Như vậy, bình quân 4 tháng đầu năm 2012, CPI đã tăng 14,57% so với cùng kỳ năm 2011. Mặc dù tốc độ tăng CPI tháng 4 tiếp tục thấp nhất, nhưng chỉ có 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm so với tháng trước là hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,8% (trong đó nhóm lương thực giảm mạnh nhất 1,69%), nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,44% và nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,01%.
Còn lại các nhóm hàng khác đều tăng, trong đó, tăng mạnh nhất là giao thông với mức tăng 2,67%; nhóm giáo dục có mức tăng 1,63%, nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,53%, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,25%... Không nằm trong các nhóm hàng hóa tính chỉ số giá, chỉ số giá vàng giảm mạnh 2,62% và chỉ số giá USD cũng giảm 0,07% so với tháng 3.2012.
TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, với mức tăng CPI của tháng 4, năm nay lạm phát có thể khống chế được dưới 10%, nhưng phải cần cẩn trọng. Bởi, với việc giá xăng dầu tăng, ngân hàng hạ lãi suất và tới đây là tăng lương (từ 1.5), sẽ là những nhân tố thúc đẩy tăng giá.
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cũng cho hay, dù CPI giảm mạnh nhưng sức mua xã hội tháng 4 tiếp tục giảm sút, nhiều mặt hàng không tiêu thụ được, trong khi giá đầu vào tiếp tục tăng. "Nếu Chính phủ không có các điều hành chặt chẽ mà cho tăng giá điện ít nhất là 5% tới đây thì lạm phát vẫn khó lường.
Theo các chuyên gia, việc tăng giá xăng dầu vừa qua, cùng việc giảm tiếp lãi suất vẫn có thể gây bất lợi khiến lạm phát phức tạp trở lại, có thể vào tháng 5 - 6 tới.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói: "Tôi thấy việc điều hành giá cả hiện nay đang bị lùng bùng (cụ thể là trong điều hành giá điện, than, xăng dầu), chưa có tác dụng thúc đẩy cho thị trường lành mạnh, có lợi cho người tiêu dùng, tăng cạnh tranh cho doanh nghiệp và kéo lạm phát xuống.
Mai Nguyễn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.