Chi phí sinh hoạt tăng mạnh, Thủ tướng Nhật Bản ra tay khẩn cấp

V.N (Theo Reuters, Bloomberg) Chủ nhật, ngày 14/05/2023 18:46 PM (GMT+7)
Ngày 15/5, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ ra lệnh để chính phủ và ngân hàng trung ương tiến hành đánh giá xem liệu các đợt tăng lương gần đây có bền vững hay không, tờ Nikkei đưa tin hôm nay 14/5.
Bình luận 0

Ông Kishida sẽ ban hành lệnh này tại một cuộc họp của hội đồng kinh tế của chính phủ vào 15/5 và sẽ xem xét để hội đồng tiến hành đánh giá thường xuyên về triển vọng tiền lương, Nikkei cho biết.

Đánh giá này tập trung vào việc liệu của cải có được phân phối để các hộ gia đình có thể vượt qua thời kỳ chi phí sinh hoạt gia tăng - từ giá thực phẩm tới xăng dầu, và làm sao giúp đạt được mục tiêu lạm phát 2% của Ngân hàng Nhật Bản một cách bền vững hay không, tờ báo cho biết.

Chi phí sinh hoạt tăng mạnh, Thủ tướng Nhật Bản ra tay khẩn cấp - Ảnh 1.

Thủ tướng Nhật Bản phát biểu tại cuộc mít tinh của Rengo tuần trước. Ảnh: AFP.

Theo Nikkei, việc đánh giá sẽ tìm cách làm rõ vai trò của chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản trong việc đạt được mức lạm phát 2% và cách họ nên phản ứng khi lạm phát tăng tốc.

Lạm phát tiêu dùng cơ bản của Nhật Bản là 3,1% trong tháng 3, cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương, do các công ty chuyển gánh nặng do chi phí nguyên vật liệu tăng cao cho các hộ gia đình.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Kazuo Ueda cho biết ngân hàng sẽ duy trì lãi suất cực thấp cho đến khi lạm phát do chi phí tăng gần đây chuyển thành tăng trưởng giá cả bền vững do nhu cầu trong nước mạnh mẽ và đi kèm với mức lương cao hơn.

Thu nhập tiền mặt thực tế hàng tháng của người lao động Nhật Bản đã giảm 2,9% so với một năm trước đó, là mức giảm tháng thứ 12 liên tiếp, theo báo cáo của Bộ Lao động nước này đưa ra tuần qua. Các nhà kinh tế đã dự báo mức giảm 2,4%.

Thu nhập tiền mặt danh nghĩa tăng 0,8% so với năm trước, thấp hơn kỳ vọng của các nhà phân tích và khác xa với mức 3% được các nhà hoạch định chính sách đánh dấu là cần thiết để hỗ trợ lạm phát.

Tiền lương thực tế giảm cũng cho thấy khả năng chi tiêu của cử tri giảm.

Các nhà kinh tế của Bloomberg cho biết họ kỳ vọng mức lương cơ bản sẽ tăng 2,8% cho năm 2023, tăng từ mức 2,2% của năm ngoái.

Các nhà kinh tế cho biết: “Mức tăng vẫn không đủ để thúc đẩy lạm phát 2% bền vững mà BoJ tìm kiếm”.

Hiện tại, BoJ tương đối lạc quan về việc tăng lương trong năm tài chính này. Trong báo cáo hàng quý gần đây nhất, ngân hàng cho biết kết quả của các cuộc đàm phán về tiền lương cho đến nay cho thấy lợi ích đáng kể ở cả doanh nghiệp nhỏ và lớn cũng như người lao động bán thời gian, trích dẫn số liệu từ liên đoàn lao động Nhật Bản Rengo.

Ông Kishida cũng đang tiếp tục theo dõi đà tăng lương. Có thông tin rằng ông Kishida đang cân nhắc khả năng tổ chức bầu cử sớm.

Trong cuộc mít tinh của Công đoàn Nhật Bản (Rengo) nhân ngày Quốc tế Lao động, Thủ tướng đã nhấn mạnh  rằng ông sẽ thúc đẩy tăng lương và muốn cải thiện thu nhập cho thế hệ trẻ. Việc ông tham dự mít tinh được cho là nỗ lực của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền nhằm tạo mối quan hệ thân thiện với Rengo, cơ sở hỗ trợ chính của Đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản và Đảng Dân chủ vì Nhân dân, hai đảng đối lập.

Trong những tuần gần đây, sự ủng hộ dành cho ông Kishida tăng lên đều đặn nhờ lập trường vững chắc của ông ủng hộ Ukraine và việc nối lại quan hệ hữu nghị với Hàn Quốc, cùng các yếu tố khác.

Song thời điểm của bất kỳ cuộc bỏ phiếu sớm nào có thể ảnh hưởng đến chính sách của Ngân hàng trung ương, vì ngân hàng có thể chịu áp lực không thực hiện bất kỳ thay đổi nào có thể gây ra tranh cãi trên thị trường trong thời gian vận động tranh cử.

Một báo cáo riêng cho thấy các hộ gia đình Nhật Bản đã cắt giảm chi tiêu trong tháng 3, giảm 0,8% so với một tháng trước đó, cho thấy tác động của lạm phát.

“Tiêu dùng cá nhân yếu là một lực cản khác đối với sự phục hồi kinh tế của đất nước,” Nikkei  cho biết.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem