Chỉ từ một loại cây, doanh nghiệp ở Lâm Đồng tạo ra 100 sản phẩm rất tốt cho sức khỏe

Văn Long Chủ nhật, ngày 29/10/2023 19:31 PM (GMT+7)
Dược liệu là một trong những loại cây trồng thế mạnh của ngành Lâm Đồng. Phát huy thế mạnh này, thời gian qua, chính quyền địa phương cũng như người dân, doanh nghiệp địa phương đã chủ động đẩy mạnh quảng bá, bán sản phẩm dược liệu trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội.
Bình luận 0

Tiềm năng về dược liệu

Trong tự nhiên, tỉnh Lâm Đồng có có 283 họ với gần 2.300 loài dược liệu được phân bố ở nhiều địa phương của tỉnh. Trong đó có 55 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam như: Đẳng sâm, hà thủ ô đỏ, 7 lá 1 hoa, Hoàng Liên ô rô, sâm Ngọc Linh...

Thực tế sản xuất những năm qua đã khẳng định cây dược liệu là một trong những cây trồng thế mạnh, tiềm năng của ngành nông nghiệp Lâm Đồng. Từ 150ha năm 2015, diện tích dược liệu của tỉnh đã tăng lên 438ha vào năm 2021, nhiều sản phẩm đã tạo được giá trị thương hiệu cao, có chỗ đứng vững trên thị trường trong nước và quốc tế như đông trùng hạ thảo, linh chi, atiso... 

Để tiếp tục nâng tầm và phát triển các sản phẩm dược liệu của địa phương, cuối năm 2022, tỉnh Lâm Đồng đã có đề án phát triển sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ dược liệu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025. Trong đó, tỉnh đặt mục tiêu phát triển ngành dược liệu bền vững, giá trị cao, tương xứng với tiềm năng, đóng góp 2-3% trong giá trị sản xuất ngành trồng trọt.

Đưa dược liệu Lâm Đồng lên sàn, đảm bảo truy xuất nguồn gốc - Ảnh 1.

Sản phẩm đông trùng hạ thảo của Công ty TNHH Thiên Hương Phát Đà Lạt có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Ảnh: V.L

Theo đề án được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt, giai đoạn 2022-2025, địa phương sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất dược liệu xây dựng, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, hỗ trợ các sản phẩm dược liệu tham giá các kênh thương mại điện tử, lựa chọn doanh nghiệp, HTX để hỗ trợ xây dựng thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, xuất khẩu gắn với phát triển thương hiệu.

Theo Sở NNPTNT Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có 59 cơ sở thu mua, chế biến dược liệu với sản lượng hàng năm khoảng 7.105 tấn nguyên liệu/9.742,6 tấn tổng sản lượng (chiếm 73%). 

Tuy nhiên, qua khảo sát, sản lượng trên chỉ chiếm 50-60% công suất của các đơn vị chế biến.

Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết, toàn tỉnh có 5 công ty, 3 hợp tác xã và tổ hợp tác liên kết sản xuất, thu mua, sơ chế, chế biến dược liệu với tổng diện tích 164,9ha/331,9ha toàn tỉnh. Trong đó, 3 loại dược liệu chính là atiso (112,6ha), đương quy (34ha), diệp hạ châu (18,3ha). 

Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các hộ sản xuất dược liệu với quy mô nhỏ lẻ, rời rạc, chưa có chứng nhận đảm bảo chất lượng sản phẩm, chưa gắn kết được với các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh để tạo thành một chuỗi liên kết giá trị, sản xuất dược liệu theo hướng tự phát không theo kế hoạch.

Xây dựng thương hiệu dược liệu Lâm Đồng

Đưa dược liệu Lâm Đồng lên sàn, đảm bảo truy xuất nguồn gốc - Ảnh 3.

Công ty Ladophar đã sản xuất gần 100 sản phẩm từ cây atiso. Ảnh: V.L

Anh Nguyễn Xuân Quang (phường 8, TP.Đà Lạt) cho biết, Công ty TNHH Thiên Hương Phát Đà Lạt của anh đang sản xuất nấm đông trùng hạ thảo với nhiều dòng sản phẩm như đông trùng hạ thảo sấy khô, tươi, nuôi trên giá thể nhộng tằm... Qua phân tích, các sản phẩm đông trùng hạ thảo của anh Quang đạt từ 60-70% hoạt chất dược liệu so với đông trùng hạ thảo ngoài tự nhiên.

"Hiện nay, chúng tôi bán hàng thông qua các đại lý trên toàn quốc. Vì là sản phẩm đã được chứng nhận Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam nên việc truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng sản phẩm khi bán ra đều được kiểm soát. Ngoài ra, chúng tôi còn đưa sản phẩm lên trang web của công ty, bán hàng qua kênh TikTok, Facebook để đa dạng hóa khách hàng. Trong thời đại công nghệ số, mạng xã hội phát triển mạnh như hiện nay thì đây là kênh bán hàng khá hiệu quả. Thời gian tới chúng tôi sẽ đẩy mạnh đầu tư để bán qua các sàn thương mại điện tử" - anh Quang cho biết.

Trong khi đó, bà Huỳnh Lê Thục Cơ - Giám đốc khối sản xuất Công ty cổ phần Dược Lâm Đồng (Ladophar) cho hay, đến nay, công ty này đã bào chế, sản xuất ra gần 100 sản phẩm từ cây atiso phù hợp nhiều nhóm đối tượng. Ngoài ra, công ty còn có 2 sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia là trà atiso Diệp Nguyên Hương và cao ống atiso.

Đặc biệt, sản phẩm trà atiso Diệp Nguyên Hương được sản xuất từ lá cây tươi mới chỉ có Ladophar làm chủ công nghệ và được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ về giải pháp hữu ích. Hiện nay, việc xuất khẩu các sản phẩm của công ty chỉ mới ở mức độ thăm dò thị trường, tuy nhiên cũng mở ra hướng đi tích cực cho ngành dược liệu của công ty. Chính vì vậy, thời gian tới, Công ty Ladophar sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế để mở rộng thị trường.

Ông Nguyễn Văn Châu - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Lâm Đồng cho hay, tỉnh sẽ xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến sâu và tiêu thụ dược liệu nhằm mở rộng diện tích dược liệu, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, cần sự kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh dược liệu với các hộ sản xuất. Từ đó, kiểm soát được tất cả các nguồn nguyên liệu đầu vào trong chế biến, góp phần phân chia lợi ích hài hòa giữa các bên liên quan, đảm bảo tính bền vững và ổn định lâu dài thông qua các hợp đồng kinh tế và nâng cao hiệu quả kinh tế... 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem