trào phúng của Hãng Mosfilm do Vladimir Petrov đạo diễn chuyển thể từ vở kịch “Quan thanh tra” lần đầu ra mắt vào năm 1952 và được công chúng đón nhận nhiệt liệt. Và đến năm 2011 này, TS Phạm Quang Long- Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội đã quyết định cùng với NSƯT Xuân Hanh chuyển thể vở kịch “Quan thanh tra” sang chèo với tên gọi “Quan lớn về làng”.

Vở diễn được NSND Doãn Hoàng Giang dàn dựng trên sân khấu Nhà hát Chèo Hà Nội để mang đi dự thi tại Liên hoan Sân khấu chèo toàn quốc được tổ chức ở Thái Bình (từ ngày 26.11 đến 4.12) và đã làm nên một hiện tượng khi cả khán phòng của Nhà văn hóa tỉnh Thái Bình tối 30.11 không còn một chỗ trống, bảo vệ phải đóng cửa vào vì sợ nguy cơ... vỡ rạp.

NSƯT Xuân Hinh đến giờ vẫn còn nhớ: “Tôi không tham gia vở diễn nên hôm đó mới từ Hà Nội xuống Thái Bình cổ vũ anh em đồng nghiệp, mất hàng tiếng chen lấn xô đẩy, tôi mới vào được bên trong và tình trạng là kính mắt thì vỡ, quần thì bị kéo rách. Thế nhưng tôi mừng tới chảy nước mắt vì thấy khán giả không hề quay lưng với chèo, vấn đề là chúng ta phải có những kịch bản nói trúng vấn đề họ quan tâm”.

Cười mà thấy đau

Không phải ngẫu nhiên mà “Quan lớn về làng” của Nhà hát Chèo Hà Nội nhận tới 4 Huy chương Vàng, và được ghi nhận đó là những “mảnh vàng mười” đích thực trong “cơn mưa vàng” người ta vẫn thường thấy trút xuống các liên hoan, hội diễn nghệ thuật ở VN. Một Huy chương Vàng cho vở diễn và 3 Huy chương Vàng cá nhân cho các nghệ sĩ: NSƯT Quốc Anh, Thu Huyền và Thu Hằng.

NSƯT Quốc Anh cho hay: “Vai diễn thằng trộm cắp giả danh quan lớn của tôi ban đầu là dành cho anh Xuân Hinh, nhưng anh ấy bận việc gì đó không tham gia, thế là tôi được... hưởng lợi dù cũng muốn nhường vai này cho các bạn nghệ sĩ trẻ của đoàn”.

NSƯT Thúy Mùi - Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội cho biết: “Chúng tôi đã đầu tư công sức, tiền bạc và rất tâm huyết với vở diễn này. Hy vọng vào ngày 28.12 tới đây, khán giả Hà Nội sẽ nhiệt tình ủng hộ vở diễn tại Cung Văn hóa Hữu nghị”.

Nghệ sĩ Quốc Anh tâm sự rằng nếu chỉ diễn vở "Quan lớn về làng" cho khán giả xem thì có thể lấp liếm được vài nhược điểm, nhưng đây là diễn cho bạn nghề, cho những bậc thầy trong làng chèo xem nên anh phải cố gắng hết sức, kể cả việc cố gắng lên cân để phù hợp với vai diễn.

Với số điểm cao nhất Liên hoan, nghệ sĩ Quốc Anh tâm sự: “Tôi thấy sự thành công của vở diễn này ở chỗ mọi người xem cười vui vẻ lắm, nhưng thực chất bên trong thấy rất đau. Đau vì sự thối nát của những ông quan trong vở diễn, đó là những kẻ thối nát, đục khoét, tham nhũng, bóp chẹt người dân...”.

Xem “Quan lớn về làng” để cảm nhận nụ cười chua chát, cay đắng trong vở kịch của Gogol ra đời vào thế kỷ XIX, cho đến thế kỷ XXI này, những vấn đề mà tác giả nêu vẫn còn nguyên tính thời sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem