Đảo Hòn Mun, hòn đảo ở Khánh Hòa cách bờ 10km, lặn thấy cá biển la liệt, san hô muôn hình vạn trạng
Quanh một hòn đảo ở Khánh Hòa cách bờ 10km, lặn xuống thấy la liệt cá biển, san hô muôn hình vạn trạng
Thứ bảy, ngày 08/06/2024 10:39 AM (GMT+7)
Ðịa điểm lặn SCUBA diving của chúng tôi là khu vực đảo Hòn Mun (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Đây là khu bảo tồn biển đầu tiên được xây dựng thí điểm ở nước ta, địa thế thuận lợi, cho nên có thể lặn khám phá đáy biển suốt cả bốn mùa.
Thế giới dưới đáy biển đầy bí ẩn, và khó tiếp cận. Ngày trước, con người chỉ có thể tưởng tượng, như Jules Verne với “Hai vạn dặm dưới đáy biển” của mình.
Còn bây giờ, tôi không phải hình dung cảnh tượng dưới đáy biển qua từng con chữ nữa, mà cảm nhận bằng tất cả các giác quan của mình, khi nhẹ nhàng bơi lượn trong lòng đại dương huyền diệu.
1.
Từ bến cảng Cầu Đá, đi tàu cao tốc chừng mươi phút, chúng tôi đến vùng biển Con Sẻ Tre trong vịnh Nha Trang, một trong những địa chỉ du lịch nổi tiếng của Khánh Hòa. Biển ở đây đẹp và sạch. Những con sóng nhỏ dịu dàng vỗ về bờ cát. Cách biển không xa, rừng cây xanh ngắt, rộn ràng tiếng chim.
Chuẩn bị đi bộ dưới đáy biển, chúng tôi được hướng dẫn khá tỉ mỉ, chu đáo những kỹ thuật cơ bản như cách thở; cách giao tiếp dưới nước; cách xử lý những tình huống bất ngờ... Trước khi bước xuống nước lòng cứ băn khoăn, bởi cô nhân viên hướng dẫn bảo chiếc mũ tôi sẽ đội lên đầu nặng tới... 40 kg! Thợ lặn động viên:
- Yên tâm, xuống nước nó nhẹ lắm!
Anh còn cho biết thêm, ở đây có cả một đội thợ lặn chuyên nghiệp, luôn theo sát để hướng dẫn, hỗ trợ khách.
Lặn biển ngắm "thế giới thủy cung" ở khu vực đảo Hòn Mun, TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) với vô số cá biển đủ màu sắc và san hô muôn hình vạn trạng.
Ngập ngừng bước xuống nước, tôi được người thợ lặn đặt chiếc mũ bằng đồng nặng tới 40 kg ấy lên đầu. Quả thật, đúng như anh nói, chiếc mũ nặng nề kia giờ chỉ như chiếc mũ bảo hiểm tôi đội khi đi xe gắn máy.
Tôi hít vào thật sâu rồi thở theo hướng dẫn. Thoáng chốc, chân đã chạm đất, tôi bắt đầu đi những bước đầu tiên trên nền cát trắng phau dưới đáy biển. Lực đẩy của nước biển khiến người nhẹ tênh, bềnh bồng.
Chỉ cách mặt nước có mấy mét mà dưới lòng biển là một khung cảnh mới, một cuộc sống mới. Những rạn san hô huyền ảo trong sắc nước lung linh. Và chung quanh tôi, cá nhiều vô kể, lớn có, nhỏ có, đủ hình, đủ sắc.
Chúng bơi lượn sát bên người như đã thân thiết với nhau tự thuở nào. Nhiều người thi nhau chụp ảnh. Mấy cặp đôi tay trong tay đi dạo.
Đi bộ dưới đáy biển như vậy gọi là seawalking. Song, nếu ví lòng đại dương như những cánh rừng đại ngàn thâm nghiêm, đầy bí ẩn thì với cách thức seawalking như trên, bạn chỉ mới đi tới… bìa rừng. Còn để khám phá những khu rừng trập trùng dưới đáy đại dương, chúng ta phải lặn theo cách snorkeling, với ống thở; hoặc SCUBA diving, sử dụng bình dưỡng khí.
2.
Seawalking, snorkeling và SCUBA diving có một điểm giống nhau là không biết bơi cũng lặn được. Song, SCUBA diving có yêu cầu cao hơn rất nhiều, đòi hỏi người lặn phải có một số kiến thức, kỹ năng nhất định về lặn biển.
Với SCUBA diving, chúng ta có thể lặn sâu hơn, khám phá được nhiều hơn. Tuy nhiên, xuống sâu, hơi thở nặng hơn và ù tai khiến nhiều người có cảm giác sợ hãi. Đừng quá lo lắng! Công nghệ, thiết bị lặn ngày càng hiện đại; những hiệp hội lặn nổi tiếng như PADI, SSI, CMAS... ra đời, cùng hệ thống quy tắc an toàn ngày càng chặt chẽ, nghiêm ngặt đã thúc đẩy kỹ thuật lặn phát triển vượt bậc. Và lặn biển đã trở thành môn thể thao nhiều cảm xúc, rèn luyện cả thể chất lẫn tinh thần, đem lại nhiều năng lượng tích cực cho đời sống con người.
Ðịa điểm lặn SCUBA diving của chúng tôi là khu vực đảo Hòn Mun. Đây là khu bảo tồn biển đầu tiên được xây dựng thí điểm ở nước ta, địa thế thuận lợi, cho nên có thể lặn khám phá đáy biển suốt cả bốn mùa. Hôm nay gió bấc, chúng tôi lặn ở phía nam đảo.
