Chèo sân đình sẽ chết? (kỳ cuối): Chèo trong dân vẫn còn...
Chèo sân đình sẽ chết? (kỳ cuối): Chèo trong dân vẫn còn...
Nguyễn Ngọc Tiến
Thứ sáu, ngày 26/05/2023 07:28 AM (GMT+7)
Giới sử học gọi nhà Lê là chế độ quân chủ Nho giáo. Tư tưởng Nho là bản lề của xã hội, nước trên có vua dưới là dân, những quy định khắc nghiệt về đạo đức đã tạo ra tôn ti trật tự. Thế nhưng tôn chỉ của chèo lại đi ngược nên bị nhà Lê ghét bỏ...
Theo "Việt sử thông giám cương mục", trong 24 Huấn điều, Vua Lê Thánh Tông coi chèo ngang với "kẻ ác nghịch, trộm cướp, xui Nguyên dục Bị, cường hào ngỗ ngược". Huấn điều cấm con trai "đang để tang cha mẹ, vợ cả, vợ lẽ có thai, cấm kẻ buông tuồng không được đi xem chèo, nếu vi phạm bị luận vào tội lưu". Trong "Lê triều hình luật" còn có mục "cấm con trai nhà xướng ca không được dự thi, lấy con nhà quyền quý".
Nếu các trí thức Nho giáo không đồng quan điểm với triều đại phong kiến mà họ đang phụng sự, họ có thể treo mũ từ quan về quê dạy học hay ở ẩn. Nhưng các nghệ nhân chèo thì không, họ bày tỏ thái độ trong các đêm hát. Để tránh mang họa, họ vòng vo, bóng gió, phiếm chỉ, ám chỉ, vì thế nhà Lê đã đuổi chèo ra khỏi cung đình. Tuy đuổi ra khỏi cung nhưng vẫn cho hát bởi dân thích, nếu cấm xã tắc sẽ loạn. Và chèo vẫn phát triển. Tổ chức dần chuyên nghiệp hơn, các phường, gánh hát quanh năm, trong các dịp tế lễ, mừng thọ, hiếu hỷ, ở tư gia, sân đình và hội làng.
Vạn vật có sinh, có diệt, chèo không phải là thần thánh mà bất tử, số phận chèo cũng như tuồng nô của Nhật Bản và kinh kịch của Trung Quốc. Nhưng khác với kinh kịch và tuồng nô có xuất xứ cung đình, chèo ở miền Bắc ra đời từ dân, cái gì nên của dân thì dân sẽ giữ.
Cuối thế kỷ XIX, Pháp xâm chiếm Bắc Kỳ, chèo thưa vắng khán giả cho đến đầu thế kỷ XX dù không bị loại hình nghệ thuật nào cạnh tranh. Nguyên nhân là dân chúng nơi nơi hưởng ứng phong trào Cần Vương chống Pháp song chèo lại đứng ngoài cuộc. Xã hội nửa phong kiến, nửa thực dân làm chèo thay đổi. Trong nửa đầu thế kỷ XX, một số ông trùm cải tiến chèo truyền thống thành chèo văn minh, giảm bớt vai trò của hề, nhân vật chính có thân phận éo le, trắc trở... đã thu hút khá đông các bà, các cô khi ấy. Đặc biệt là chèo cải lương của trùm chèo xứ Đông Nguyễn Đình Nghị, những vở ông soạn "hoành hành" ở Hà Nội trong một thời gian cho đến khi bị cạnh tranh bởi phim, tân nhạc, kịch nói của phương Tây.
Biết chèo có ảnh hưởng lớn đến dân chúng Bắc Kỳ nên chính quyền Pháp đã kiểm soát. Trả lời phỏng vấn báo Tri Tân số ra ngày 16/11/1944, Nguyễn Đình Nghị nói rằng: "Các vở của tôi soạn đều chú trọng vào việc răn đời lấy lời ca, giọng hát và tiếng cười tao nhã duy trì phong hóa mà cảnh tỉnh thế đạo nhân tâm, tránh xa chính trị". Thập niên 40, chèo thưa vắng khán giả vì chiến tranh, chạy loạn, đói kém và xa rời mục đích tôn chỉ của người xưa.
Sân đình còn tiếng hi hi...
Sau 1954, chèo hồi sinh, xuất hiện nhiều tác giả trong đó phải kể đến Lưu Quang Thuận với các vở: "Tấm Cám", "Mối tình Điện Biên", "Cành đào ra trận", "Nàng Sita"… Trần Bảng có "Con trâu hai nhà","Đường đi đôi ngả", Việt Dung có "Sợi tơ vàng", Trần Huyền Trân có "Những cô thợ dệt". Khi miền Bắc có chiến tranh đã ra đời nhiều vở về đề tài chống Mỹ như "Đường về trận địa" của Tào Mạt- Hoài Giao…
Cùng với chèo chuyên nghiệp, hầu như xã nào cũng có đội văn nghệ mà chèo là nòng cốt. Đề tài xây dựng chủ nghĩa xã hội là sự thách đố với các tác giả nhưng PGS Tất Thắng - nhà lý luận và phê bình sân khấu nhận định: "Dù tuyên truyền nhưng vở nào cũng có giá trị nghệ thuật".
Trong nửa cuối thế kỷ XX, chèo không chết vì nhà nước nuôi nhưng không có vở diễn hay. Hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1985 bùng lên với vở "Lý Nhân Tông kế nghiệp" của nhà viết kịch Tào Mạt. Sau đó Tào Mạt sáng tác thêm 2 vở hợp thành bộ ba "Bài ca giữ nước" làm chèo sôi động trở lại. Ông làm sống lại nhân vật hề theo lối của chèo xưa. Và chèo chuyên nghiệp lịm dần, người kéo khán giả quay trở lại sân khấu chính là nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, ông viết lại "Nàng Sita" của người cha Lưu Quang Thuận theo lối mới. Không thể hình dung được "Nàng Sita" của Đoàn Chèo Hà Nội diễn tới 500 suất - một kỷ lục không thể xô đổ trong kịch hát dân tộc.
Khi chèo chuyên nghiệp "hấp hối", người ta cho rằng, do bộ môn nghệ thuật này không tự đổi mới, do trẻ em không được giáo dục trong nhà trường. Ý kiến khác thì "chèo không cạnh tranh được với nhiều thể loại nghệ thuật rất hấp dẫn, các hình thức giải trí phong phú xuất hiện liên tục trên truyền hình, mạng xã hội.
Vạn vật có sinh, có diệt, chèo không phải là thần thánh mà bất tử, số phận chèo cũng như tuồng nô của Nhật Bản và kinh kịch của Trung Quốc. Nhưng khác với kinh kịch và tuồng nô có xuất xứ cung đình, chèo ở miền Bắc ra đời từ dân, cái gì nên của dân thì dân sẽ giữ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.