Chi phí tăng cao kéo lùi lợi nhuận ngành nhựa, đây là "chìa khóa vàng" để lật ngược tình thế

Quang Dân Thứ năm, ngày 17/03/2022 08:43 AM (GMT+7)
Chi phí đầu vào tăng cao đã kéo lùi lợi nhuận nhiều doanh nghiệp trong năm 2021 đi xuống. Trong bối cảnh đó, nhiều công ty kinh doanh nhựa đã lựa chọn phương án tăng dự trữ hàng tồn kho để đảm bảo kế hoạch kinh doanh trong năm 2021.
Bình luận 0

Giá đầu vào tăng cao, kéo lùi lợi nhuận doanh nghiệp ngành nhựa

Theo dữ liệu của cổng thông tin tài chính toàn cầu Investing, tính từ tháng 12/2021 đến đầu tháng 3/2022, giá hạt nhựa PE đã tăng 10,4%. Tương tự, giá hạt nhựa PP tại ngày 8/3/2022 tăng hơn 10% so với thời điểm 6/12/2021.

Hạt nhựa được làm từ các chế phẩm dầu mỏ, điển hình như nhựa PP và PE. Chính vì vậy, biến động của giá dầu đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá hạt nhựa. Hạt nhựa chiếm khoảng 60 - 70% trong cơ cấu giá vốn của doanh nghiệp sản xuất nhựa, vì vậy, việc giá hạt nhựa tăng cao như hiện tại làm tăng mạnh chi phí đầu vào của các doanh nghiệp trong ngành.

Đây không phải là lần đầu tiên giá nguyên liệu ngành nhựa tăng cao, trước đó, năm 2021, giá hạt nhựa PVC đạt mức cao kỷ lục với 1.600 USD/tấn vào hồi giữa tháng 4. Sau đó, dù đã hạ nhiệt xuống 1.360 USD/tấn nhưng giá hạt nhựa PVC vẫn tăng 9% so với đầu năm và tăng 54% so với giá bình quân năm 2020.

Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), nguyên liệu sản xuất trong nước mới đáp ứng khoảng 15 - 25% nhu cầu của các doanh nghiệp nhựa cho các chủng nguyên liệu nhựa, còn 85% vẫn phải phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và khu vực ASEAN.

Đối với nguyên liệu nhựa PP dùng trong sản xuất nhựa công nghiệp và gia dụng, Việt Nam mới đáp ứng được 850.000 tấn/năm, kể cả khi chạy hết công suất các nhà máy. Trong khi đó, năm 2021, các doanh nghiệp phải tiêu thụ khoảng 2,045 triệu tấn nhựa PP.

Hệ quả của việc chi phí đầu vào tăng cao đã kéo lùi lợi nhuận nhiều doanh nghiệp trong năm 2021 đi xuống.

Chi phí tăng cao kéo lùi lợi nhuận ngành nhựa, đây là "chìa khóa vàng" để lật ngược tình thế - Ảnh 1.

Mặc dù doanh thu cao hơn cùng kỳ, song lợi nhuận đưa về các doanh nghiệp ngành nhựa đa số thấp hơn năm trước đó.

Theo báo cáo thường niên năm 2021 của CTCP Hanel Xốp nhựa (UPCoM: HNP), bất chấp doanh thu trong kỳ tăng 9,5% so với năm 2020, đạt 351,5 tỷ đồng, song lợi nhuận HNP thu về vẫn giảm 51%, đạt 6 tỷ đồng.

Nguyên nhân đến từ việc chi phí nguyên vật liệu năm 2021 tăng cao do giá nguyên liệu (hạt nhựa) tăng cao và liên tục trong năm; chi phí vận chuyển tăng do giá xăng dầu tăng.

Tương tự, giải trình cho kết quả kinh doanh quý IV/2021 của CTCP Nhựa Đồng Nai (HNX: DNP), lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, lợi nhuận sau thuế DNP quý IV/2021 tăng 7,9 tỷ đồng so với cùng kỳ, trong khi doanh thu thuần tăng 1 tỷ đồng. Tuy nhiên biên lợi nhuận giảm đến từ giá nguyên vật liệu tăng, chi phí logistic tăng..

"Át chủ bài" dự trữ hàng tồn kho

Mới đây nhất, tại buổi gặp gỡ giới phân tích chiều ngày 17/2, ông Nguyễn Hoàng Ngân, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Nhựa Bình Minh (HOSE: BMP) nhận định năm 2022, tình hình kinh doanh được kỳ vọng bớt khó khăn hơn do dịch Covid-19 có thể tác động không còn mạnh đến hoạt động sản xuất nữa.

Tuy nhiên, ông Ngân cũng cho rằng có một rủi ro đang tiềm tàng ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất đó là giá nguyên liệu nhiều khả năng tăng trở lại. Theo nhiều chuyên gia và tổ chức dự báo, giá nhựa sẽ tăng song khó có đợt biến động mạnh như năm 2021. Giá nguyên liệu nhựa đã tăng 1,6 lần trong năm 2021 và có nhiều thời điểm đạt mức giá cao chưa từng có.

Được biết, kết thúc năm 2021, doanh thu BMP chỉ đạt 4.553 tỷ đồng, giảm 3% so với 2020; lợi nhuận trước thuế 268 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 214 tỷ đồng, cùng giảm 59%. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất trong 13 năm của Nhựa Bình Minh.

Chi phí tăng cao kéo lùi lợi nhuận ngành nhựa, đây là "chìa khóa vàng" để lật ngược tình thế - Ảnh 2.

Sau nhiều năm, lần đầu tiên biên lợi nhuận sau thuế của NTp vượt BMP.

Đáng chú ý, bình luận về biên lợi nhuận của Bình Minh đã thấp hơn Nhựa Tiền Phong (HNX: NTP) trong năm 2021 sau nhiều năm cao hơn, ông Ngân cho rằng nguyên nhân một phần là doanh nghiệp bạn đã tranh thủ khá tốt thời điểm đầu năm để tích trữ giá nguyên liệu giá tốt.

Việc gia tăng dự trữ hàng tồn kho cũng đã đưa lại quả ngọt cho CTCP Tập đoàn Nhựa Đông Á (HOSE: DAG).

Theo Báo cáo tài chính riêng quý IV/2021 của DAG, mặc dù doanh thu trong quý giảm 37%, đạt 53,5 tỷ đồng so với cùng kỳ. Tuy nhiên nhờ tỷ lệ giảm của giá vốn hàng bán cao hơn tỷ lệ giảm doanh thu, nguyên nhân là công ty kiểm soát và tiên lượng trước được tình hình tăng giá nguyên vật liệu vào cuối năm và có dự trữ hàng tồn kho với giá ổn định. Kết quả, DAG báo lợi nhuận sau thuế lại 121% lên mức hơn 1 tỷ đồng.

Chi phí tăng cao kéo lùi lợi nhuận ngành nhựa, đây là "chìa khóa vàng" để lật ngược tình thế - Ảnh 3.

Biên lợi nhuận gộp thấp hơn khá nhiều so với 1 năm trước đó.

Trở lại với BMP, trong bối cảnh tình hình kinh tế có nhiều biến động, ông Nguyễn Hoàng Ngân, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Nhựa Bình Minh cho biết, trong năm 2022, BMP đề ra 2 giải pháp để hoàn thiện kế hoạch kinh doanh.

Đầu tiên là theo dõi sát giá nguyên liệu để có chiến lược tích trữ tồn kho tại thời điểm giá tốt. Lãnh đạo công ty tiết lộ trong đợt diễn biến giá ổn định cuối 2021 và đầu 2022, doanh nghiệp có tiến hành tích trữ nguyên liệu nhựa.

Biện pháp thứ 2 là chuyển giá cho người mua. Song, trong năm 2021, Nhựa Bình Minh đã tăng giá 4 lần, ban lãnh đạo sẽ cân nhắc kỹ để đảm bảo tính cạnh tranh cũng như lợi nhuận.





Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem