Chỉ học hết lớp 3, "vua" sáng chế sở hữu không biết bao nhiêu loại máy nông nghiệp từ tận dụng... đồ cũ
Chỉ học hết lớp 3, "vua" sáng chế sở hữu không biết bao nhiêu loại máy nông nghiệp từ tận dụng... đồ cũ
Công Tâm
Thứ sáu, ngày 02/08/2024 06:01 AM (GMT+7)
Ông Lưu Quang Trương (71 tuổi, thôn Vĩnh Trung, xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) nhiều năm qua đã sáng chế thành công rất nhiều máy phục vụ trong lĩnh vực nông nghiệp như: Máy ép đậu lạc; máy xới đất; máy phát cỏ,... điều đặc biệt những chiếc máy trên ông tận dụng từ những đồ cũ kĩ, tưởng chừng chỉ để bỏ đi.
Những năm qua, nhiều người dân ở huyện Cam Lâm, TP.Cam Ranh, Ninh Hòa, Diên Khánh (Khánh Hòa) vui mừng được nhìn thấy có nhiều chiếc máy mang thương hiệu "made in Vietnam" do tận tay nông dân thứ thiệt Lưu Quang Trương sáng chế.
Đến thăm căn nhà, ông Trương tay vẫn dính nhớt đen ngòm đang loay hoay nghiên cứu, sửa chữa và tìm kiếm những dụng cụ để tu bổ chiếc máy ép dầu lạc của mình (do máy đã hoạt động liên tục trong những ngày qua cho khách hàng).
Quần áo giản dị, tính cách hiền hòa chân chất, thật thà, chất phác và khi nói chuyện luôn nở nụ cười với khách là những điều mà người ta dễ thấy khi được tiếp xúc với ông nông dân U70 này.
Ông Trương vừa ngồi xuống ghế nhâm nhi ly trà trong căn nhà của mình và nói, ngày xưa do điều kiện kinh tế khó khăn ông cùng gia đình phải khăn gói từ huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam vào tỉnh Đắk Nông sinh sống và sau thời gian lại trôi dạt về Cam An Nam (huyện Cam Lâm) lập nghiệp.
Ông Trương cho hay, bản thân ông chỉ học đến hết lớp 3 do hoàn cảnh quá khó khăn nên việc học còn dang dở.
Tuy nhiên, ông luôn chịu khó tìm tòi, nghiên cứu các loại máy móc nhất là những chiếc máy phục vụ trong lĩnh vực nông nghiệp, mỗi khi có máy hư hỏng ông chỉ cần nhìn thoáng qua là bắt được bệnh của máy để sửa chữa ngay.
Trải qua nhiều năm kinh nghiệm và hay để ý tìm tòi "độ", "chế" máy móc trong nhà. Đến nay, ông Trương đã là chủ sở hữu của hàng loạt loại máy hữu ích phục vụ trong nông nghiệp như: Máy cải tiến máy phát cỏ, máy vừa cày xới đất, chiếc máy ép mía cho ra đường chạy bằng động cơ dầu diesel, máy trộn đường, máy cối xay đậu và bộng ép dầu phộng bằng thủy lực,…
Cái khó mới ló cái khôn
Kể lại những tháng ngày về làm ăn tại mảnh đất Cam An Nam, ông Trương bộc bạch, "nơi đây ngày xưa chủ yếu bà con đi rừng lấy củi về bán kiếm sống, khi ấy người nghèo nhiều lắm tính không xuể.
Một thời gian sau, bà con trồng đậu lạc, mía, củ kiệu để tăng thêm thu nhập. Đến giai đoạn thu hoạch các công đoạn đều làm bằng thủ công rất vất vả, tốn nhiều công sức nhưng hiệu quả chẳng được bao nhiêu".
Từ những trăn trở ấy, ông Trương đã lăn lê tại các cửa hàng phế liệu hoặc những nơi có máy móc cũ, bỏ đi để nhặt đồ cũ về rồi tạo chế ra các loại máy móc. Ông nhận thấy trong nông nghiệp từ cái khó khăn, thiếu thốn mới "ló ra cái khôn".
"Đến thời điểm này, tôi vẫn không nhớ hết đã tạo ra bao nhiêu chiếc máy nữa vì làm xong rồi bán cho khách ngay, những chiếc máy ép đậu, phát cỏ, ép mía, máy cày xới đất cứ thế lần lượt được ra đời nhưng vẫn không đủ cung cấp cho khách hàng. Bây giờ tuổi tôi đã lớn, tóc đã bạc màu nhưng tâm hồn tôi không bạc, không có ngày nào tôi nghỉ cả, đầu óc vẫn thích chế tạo máy móc" – ông Trương chia sẻ.
Theo ông Trương, chiếc máy ép dầu lạc của ông mọi năm chỉ làm khoảng 40 – 45 tấn/vụ, thì năm nay số lượng tăng lên khoảng gần 70 tấn. Chiếc máy của ông đang phát huy hiệu quả, đó là vừa ép dầu lạc cho người dân lấy dầu để ăn, đồng thời cũng giúp gia đình ông có thêm thu nhập.
Một trong những chiếc máy nông nghiệp tự chế thành công nhất của ông Trương phải kể đến chiếc máy ép dầu lạc.
Máy được thiết kế với các công đoạn như xát vỏ, xay đậu, hấp và ép dầu. Cùng với 2 lao động, mỗi ngày chiếc máy này ép từ 150 - 200 lít dầu sạch và 350kg phụ phẩm (bánh dầu). Cụ thể, cứ 3kg lạc khô sẽ cho ra 1 lít dầu ăn và phụ phẩm.
Theo tính toán của ông Trương, thu hoạch 1ha lạc đem bán thô sẽ thu khoảng 56 triệu đồng, còn đem lạc ép dầu (thời giá 100.000 đồng/lít) sẽ thu về 74 triệu đồng; lợi nhuận tăng 18 triệu đồng/ha so với bán nguyên củ. Những vỏ đậu sau khi chế biến còn tận dụng thu gom để bón phân cho cây trồng.
Giá bình quân ép dầu cho người dân 4.000 đồng/kg; sau khi chạy thành phẩm xong, nếu người dân không lấy bánh dầu có thể bán lại cho ông với giá 5.000 đồng/kg nên vẫn có thu nhập thêm.
Chiếc máy hoạt động khá đơn giản, chỉ tốn tiền điện từ 2.000 - 3.000 đồng/ngày; khi mất điện, có thể thực hiện ép dầu bằng tay. Đến nay, ông Trương đã lắp đặt được 3 chiếc máy ép dầu lạc để bán cho người dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Anh Nguyễn Đình Hiền (thôn Vĩnh Đông, xã Cam An Nam) cho biết: "Nghe có chiếc máy ép dầu, tôi mang 240kg lạc đến ép thử.
Hiệu quả mang lại bất ngờ, máy hoạt động nhanh gọn, đậu không bị rơi ra ngoài, giọt dầu ra đẹp, lại đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài việc ép lấy dầu, tôi còn mang bánh dầu về làm thức ăn cho đàn bò và lợn ở nhà".
Bà Triệu Thị Kim Chi - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam An Nam cho biết, ông Trương là hội viên nông dân rất tích cực nghiên cứu các loại máy móc phục vụ cho nông dân. Trước đây, ông làm thành công rất nhiều chiếc máy, như: Máy xới cỏ để trồng mì, mía; máy nhồi đường,...
Riêng máy ép dầu có rất nhiều ưu điểm, đó là gọn nhẹ, dễ lắp đặt, tính cơ động cao, các thao tác vận dụng, chi phí thấp và sửa chữa rất dễ dàng.
Chiếc máy đi vào hoạt động đã phần nào giải quyết tình trạng khan hiếm lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi cây trồng của địa phương.
Clip: Chiếc máy vừa cày vừa xới đất do Lưu Quang Trương chế tạo.
Những sáng chế của ông Trương đã đạt được nhiều giải thưởng cao như: Sản phẩm cối xay đậu và bộng ép dầu phộng bằng thủy lực vừa đạt giải ba tại hội thi khoa học kỹ thuật của tỉnh. Hai tác phẩm, máy phát cỏ và máy vừa cày xới đất đều đạt giải khuyến khích tại hội thi khoa học kỹ thuật của tỉnh. Ngoài ra, ông Trương còn được tặng bằng khen từ UBND tỉnh Khánh Hòa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.