Chỉ tiêu và mùa lũ

Thứ hai, ngày 10/10/2011 15:16 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mực nước ở vùng ĐBSCL đã ở mức cao nhất kể từ cơn lũ lịch sử năm 2000 đến nay. Sau nhiều năm chỉ đón lũ nhỏ, nhiều người miền Tây đã bất ngờ với mùa nước nổi hung hãn năm nay. Thiệt hại đã khá lớn, và với mùa nước nổi, dường như cái hại đã lấn át cái lợi… Vì đâu?
Bình luận 0

Bởi một điều lạ! Trước giờ, người miền Tây nào quen hai từ “vỡ đê”. Đó dường như là hai từ quen thuộc của người dân Bắc Bộ, nơi ít sông ngòi kênh rạch nên hàng năm những con sông hung dữ vào mùa lũ như sông Hồng… hay trào nước phá đê, tràn dâng thiệt hại mùa màng. Nhưng mùa nước năm nay, ở miền Tây, hai từ ấy cứ nhắc đi nhắc lại ra rả trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tất nhiên, không nhiều người, kể cả ngành nông nghiệp, muốn nhường đồng ruộng cho nước 5-6 tháng trời mùa lũ. Phí quá! Và khi một số vùng ở An Giang, Đồng Tháp... nông dân đã quen với cảnh ruộng đồng “khô ráo” trong cả mùa nước, thì hai từ “vỡ đê” đã xuất hiện. Kèm theo nó là hàng trăm, hàng nghìn ha lúa mất trắng, nhiều căn nhà ngập tới mái.

Ở ĐBSCL, tính đến đầu tuần này đã có gần 5.000ha lúa mất trắng, 1.141ha nuôi thủy sản bị ngập, hơn 20.400 căn nhà bị ngập. Thống kê sơ bộ, mức thiệt hại đã hàng trăm tỷ đồng... Và đến giờ này, đã có 11 người thiệt mạng vì dòng nước hung hãn. Thảm cảnh như một lời cảnh báo, rằng mùa nước nổi vẫn hiển hiện và đừng ai quên nó, đừng ai muốn can thiệp quá sâu vào nó...

Mấy tháng trước, theo Bộ NNPTNT, để năm nay cả nước tăng sản lượng 1 triệu tấn lúa, vai trò lúa thu đông (vụ 3) ở ĐBSCL là rất lớn. Với những “động viên” như vậy (Chính phủ cũng đồng ý hỗ trợ để ĐBSCL tăng diện tích lúa vụ 3), kèm theo là giá lúa ở mức cao, nông dân hăm hở xuống giống lúa vụ 3. Và toàn vùng đã có hơn 570.000ha lúa “mùa nước nổi”. Dù rằng, đã có những cảnh báo từ các chuyên gia, rằng năm nay sẽ có lũ lớn và sớm.

Nếu chẳng có lúa vụ 3, vỡ đê chẳng phá được lúa. Nhưng không có lúa vụ 3, sẽ không dôi ra nhiều lúa, gạo cho xuất khẩu, nông dân ít lợi nhuận. Nhiều nông dân cũng đau đầu với mâu thuẫn khó giải đáp ấy trong đầu. Để rồi kết cục, hai từ “vỡ đê” như một lời giải đáp quá buồn cho nhiều nông dân. Cứ mỗi hécta lúa thiệt hại như vậy, nông dân mất ít ra từ 15-20 triệu đồng đầu tư.

Cứ xây nhà cao tầng trên nền móng quá yếu, hậu quả ai cũng rõ. Cứ ào ạt gia tăng diện tích lúa “mùa lũ”, thậm chí vì… chỉ tiêu, khi nhiều tuyến đê đã cũ kỹ, yếu ớt, hoặc xây vội để “khánh thành”, kết cục giờ cũng biết. Cũng có thể đổ rằng, do mực nước năm nay quá lớn, cao hơn dự báo, nên mới xảy ra thảm cảnh. Nhưng nước cao, cũng chưa hẳn tại… nước.

Đã có một số chuyên gia, cho rằng không nên đổ cho đê bao khép kín ngăn nước, khiến nước tràn vào những chỗ khác, khiến mực nước trên sông Hậu, sông Tiền gia tăng và gây lũ lớn. Theo họ, chưa đến 600.000ha lúa vụ 3 được đê bao khép kín, chẳng là gì so với diện tích vùng ngập lũ. Nhưng thử tính, cả vùng ĐBSCL có diện tích đất tự nhiên chưa đến 4 triệu ha. Trong khi với khoảng 600.000ha lúa vụ 3 được đê bao khép kín, đã chiếm gần 1/6 diện tích cả vùng!

Và nếu chỉ cần để nước tràn đồng, ngập sâu ít chừng 2 mét, thì 600.000ha ấy (1ha = 10.000m2) đã “chứa” giúp vùng miền Tây này 12 tỷ m3 nước, một con số không nhỏ. Tất nhiên, ngăn 12 tỷ m3 nước ấy tràn vào lúa bằng đê bao, chúng sẽ tràn vào những nơi khác, thậm chí phá vào chính đê bao. Dòng nước trở nên hung dữ, khi dòng chảy bị thu hẹp.

Tất nhiên, đó chỉ là cách tính. Bởi chẳng thể xả lũ vào tất cả những vùng đê bao khép kín, khi nhu cầu lương thực vẫn bức bách, giá lúa vẫn cao. Quan trọng ở đây, đòi hỏi sự tính toán hợp lẽ, “liệu cơm gắp mắm” của con người.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem