Chỉ còn 30 lợn nái già, sau "bão" dịch tả châu Phi, lão nông xứ Lạng có 400 con lợn thịt

Mộc Trà Thứ sáu, ngày 05/06/2020 13:31 PM (GMT+7)
Giữa "cơn bão" dịch tả lợn châu Phi, "lão nông" Lương Văn Thương (SN 1971) thôn Lân Bông, thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng, (Lạng Sơn) vẫn tự tin với cách làm của mình sẽ giúp đàn lợn gần 500 con của trang trại ông "ăn no ngủ kỹ, da hồng lông mượt".
Bình luận 0

Gian nan tái đàn 

Chưa bao giờ nghề chăn nuôi lợn lại khiến người nông dân lo lắng và bất an như hiện nay. Dù giá lợn hơi đang tăng mạnh, nhưng tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng chưa có dấu hiệu chấm dứt khiến những hộ tái đàn trở lại như lao vào canh bạc lớn, vừa nuôi lợn vừa lo ngay ngáy. 

Tuy nhiên, đến thăm trại lợn của ông Lương Văn Thương ở thôn Lân Bông, chúng tôi đã thấy sự tự tin của ông chủ này.

Hiện tại trang trại lợn của gia đình ông Thương đang có hơn 400 lợn thịt được gây giống từ 30 con nái còn sót lại sau đợt trang trại bị dính dịch tả lợn châu Phi. Ông Thương cho biết: Trước đây gia đình ông chăn nuôi theo kiểu nhỏ lẻ, năm 2015 ông thí điểm nuôi trên 1.000 con, sau đó từ năm 2016 gia đình bắt đầu mở rộng chuồng trại và tăng quy mô đàn lên đến 1.800 con. 

Bí quyết giúp lão nông tái đàn lợn gần 500 con giữa "bão" dịch tả lợn châu Phi - Ảnh 1.

Ông Lương Văn Thương tại trang trại lợn của gia đình.

Tuy nhiên cuối năm 2018 đầu năm 2019, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện khiến trại lợn của ông bị thiệt hại lớn. "Hồi đó, thấy mấy hộ nuôi nhỏ lẻ ở khu vực lân cận có lợn bị chết là vợ chồng tôi ăn ngủ không yên. Tuy nhiên trại lợn của gia đình có 3 khu ở vị trí cách xa nhau nên may mắn hồi đó còn sót lại được 30 con lợn nái già". 

Sau đợt dịch tả lợn châu Phi, 2 khu chuồng nuôi lợn của gia đình ông sạch bách không còn bóng lợn nào. Thiệt hại kinh tế lên đến hàng trăm triệu đồng. Gần đây, ông nhận thấy tình hình dịch bệnh đã lắng xuống, giá lợn hơi lại tăng mạnh nên vợ chồng ông đã quyết tâm cải tạo chuồng trại, vận dụng mọi giải pháp chăn nuôi an toàn để gây giống tái đàn. 

Từ 30 con lợn nái già còn sót lại, vợ chồng ông từ từ gây giống. Đến nay, trong chuồng nuôi đã có hơn 400 con lợn thịt và số lợn nái tăng lên 70 con. “Lứa này tôi chưa nuôi nhiều, chỉ gây giống được hơn 400 con lợn con để nuôi vì một phần vốn liếng cũng cạn sau cơn đại dịch, phần khác cũng sợ đại dịch tả lợn châu Phi quay lại”, ông Thương tâm sự. 

Cũng theo ông Thương, từ sau đợt dịch tả lợn châu Phi hoành hành ở địa phương, nhiều hộ chăn nuôi lợn đã bỏ nghề vì phá sản. Mỗi lần nhìn thấy hình ảnh lợn ốm trên ti vi, lại khiến vợ chồng ông ám ảnh, lo lắng. Nhưng vì cuộc sống, vì mưu sinh hàng ngày nên ông quyết định dành hết vốn liếng để tái đàn với mong muốn gỡ lại được một phần tiền lỗ trước đó. 

Bí quyết giúp lão nông tái đàn lợn gần 500 con giữa "bão" dịch tả lợn châu Phi - Ảnh 2.

Trại lợn thịt hơn 400 con được 2 công nhân thường xuyên vệ sinh, tắm rửa sach sẽ.

Ông Thương kể lại: Trại lợn của ông vốn vừa là trại lợn giống, vừa nuôi lợn thịt. Khi toàn bộ đàn lợn thịt, lợn con bị chết sạch, lượng cám lợn nái còn thừa, chẳng thể bán nên gia đình ông gom sẵn lại, mua ít vịt giống về thả, tận dụng số thức ăn thừa, vớt được đồng nào hay đồng đó. 

Còn 30 con lợn nái già sót lại vì già rồi, bán cũng không được giá, không ai mua nên ông chỉ nghĩ chúng còn sống thì được ngày nào hay ngày đó, còn sống con nào thì còn phải chăm sóc chứ chẳng hi vọng gì. Thế nhưng không ngờ, sau đó chúng vẫn phát triển bình thường và tiếp tục sinh sôi.

Lý giải bí quyết vì sao giữ được đàn lợn 30 con nái sống sót kì diệu qua đợt dịch, ông Thương cười xòa: “Có bệnh thì vái tứ phương. Tôi áp dụng đủ mọi cách miễn sao mong đàn lợn khỏe mạnh, phát triển bình thường". 

Chuồng trại phải đảm bảo

Kể về quá trình gây giống tái đàn, ông Thương cho biết: Nhiều hộ dân hiện nay lại xuất hiện tình trạng vừa tái đàn lợn xong thì đã lại tái bệnh, lợn lại chết. Theo ông nguyên nhân chủ yếu đó là do khâu xử lý chuồng trại chưa đảm bảo. 

"Nhiều người cứ nghĩ chuồng trại chỉ cần phun rửa sạch sẽ, rắc vôi bột và phun thuốc khử trùng là đã có thể tái đàn mà không nhiễm bệnh. Tuy nhiên chỉ làm như vậy là chưa đảm bảo bởi nền trại, các kẽ hở, thành chuồng trại vẫn tồn tại những mầm bệnh đó", ông Thương cho hay. 

Theo kinh nghiệm nhiều năm chăn nuôi, ông Thương cho biết: Phải dùng khò, khò ở nhiệt độ cao thật tỉ mỉ diện tích chuồng trại, sau đó phun khử khuẩn trước khi tái đàn. Nhiệt độ cao sẽ tiêu diệt hết những vi khuẩn còn sót lại, điều này đảm bảo đàn lợn sẽ không bị tái bệnh. 

"Chuồng trại hơn 600 m2 của gia đình tôi 2 người dùng khò công nghiệp khò ở nhiệt độ cao cũng phải mất 2 tuần mới làm xong phần nền chuồng trại. Từ khi thả lợn vào nuôi đến nay, chúng phát triển rất khỏe mạnh", ông Thương chia sẻ. 

Bí quyết giúp lão nông tái đàn lợn gần 500 con giữa "bão" dịch tả lợn châu Phi - Ảnh 3.

Công nhân làm việc tại trang trại phải tuân thủ nghiêm các quy định đảm bảo phòng chống dịch tả lợn châu Phi.

Cụ thể, theo ông Thương việc xử lí chuồng phải trải qua 5 bước: Một là vệ sinh, tẩy rửa chuồng thật sạch sẽ, xử lý rắc vôi hệ thống xả thải, bể chứa nước thải. Hai là dùng vôi tôi nóng pha loãng, đổ trực tiếp ra nền, tường thành chuồng. Ba là dùng lửa bình gas cỡ lớn “khò” kỹ ở nhiệt độ cao từ 2 - 3 lần toàn bộ nền, tường. Bước bốn là tiếp tục dùng vôi tôi nóng loãng, phun trắng phủ toàn bộ chuồng một lần nữa. Cuối cùng là dùng formol và thuốc tím để xông khử trùng chuồng một lần nữa. 

Sau 10 ngày khử trùng, lợn con được chuyển sang nuôi, áp dụng nghiêm ngặt các quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Cùng với đó, trang trại phải “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, công nhân phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc trong khử khuẩn trước khi ra vào trại. Việc phun khử trùng được duy trì đều đặn hàng ngày, với phạm vi cách xa xung quanh trại 40 - 50m. 

"Chỉ một sơ suất nhỏ, dịch tả lợn châu Phi quay lại thì gia đình tôi trắng tay, chẳng còn gì nữa. Nghề chăn nuôi lợn giống như một canh bạc lớn, tuy giờ giá lợn hơi đang là 95.000 đồng/kg, thậm chí có nơi 100.000 đồng/kg nhưng ai dám chắc chắn vài tháng nữa nó vẫn ở mức đó. Thắng thua còn chưa biết thế nào nhưng đàn lợn cứ da hồng lông mượt là tôi cũng an tâm phần nào”, ông Thương cho hay.

Theo ông tốt nhất các loại thuốc khử trùng phải được luân chuyển xen kẽ 3 - 4 loại khác nhau, để hạn chế khả năng vi khuẩn, virus “nhờn” với thuốc. Xe chở cám ra vào phải phun kỹ khử trùng, người ra vào trại cũng phải lội qua bể sát trùng. Nước uống cho lợn nên được xử lí bằng Clo để sát trùng. 

Định kỳ hàng tuần, phải phun thuốc trừ muỗi và côn trùng cho trại. Mặc dù là chuồng kín, tuy nhiên việc kiểm soát và diệt chuột cũng được siết chặt, để ngăn ngừa chuột xâm nhập vào trại qua các cống thải. 

Bên cạnh đó, khâu tiêm phòng vacxin như tả cổ điển, tai xanh... vẫn được tuân thủ đều đặn, cách một tháng cho lợn ăn kháng sinh phòng bệnh trộn trong thức ăn một lần. 

Bí quyết giúp lão nông tái đàn lợn gần 500 con giữa "bão" dịch tả lợn châu Phi - Ảnh 5.

Với cách xử lý chuồng trại và các quy định trong đảm bảo phòng chống dịch, hiện đàn lợn của gia đình ông Thương vẫn khỏe mạnh, phát triển tốt.

Đồng thời, lợn được bổ sung thêm các thuốc điện giải, vitamin C... để tăng cường thêm sức đề kháng. Ông tâm sự: “Từ hôm tái đàn lợn trở lại, vợ chồng tôi lúc nào cũng lo lắng nhưng cũng yên tâm 1 phần bởi tự tin trong khâu xử lý chuồng trại tốt. Tôi dự tính từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục gây giống tăng đàn lên trên 1.000 con lợn thịt. 

"Bây giờ trên địa bàn tỉnh chẳng còn mấy trang trại lợn tái đàn được, dẫn đến tình trạng khan hiếm lợn giống. Nhiều người ngỏ ý muốn tôi bớt cho vài chục con để nuôi lại, tuy nhiên hiện tại gia đình cũng đang tăng đàn, chưa thể cung cấp con giống ra ngoài thị trường", ông Thương cho biết.

Từ đầu năm 2020 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh tại 47 xã; trong đó 25 xã mới có dịch và 22 xã tái phát dịch. Tổng số lợn phải tiêu hủy là 27.662 con. Số xã phát sinh dịch cũng như số lợn phải tiêu hủy trong các tháng từ đầu năm đang có xu hướng giảm mạnh. Tuy nhiên, trong tháng 4/2020 bệnh dịch tả lợn châu Phi đã tái phát tại 12 xã và số lợn tiêu hủy trong tháng là 1.182 con. Từ đầu tháng 5 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi tiếp tục tái phát tại 10 xã thuộc 7 huyện của 5 tỉnh gồm: Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Tĩnh; số lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy là 78 con.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem