Người dân Khmer thu hoạch lúa nàng Nhen thơm. Ảnh: Báo An Giang.
Lúa Nàng nhen chịu hạn tốt, ít bị sâu bệnh, không cần phải sử dụng nhiều phân vô cơ, sử dụng phân bò là chính, phát triển tốt dựa vào nguồn nước mưa. Riêng về kỹ thuật canh tác trồng lúa, người nông dân Khmer cũng có đặc thù riêng, ít sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng tưới tiêu chủ yếu từ nguồn nước mưa nên lúa gạo Nàng Nhen có giá trị đặc biệt.
Kỹ thuật canh tác, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản phải được tiến hành cẩn thận theo đúng quy trình. Lúa không sạ thẳng mà gieo mạ rồi mới cấy. Đất ruộng trên cần được làm kỹ, cày 1-2 lần, bừa 2-3 lần, phân bò bón lót đã ủ hoai được trộn nhuyễn khi làm đất, gieo mạ vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 và cấy lúa khi mạ từ 25 đến 30 ngày.
Trồng lúa Nàng nhen, người Khmer rất ít sử dụng phân hoá học
Ngoài cách bón phân hữu cơ (phân bò), tùy theo khả năng kinh tế có thể sử dụng cách bón phân hữu cơ kết hợp với phân vô cơ với liều lượng và thời điểm thích hợp. Lúa Nàng Nhen Thơm được thu hoạch vào đầu mùa khô.
Căn cứ vào địa hình, người dân be bờ, tạo ra các mảnh ruộng bậc thềm cao rộng hẹp khác nhau và càng rộng ra khi xa chân núi để trữ nước trồng lúa.
Vào mùa mưa (chiếm 90% tổng lượng mưa hàng năm), với lượng mưa 132mm/tháng, dù địa hình dốc, nước thoát nhanh nhưng các cơn mưa liên tục với hơn 15 ngày mưa/tháng đủ cho nhu cầu về nước trong 2/3 thời gian sinh trưởng đầu của cây lúa Nàng Nhen Thơm Bảy Núi.
Cánh đồng trồng lúa Nàng nhen ở Bảy Núi.
Trong quy trình sản xuất đặc biệt của người dân Khmer, yêu cầu bắt buộc là phải bón phân bò ủ oai mục cho lúa. Khu vực Bảy Núi có nhiều loại cây cỏ họ Hòa Thảo, là nguồn thức ăn tự nhiên của đàn bò. Trong thành phần của các loài cây họ Hòa Thảo, ngoài protein thô, lipid, chất xơ, khoáng tổng số… còn có Lignin, do đó phân bò ở khu vực này là yếu tố đặc biệt bổ sung nguồn dinh dưỡng cho cây lúa mà không khu vực nào có được.
Phân bò ở Bảy Núi được ủ, đánh tơi rất kỹ trước khi bón cho cây lúa. Do cày bừa từ 3 đến 5 lần nên phân bò lẫn đất, quện lại như “lớp hồ” dày trên mặt ruộng, giúp rễ lúa hấp thụ dưỡng chất tốt hơn trong tầng canh tác 15-20 cm, mưa lớn không trôi mất phân. Mặt khác, khi có một “lớp hồ” dày trên bề mặt cũng giúp cho ruộng đỡ mất nước khi lúa đè nhánh, làm đòng.
Phương Thảo - Hương Trang (Khoa học và Phát triển)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.