- Trước hết, anh phải học thật kỹ. Khi lặn, có hướng dẫn viên luôn đi sát. Anh phải tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của họ.
Nói rồi, hướng dẫn viên Nguyễn Quang Huy, thuộc Trung tâm lặn Rumblefish Việt Nam, chỉ tôi cặn kẽ từng chi tiết của thiết bị, cách sử dụng, kể cả những “chiêu” quan trọng nhất khi gặp bất trắc. Sau đó, Huy bắt tôi học... thở.
Ngậm ống thở, bỗng dưng cái bản năng thở bằng mũi không được dùng tới nữa mà phải thở bằng miệng; hít vào từ từ, thật sâu, rồi thở ra thật nhẹ. Huy lại chỉ tôi cách xử lý khi ở dưới sâu mà bị ù tai, khi nước tràn vào kính lặn, khi ống hơi trục trặc, cách di chuyển và cả những ký hiệu để trao đổi với nhau dưới nước.
Tôi cố nhớ những gì hướng dẫn viên căn dặn, trong đó chú ý khởi động thật kỹ; thở thật đều bằng miệng; giữ tâm trạng thật thoải mái…
Trên tàu, chuẩn bị lặn SCUBA diving, tôi được Huy trang bị khá kỹ. Người tôi nặng hẳn ra, khi được khoác trên vai bình dưỡng khí nặng khoảng 12 kg, rồi mang thêm vào lưng một khoanh chì nặng chừng 6 kg nữa.
Trên người lỉnh kỉnh những áo phao, kính lặn, đồng hồ và nhiều vật dụng khác, hai chân lại mang chân vịt kềnh càng nên đi trên tàu lắc lư người tôi cứ chực ngã, phải bám thật chắc vào lan can tàu...
Nước biển thật ấm. Nổi trên mặt nước, ôn lại lần cuối những gì Huy hướng dẫn, tôi ấn nút xả hơi phao, người từ từ chìm xuống đáy biển.
Kim đồng hồ báo độ sâu cứ nhích dần, nhích dần. 2 m… Rồi 9,10 m... Một thế giới hoàn toàn mới mẻ đang mở ra trước mắt. Trí tưởng tượng hồi bé khi đọc “Hai vạn dặm dưới đáy biển” của Jules Verne giờ như được chắp cánh, bay bổng.
Vài phút, tôi đã bắt đầu quen với cách thở bằng miệng qua ống hơi, và tự tin hơn trong thao tác. Lòng biển im phăng phắc. Âm thanh lấy hơi qua ống thở và tiếng những bọt khí bung ra khiến người có cảm giác lâng lâng, như mơ, như thực.
Những vạt rừng san hô đủ mọi hình thù, mầu sắc kiêu sa trong sắc nước xanh lơ. Những đàn cá biển vô tư bơi lượn sát bên người, nhiều khi có thể chạm vào chúng.
Đôi lùm rong biển thướt tha, đong đưa trong một chiếc gương khổng lồ. Một chút ánh sáng mong manh soi rọi khiến cảnh vật càng thêm huyền ảo. Người nhẹ tênh.
Thi thoảng, chúng tôi bắt gặp những hang động đen ngòm, đầy ma mị. Huy ra hiệu cho tôi chuyển hướng. Tôi lại lắng nghe âm thanh trong lòng biển. Có tiếng u u phớt mỏng mơ hồ, kéo dài, nghe xa, xa lắm. Nước biển cứ xanh đen, huyễn hoặc.
Biển ở đây độ sâu hơn 40 m. Huy lại ra hiệu cho tôi không xuống sâu thêm nữa. Ðể lặn xuống tới đó, tôi phải học và trải nghiệm thêm nhiều. Theo kỹ thuật lặn biển được hướng dẫn, tôi từ từ giảm dần độ sâu. Ngước nhìn lên mặt nước, đã thấy một vùng ánh sáng rực rỡ trong nắng.
Cùng đi lặn với chúng tôi có gia đình anh Marcel, người Nam Phi, đang sống và làm việc tại Việt Nam. Vợ chồng anh đều có chứng chỉ lặn biển do các hiệp hội lặn quốc tế cấp.
Marcel đang được đào tạo nâng cao tại Rumblefish Việt Nam, theo hướng trở thành một giáo viên PADI chuyên nghiệp. Anh đưa chúng tôi xem cuốn nhật trình có đóng dấu của các câu lạc bộ lặn những nước đã đi qua, và chia sẻ:
- Hòn Mun là một trong những điểm lặn đẹp mà tôi từng trải nghiệm. Ở đây, san hô rất đẹp và còn khá nguyên vẹn. Ðây là vốn quý, các bạn Việt Nam cần giữ gìn tốt hơn nữa!
Theo các đơn vị tổ chức tour lặn biển, đã có nhiều đôi uyên ương tổ chức đám cưới dưới đáy biển, trải nghiệm những giây phút thiêng liêng của đời người trong một trạng thái rất đặc biệt. Giữa những cánh rừng san hô bạt ngàn, giữa những đàn cá tung tăng, họ cùng trao nhẫn cưới, khui sâm-panh, và trao nhau những nụ hôn nồng nàn, lãng mạn.
Bất giác, tôi tự hỏi: Liệu con người có thể sống và làm việc trong lòng đại dương trong thời gian bao lâu? Và, chúng ta có thể mơ về những thành phố sinh động, lung linh dưới làn nước biển ngời xanh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.