"Chị hai năm tấn quê ở Thái Bình" trồng rau rất tài, có 3 mẫu rau mà thu 200 - 300 triệu

Chủ nhật, ngày 31/12/2023 17:15 PM (GMT+7)
Vựa rau xã Trung An (Vũ Thư, Thái Bình) mỗi năm cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hàng nghìn tấn rau các loại. Trong đó, chị Nguyễn Thị Thắm, thôn An Lộc là một trong những người tiên phong ở địa phương mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà màng, trồng rau hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP.
Bình luận 0

Hơn 30 năm trước, chị Thắm kết hôn với anh Phùng Văn Nghĩa, thôn An Lộc, đây là thôn chuyên sản xuất rau màu ở xã Trung An. Bắt đầu từ đây, chị Thắm gắn bó với từng thửa ruộng, luống rau. Chị phụ trách trồng rau, còn anh Nghĩa phụ trách tiêu thụ rau của gia đình và bà con. Trước kia, không có máy móc hiện đại như bây giờ, trồng rau rất vất vả. Cày cuốc, lên luống, làm tơi xốp đất, gánh nước tưới rau… đều dùng sức người, nặng nhọc là thế nhưng chị Thắm không nề hà. 

Anh Nghĩa dùng xe thồ chở hai sọt rau đi bán khắp chợ Thái Bình, Nam Định. Khó nhọc mới trồng được cây rau, thế nhưng nhiều dịp rau ế phải đổ đi. Khi ấy, anh Nghĩa là người đầu tiên ở làng rau Trung An khăn gói bắt xe vào Đà Nẵng, tìm đến các chợ đầu mối lớn ở đây để tìm hiểu thị trường, tìm đầu mối, khách hàng tiêu thụ sản phẩm rau của quê hương.

Học theo anh Nghĩa, một số bà con trong thôn cũng năng động, ra tỉnh ngoài tìm kiếm khách hàng, nhờ đó rau của Trung An không còn tồn ế mà sớm có mặt ở nhiều thành phố lớn như Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội, Vinh… từ hàng chục năm trước.

"Chị hai năm tấn quê ở Thái Bình" trồng rau tài  - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Thắm xã Trung An (Vũ Thư, Thái Bình) đầu tư xây dựng 500m2 nhà màng để trồng rau hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP.

Trước kia, chị Thắm chỉ trồng năm, bảy sào rau, thời gian còn lại chị phụ giúp chồng thu mua, tiêu thụ rau. Tuy nhiên 3 năm gần đây, chị dần mở rộng quy mô sản xuất, hiện nay chị trồng 3 mẫu rau các loại. Ngoài các loại rau truyền thống mà người dân ở làng rau Trung An thường trồng như xà lách, hành, mùi, thì là… chị tích cực đưa các loại cây rau màu mới vào trồng để nâng cao giá trị sản xuất như: tía tô, su hào Nhật lấy ngọn, măng tây, hẹ, cần tây…

Hiện nay, nhiều loại thực phẩm trong đó có các loại rau xanh đang bị ô nhiễm khá nghiêm trọng, bởi vậy, chị Thắm luôn mong muốn sản xuất rau hữu cơ, rau an toàn phục vụ thị trường, góp phần bảo đảm sức khỏe cộng đồng. 

Gia đình chị là một trong những hộ tiên phong tại địa phương đầu tư kinh phí làm 500m2 nhà màng để trồng rau hữu cơ hướng đến tiêu chuẩn VietGAP. Các diện tích rau khác, mặc dù không trồng trong nhà màng, chị cũng nghiêm túc áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn như sử dụng phân bón hữu cơ hoai mục đã được ủ men vi sinh trộn vào đất trồng, dùng thuốc trừ sâu sinh học để phòng, trừ sâu bệnh và bảo đảm thời gian cách ly, dùng nước giếng khoan để tưới cho rau… 

Với cách làm này, chất lượng rau của chị Thắm luôn cao hơn, rau có độ giòn, ngọt hơn, cây rau khỏe, ít sâu bệnh hơn so với rau sử dụng phân bón hóa học, ngoài ra, bảo vệ được nguồn dinh dưỡng của đất để trồng rau bền vững. Đến nay, sản phẩm tía tô, ngọn su hào Nhật, măng tây, hẹ, cần tây... của gia đình chị được một số cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội ưa chuộng và tiêu thụ ổn định.

Với quy mô sản xuất lớn, chị Thắm luôn duy trì thuê 5 - 6 lao động thường xuyên, thậm chí thời điểm cuối năm hiện nay là 15 - 16 lao động để trồng, chăm sóc, thu hoạch, đóng gói, tiêu thụ rau. Tuy có người làm giúp, chị vẫn trực tiếp sát sao với từng luống rau, điều hành các khâu kỹ thuật, lo lắng việc nước tưới, phòng ngừa sâu bệnh, chuột ở từng thửa ruộng.

“Trồng rau vất vả, lời lãi không nhiều, chồng tôi cũng muốn tôi có thời gian nghỉ ngơi, tuy nhiên tôi đam mê trồng rau và không thấy vất vả. Đặc biệt, tôi rất muốn trực tiếp trồng rau hữu cơ, rau an toàn để phục vụ người dân. Mỗi lần thu hoạch rau do chính mình trực tiếp gieo trồng, tôi cảm thấy rất phấn khởi, yên tâm về chất lượng rau” - chị Thắm chia sẻ.

Mỗi lứa rau, nông dân bán tại ruộng từ 3 - 4,5 triệu đồng/sào, mỗi năm trồng từ 6 - 7 lứa rau. Như vậy, một sào rau cho nguồn thu khoảng 20 - 25 triệu đồng/sào/năm. Với 3 mẫu rau, trừ chi phí đầu tư, ước tính năm 2023, chị Thắm thu về 200 - 300 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi năm gia đình chị làm dịch vụ, tiêu thụ hơn 700 tấn rau của Trung An ra thị trường, lợi nhuận đạt từ 400 - 500 triệu đồng/năm.

Gia đình chị Thắm tạo việc làm, thu nhập ổn định từ 200.000 - 300.000 đồng/ngày công cho lao động địa phương lúc nông nhàn.  Đặc biệt, tâm huyết, trách nhiệm với việc trồng rau an toàn của chị Thắm đã lan tỏa, truyền cảm hứng, thay đổi tư duy tích cực cho nhiều nông dân địa phương, từng bước thu hút bà con trồng rau hữu cơ, rau an toàn, rau sạch, góp phần bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng.

Quỳnh Lưu (Báo Thái Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem