Phương Tây lo ngại về "mối đe dọa lớn nhất" từ Nga sau vũ khí hạt nhân
Phương Tây lo ngại về "mối đe dọa lớn nhất" từ Nga sau vũ khí hạt nhân
V.N (Theo Newsweek)
Chủ nhật, ngày 14/05/2023 15:55 PM (GMT+7)
Phần lớn đầu tư vào lĩnh vực hàng hải của Nga là dành cho vào hạm đội tàu ngầm công nghệ cao của nước này - báo Mỹ Newsweek ngày 13/5 viết. Tàu ngầm Nga được coi là một lực lượng đáng gờm và Mỹ cùng với các đồng minh NATO dường như đã không lưu tâm đến cuộc chiến ngầm dưới biển.
“Nga đã đầu tư ồ ạt vào khả năng dưới nước của mình kể từ năm 2014, trước hết là tàu ngầm", cựu Thứ trưởng Quốc phòng kiêm Tham mưu trưởng Hải quân Ukraine, Đô đốc Ihor Kabanenko đã nghỉ hưu nói với Newsweek, chỉ ra một loạt tàu ngầm hạt nhân và tàu ngầm thông thường được Nga đưa vào hoạt động trong thập kỷ qua.
Vẫn còn nhiều câu hỏi về việc Nga duy trì hạm đội tàu ngầm tốt ở mức nào, nhưng rõ ràng phương Tây cảnh giác với khả năng của Nga, nhất là 11 tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) của nước này, với các tàu lớp Borei-A. Nga cũng có các tàu ngầm tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSGN), bao gồm cả tàu ngầm lớp Yasen, trong kho vũ khí dưới nước của mình.
Trong khi đó, khả năng chống tàu ngầm của NATO đã "suy giảm sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và sự chú ý đã đi lạc hướng khác" - Nick Childs, thành viên cấp cao về lực lượng hải quân và an ninh hàng hải tại Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) nói với Newsweek.
Việc Phần Lan gia nhập NATO và Thụy Điển sắp trở thành thành viên, đã khiến câu hỏi về tàu ngầm Nga trở thành tâm điểm. Việc các quốc gia Bắc Âu này vào NATO không chỉ mở rộng biên giới của Nga với NATO hàng trăm dặm, mà còn đe dọa an ninh của các căn cứ hàng hải quan trọng của nước này.
Thay đổi NATO, các mối đe dọa mới và 'Những con đường lạ'
Theo Mark Grove, giảng viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Hàng hải Đại học Lincoln thuộc Đại học Hải quân Hoàng gia Britannia Dartmouth, Anh, bán đảo Kola, nơi Nga đặt căn cứ Hạm đội Phương Bắc và phần lớn lực lượng răn đe hạt nhân, luôn là "khu vực quân sự quan trọng nhất đối với Liên Xô cũ, Liên bang Nga ngày nay".
Việc Phần Lan, và sắp tới là Thụy Điển, vào NATO kéo liên minh lại gần bán đảo Kola hơn. Theo Graeme P. Herd, thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Âu George C. Marshall, điều này có thể có nghĩa là các căn cứ tàu ngầm của Nga rơi vào tầm ngắm của "pháo binh tầm xa tiềm năng". Điều tương tự cũng xảy ra với Hạm đội Baltic của Nga đóng tại khu vực Kaliningrad của Nga giữa Litva và Ba Lan. Grove cho biết, sự mở rộng của NATO ở Bắc Âu cũng khiến hạm đội Baltic của Nga có vẻ cực kỳ dễ bị tổn thương.
Cuộc chiến Ukraine làm thay đổi tình hình hàng hải không chỉ ở Biển Đen, mà còn ở Biển Barents xung quanh bán đảo Kola, Bắc Đại Tây Dương và Biển Baltic. Và đây là "những thay đổi quan trọng và có tiềm năng lâu dài" - Kabanenko nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace lưu ý trong chuyến công du tới Washington D.C. vào giữa tháng 4 rằng, trong bối cảnh này, các tàu ngầm của Moscow đã di chuyển theo "các tuyến đường kỳ lạ", đi chệch khỏi quỹ đạo mà các quan chức quốc phòng phương Tây mong đợi. Ông cho biết, Vương quốc Anh đã theo dõi đường đi của các tàu ngầm Nga ở Bắc Đại Tây Dương, Biển Ireland và Biển Bắc là những tuyến mà họ thường không đi.
Michael Petersen, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hàng hải Nga tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, trước đây đã nói với Newsweek rằng các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Nga cũng đã được phát hiện "ở ngoài khơi Hoa Kỳ, vào Địa Trung Hải và những nơi khác dọc theo ngoại vi châu Âu".
Chiến tranh bất đối xứng và cáp ngầm
Nhưng tàu ngầm Nga không chỉ là một lực lượng răn đe hạt nhân chiến lược. Các chuyên gia cho rằng một cuộc chiến tranh tàu ngầm mới đang xuất hiện, kéo theo những lo ngại về an ninh hàng hải.
Người đứng đầu các lực lượng vũ trang của Vương quốc Anh, Sir Tony Radakin, đã gợi ý vào đầu năm rằng Nga có thể "gây rủi ro và có khả năng khai thác hệ thống thông tin thực sự của thế giới, đó là các dây cáp ngầm đi khắp thế giới". Phát biểu với tờ The Times of London vào tháng 1, ông cho biết đã có "sự gia tăng phi thường trong hoạt động dưới nước và tàu ngầm của Nga" và Nga đã "phát triển khả năng đe dọa các dây cáp ngầm dưới biển và có khả năng khai thác các dây cáp ngầm đó”.
Nhưng chiến thuật mới nổi này bắt nguồn từ những thay đổi trong tư duy quân sự của Nga vào đầu thế kỷ 21. "Mọi người đều hiểu rằng đơn giản là bạn không thể cạnh tranh về quy mô với phương Tây, và vì vậy người Nga đã phát triển ý tưởng về chiến tranh tổng hợp", được phát minh từ thời Liên Xô, chính trị gia người Anh và chuyên gia chiến lược quân sự Nga Bob Seely nói với Newsweek.
Seely cho biết thêm, Nga hướng tới chiến tranh phi đối xứng và phát triển các khả năng mới nhằm có thể hạ gục sự thống trị quân sự của phương Tây, điều này có thể có nghĩa là nhắm mục tiêu vào các đường cáp Internet và đường ống dẫn dầu.
Childs cho biết, chiến tranh dưới đáy biển là lĩnh vực mà Nga đã "đầu tư đáng kể", tập trung vào công nghệ như tàu ngầm nhiệm vụ đặc biệt. Đây cũng là một lĩnh vực mà "chính phủ các nước NATO đang nhận ra rằng họ cần đầu tư nhiều hơn vào việc chống lại các mối đe dọa như vậy".
Vào tháng 2, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã tuyên bố thành lập một Cơ quan điều phối cơ sở hạ tầng quan trọng dưới biển, được thúc đẩy bởi vụ nổ Nord Stream và "sự dễ bị tổn thương của các đường ống năng lượng dưới biển và cáp thông tin liên lạc."
"Đáp lại, các đồng minh NATO đã tăng cường đáng kể sự hiện diện quân sự xung quanh các cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm cả tàu và máy bay tuần tra", thông cáo báo chí của NATO cho biết.
"Rõ ràng là loại hoạt động bất đối xứng dưới nước này của Nga đang đóng một vai trò ngày càng nổi bật trong tầm nhìn chiến lược trên biển," Kabanenko nói.
Các chuyên gia cho rằng cuộc chiến dưới nước, với các tàu ngầm, việc sử dụng ngày càng nhiều công nghệ dưới nước không có người lái và chiến tranh phi đối xứng, hoàn toàn nên là mối quan tâm của NATO. Nhìn chung, lực lượng hải quân của NATO "mạnh hơn đáng kể so với lực lượng của Nga", nhưng chiến tranh chống tàu ngầm, dưới mọi hình thức, là một "công việc đầy thách thức", Childs nói.
Các chuyên gia phương Tây cho rằng, sau chiến tranh lạnh, các nước NATO đã tránh xa cuộc chiến ngầm dưới biển. Tuy nhiên, Moscow thì không.
Mặc dù Nga không thể sản xuất số lượng đáng kể các tàu ngầm tiên tiến vào thời điểm đó, nhưng họ đầu tư vào các thiết kế tàu ngầm mới. Nga có tương đối ít tàu ngầm, nhưng chúng là thứ được gọi là lực lượng câp số nhân - theo Grove, có nghĩa là hạm đội của Moscow có thể có "tác động chiến lược vượt trội so với số lượng ít ỏi".
Trong những năm gần đây, lực lượng hải quân của NATO đã dành rất nhiều thời gian và nỗ lực để phục hồi các kỹ năng và khả năng chiến tranh chống tàu ngầm của họ, bao gồm các sáng kiến như máy bay tuần tra hàng hải mới có khả năng theo dõi tàu ngầm tốt
Tuy nhiên, các chuyên gia lập luận rằng NATO có thể vẫn gặp khó khăn trong việc theo dõi dù chỉ một số lượng nhỏ tàu ngầm trong một thời gian dài.
Dmitry Gorenburg thuộc Trung tâm Phân tích Hải quân, một tổ chức tư vấn của Hoa Kỳ, nói với Newsweek rằng, ngoại trừ vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt, "mối đe dọa tàu ngầm Nga là mối đe dọa lớn nhất mà Nga gây ra cho NATO". Tuy nhiên ông cho rằng hiện nay phương Tây chắc chắn đã có một mức độ nhận thức thích hợp về mối đe dọa đó.
NATO đã đầu tư đáng kể vào khả năng tác chiến chống ngầm trong những năm gần đây. Mới tháng trước, NATO khởi động cuộc tập trận chống tàu ngầm quy mô lớn với sự tham gia của hàng chục quốc gia, nhằm đảm bảo các thủy thủ đoàn của họ có thể "đối phó với các mối đe dọa do các lực lượng dưới mặt đất gây ra".
Sau khởi đầu chậm chạp, một số chuyên gia cho rằng NATO hiện ngang bằng hoặc vượt xa năng lực tàu ngầm của Nga. Song việc Nga gửi tàu ngầm đến các đại dương trên thế giới vẫn là một thông điệp nhắc nhở phương tây về năng lực đáng kể này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.