“Đã có một thời tôi nghèo kiết, đến bữa ăn nhìn 3 đứa con nhỏ nhai cơm độn sắn, độn ngô mà miệng mình đắng ngắt. Là bộ đội phục viên có sức, có chí mà không vực nổi gia đình thì mong gì đóng góp cho xã hội. Sau nhiều đêm thức trắng, tôi đánh liều mang một nửa diện tích ruộng lúa của nhà đổi lấy quả đồi cằn chỉ mọc được sim, mua, bạch đàn...” - anh Huân kể.
|
Vườn thanh long ruột đỏ của anh Huân. |
Thanh long ruột đỏ phủ xanh đồi trọc
Sinh năm 1959, anh Nguyễn Công Huân, xã Vân Trục, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc trông già hơn nhiều so với cái tuổi ngũ tuần, bởi những tháng ngày trần lưng đào sỏi, chốc rễ cây dại trên đồi. Chỉ có hai bàn tay trắng, mọi chi phí để cải tạo đồi hoang đều phải đi vay. Từng mét đồi được cải tạo, anh hối hả trồng ớt, đỗ, lạc... nhưng đến vụ thu về chẳng đáng là bao.
Diện tích cấy lúa của nhà bị hụt, trước đã thiếu ăn, nay càng khó khăn. Vợ cắp nón, dắt con ra đồi dọa anh, nếu không bán đồi chuộc lại ruộng sẽ bắt cả mấy đứa con bỏ học. "Quả thực khi ấy tôi sợ. Sợ mình đã quá liều lĩnh để các con phải gánh hậu quả... Nhưng không lẽ bao tâm huyết, mồ hôi, công sức, tiền của mình đổ xuống đất này, chưa kịp thu đã phải bỏ" - anh Huân nhớ lại.
Đầu năm 2007, địa phương có chính sách ưu đãi cho những hộ cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả. Vay được tiền, anh nhớ mấy lần qua chợ thấy thanh long ruột đỏ bán đắt hàng nên bắt xe vào vựa thanh long Bình Thuận, học kinh nghiệm trồng.
Trở về, anh đào hố, đổ cọc xi măng trồng, thấp thỏm chờ ngày thanh long ra hoa, kết trái. Lứa quả đầu tiên thắng lợi ngoài sức tưởng tượng. Thanh long ruột đỏ dần nhân ra khắp quả đồi. Anh Huân bảo, thanh long ruột đỏ ngon, năng suất cao hơn hẳn thanh long ruột trắng. Khắp vùng này chưa ai trồng nên dễ có thị trường.
Sau 4 năm bám đồi, đến nay gần 3.000 trụ thanh long ruột đỏ của gia đình anh đã cho thu hoạch rộ. “Thanh long nhà tôi có mặt khắp nơi trong huyện và những thành phố lớn Vĩnh Yên, Hà Nội, Việt Trì… giá bán 35-40 nghìn đồng/kg quả loại 1” - chị Kim, vợ anh Huân cười phấn khởi.
Trở thành thủ lĩnh nông dân
“Tôi chưa khi nào nghĩ mình là cán bộ Hội ND cho đến cái ngày họp thôn năm 2009, tất cả bà con nhất loạt bầu tôi làm chi hội trưởng ND. Họ bảo, tôi biết làm ăn phải đứng ra đại diện để hỗ trợ xóm làng” - anh Huân kể về việc trở thành cán bộ của mình.
Bà con tín nhiệm anh cũng phải thôi, bởi khắp trong làng, ngoài xã giờ đây ai cũng biết gia đình anh là điển hình làm kinh tế trang trại giỏi. Bên cạnh thanh long ruột đỏ mỗi năm cho hàng trăm triệu đồng, vợ chồng anh còn trồng bí đỏ, đỗ tương, rau mỗi năm thu mấy chục triệu; nuôi 8 cặp bò nái ngoại và 20 nái lợn ngoại thu gần 100 triệu đồng/năm.
“Bà con bảo, tôi biết làm ăn phải đứng ra đại diện để hỗ trợ xóm làng".
Anh Nguyễn Công Huân
Từ ngày làm cán bộ Hội ND, anh Huân thực sự trở thành "người của xóm". Hễ cần giúp đỡ là bà con nghĩ đến anh đầu tiên. Không chỉ hướng dẫn kỹ thuật, anh còn cho các hộ khó khăn mượn giống bò, giống lợn nuôi với số tiền trị giá hàng chục triệu đồng, đến khi có sản phẩm bán mới trả anh tiền. Trong số này đã có 5 hộ thoát nghèo.
Hôm chúng tôi đến thăm trang trại thanh long ruột đỏ, anh Huân đang tiếp một đoàn khách từ Hà Nội lên. Anh khoe, các vị khách ấy hứa sẽ hỗ trợ anh xây dựng một trang web để bán thanh long. Chỉ khu vườn thanh long xanh ngút mắt, anh chia sẻ: "Điều tôi mong nhất người dân quê tôi sẽ giàu lên từ thanh long ruột đỏ"...
Song Vân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.