Hơn 2.400ha loại cây tiền tỷ mắc thứ bệnh khó chữa, nông dân một huyện của tỉnh Lâm Đồng đau đầu

Văn Long Thứ năm, ngày 19/10/2023 15:50 PM (GMT+7)
Do lượng mưa lớn liên tục, kéo dài trong nhiều ngày đã dẫn đến hơn 2.465ha sầu riêng của huyện Đạ Huoai (tỉnh Lâm Đồng) bị bệnh xì mủ, vàng lá thối rễ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, chất lượng sầu riêng và thu nhập trong vụ mùa năm sau.
Bình luận 0

Ngày 19/10, ông Lưu Hồng Long – Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai cho biết, tình trạng sầu riêng bị bệnh xì mủ, vàng lá thối rễ tại địa phương đang phát triển, gây hại mạnh, dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng sầu riêng và thu nhập của người dân trong vụ mùa năm sau.

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đạ Huoai, tổng diện tích sầu riêng bị nhiễm bệnh xì mủ, vàng lá thối rễ là 2.465,77ha (chiếm 41,98% diện tích sầu riêng của huyện). Trong số diện tích này, sầu riêng bị nhiễm mức nhẹ là hơn 967ha, diện tích nhiễm mức trung bình hơn 912ha, diện tích nhiễm nặng hơn 586ha.

Thủ phủ sầu riêng của Lâm Đồng có hơn 2.400ha bị bệnh xì mủ, vàng lá thối rễ - Ảnh 1.

Bệnh xì mủ, vàng lá thối rễ xuất hiện trên cây sầu riêng do lượng mưa quá nhiều cộng với việc người dân lạm dụng phân bón hóa học, chất kích thích tăng trưởng.

Nguyên nhân ban đầu của tình trạng xì mủ, vàng lá thối rễ ở cây sầu riêng được ngành nông nghiệp huyện Đạ Huoai xác định là do trong năm 2023, thời tiết diễn biến phức tạp, lượng mưa lớn, kéo dài trong nhiều ngày làm cho đất bí chặt, bộ rễ cây bị suy yếu tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh tấn công dẫn đến bệnh xì mủ, vàng lá thối rễ phát triển, gây hại mạnh.

Hơn nữa, hiện nay phần lớn người dân trồng sầu riêng chưa chú trọng sử dụng phân hữu cơ, lạm dụng nhiều phân bón hóa học, sử dụng chất kích thích tăng trưởng quá mức làm giảm sức đề kháng của cây, nhiều hộ phòng trừ bệnh chưa đúng kỹ thuật… là những điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh phát sinh, phát triển, gây hại mạnh.

Thủ phủ sầu riêng của Lâm Đồng có hơn 2.400ha bị bệnh xì mủ, vàng lá thối rễ - Ảnh 2.

Bệnh xì mủ, vàng lá thối rễ khiến cây sầu riêng bị mục đọt cành, thối rễ, sâu đục thân phát triển mạnh.

Được biết, bệnh xì mủ, vàng lá thối rễ trên cây sầu riêng do nấm Phytophthora spp gây ra. Cây sầu riêng bị xì mủ, vàng lá thối rễ sẽ gây ra tình trạng xì mủ, chết cành, mọt đục cành, thối rễ, cây còi cọc, vàng lá... ảnh hưởng đến khả năng ra hoa, đậu quả của cây sầu riêng.

Cũng theo ngành nông nghiệp huyện Đạ Huoai, nếu cây sầu riêng bị xì mủ, vàng lá thối rễ cần 3 bước xử lý theo khuyến cáo. 

Cụ thể, xử lý lần 1: Khi phát hiện vết bệnh chảy nhựa xuất hiện (mới xuất hiện) dùng dao sắc cạo khoét sâu loại bỏ hết phần vỏ, mô cây bị nhiễm bệnh thối hóa nâu, rồi sử dụng hỗn hợp (10 - 20 gam Aliette 800WG + 20 - 30 gam Ridomil Gold 68 WP)/1 lít nước để quét lên vết bệnh. 

Đồng thời pha hỗn hợp 2 loại thuốc gồm (10 - 20 gam Aliette 800WG + 20 - 30 gam Ridomil Gold 68 WP)/10 lít nước để phun phủ toàn bộ tán lá và tưới gốc sầu riêng (tùy hình chiếu tán sầu riêng lớn hay nhỏ, tưới 20-30 lít dung dịch/gốc).

Thủ phủ sầu riêng của Lâm Đồng có hơn 2.400ha bị bệnh xì mủ, vàng lá thối rễ - Ảnh 3.

Người dân tại Lâm Đồng chăm sóc sầu riêng theo hướng hữu cơ, sinh học sẽ giúp cây hạn chế được bệnh xì mủ, vàng lá thối rễ.

Xử lý lần 2: Sau khi xử lý lần 1 từ 7-10 ngày, dùng thuốc (Agri - fos 400 + Ridomil 68WP gold) hoặc (Agri - fos 400 + Metalaxyl) phun và tưới gốc trừ nấm bệnh. Cuối cùng, sau lần xử lý thuốc lần 2 từ 5-7 ngày, kết hợp phun tưới gốc chất tạo rễ (Roots 2) + Rhizomyx hoặc các chất giàu lân và B1…, định kỳ 7-15 ngày/lần trong thời gian cây còn bệnh đến khi thấy cây có biểu hiện phục hồi.

Hiện nay, huyện Đạ Huoai là địa phương có diện tích sầu riêng lớn nhất tỉnh Lâm Đồng. Trong đó, địa phương này cũng có 7 mã vùng trồng sầu riêng với 325ha được cấp chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sản phẩm sầu riêng sang Trung Quốc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem