Chị Tuyết hai giỏi

Thứ bảy, ngày 08/03/2014 13:22 PM (GMT+7)
Đến nay, chị Tuyết đã có 200 đầu máy may, giải quyết việc làm cho 40-50 lao động với mức lương từ 3-4 triệu đồng/tháng.
Bình luận 0
Tiếp xúc với chị Lê Thị Ánh Tuyết, nhiều người khó có thể hình dung người phụ nữ sinh năm 1975, duyên dáng, nói năng nhỏ nhẹ này là bà chủ một doanh nghiệp ăn nên làm ra: Công ty cổ phần May An Phát, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội ND phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội.

Ngày còn là sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân, chị Tuyết thường xuyên tham gia các hoạt động tình nguyện. Chính từ các phong trào đó, chị thấy nhu cầu đồng phục rất lớn. Có chút “vốn nghề” của làng dệt truyền thống La Khê, chị bàn với gia đình mua máy may và nhận may gia công đồng phục.

Mở doanh nghiệp


Bước khởi đầu thuận lợi đã giúp chị định hướng con đường lập nghiệp của mình. Tốt nghiệp đại học, chị quyết định không đi xin việc mà ở nhà mở xưởng may. Từ một xưởng nhỏ với 10 máy may, năm 2008 chị thành lập Công ty cổ phần May An Phát với số vốn điều lệ gần 2 tỷ đồng. Mặt hàng chính của công ty là may đồng phục cho các công ty, trường học, khách sạn và quần áo thời trang. “Ban đầu, tôi phải đi gõ cửa từng trường học, nhà hàng, khách sạn mời đặt hàng. Quần áo của công ty tôi mẫu mã đẹp lại bán rẻ hơn thị trường nên đơn hàng nhận được ngày càng nhiều”- chị Tuyết nhớ lại.

Chị Tuyết (đứng) hướng dẫn công nhân may.
Chị Tuyết (đứng) hướng dẫn công nhân may.

Ban đầu, chị đầu tư 40-50 đầu máy may, sản xuất hàng với số lượng ít. Khi có thị trường ổn định, chị mua thêm máy và thuê thêm công nhân. Đến nay, chị đã có 200 đầu máy may, giải quyết việc làm cho 40-50 lao động với mức lương từ 3-4 triệu đồng/tháng. Các sản phẩm của công ty không chỉ bán trong nước mà còn xuất khẩu sang Hàn Quốc, Mexico, Mỹ... Doanh thu của công ty mỗi năm 6 tỷ đồng.

Dạy nghề, tạo việc làm cho hội viên

Với uy tín của Công ty cổ phần May An Phát, doanh nghiệp của chị Tuyết được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố chọn là địa chỉ liên kết dạy nghề cho hội viên ND trong phường và nhiều đối tượng khác như người tàn tật, gia đình chính sách, gia đình nghèo các huyện Mỹ Đức, Thanh Oai... Trung bình mỗi năm công ty chị mở 3 lớp dạy nghề cho hơn 100 học viên. Kết thúc khóa học, một phần lao động được chị nhận vào làm việc tại công ty, một phần mở xưởng may riêng, số còn lại chị giới thiệu đến làm việc tại các công ty đối tác làm ăn của chị.

"Được chị Tuyết dạy nghề, lại nhận vào làm tại công ty, công việc ổn định với lương 3,5 triệu đồng/tháng, tôi rất yên tâm”.
Chị Trần Thu Hà, hội viên ND phường La Khê

Nhiệt tình, tâm huyết với ND, nhiệm kỳ 2012-2017, hội viên, ND phường La Khê tín nhiệm bầu chị giữ chức Phó Chủ tịch Hội ND phường. “Để hoàn thành tốt nhiệm vụ hội viên giao phó, tôi phải sắp xếp công việc ở công ty sao cho hợp lý, dành thời gian cho công việc của Hội” - chị Tuyết tâm sự.

Với trách nhiệm của mình, chị cùng với BCH Hội ND phường hướng dẫn, hỗ trợ hội viên ND phát triển kinh tế phù hợp với đô thị, như kinh doanh, làm dịch vụ... Hằng năm, chị cùng với Hội Phụ nữ phường mở lớp dạy nấu ăn, trang điểm hay tạo việc làm cho hội viên, con em hội viên ND tại chính công ty của mình...

Hội viên ND phường La Khê còn biết đến chị Tuyết với vai trò là người có sáng kiến thành lập CLB văn nghệ của hội, để hội viên giao lưu, giải trí sau những giờ lao động vất vả. Mỗi tháng CLB sinh hoạt 2 lần, những dịp lễ tết, bà con trong phường lại được xem các tiết mục văn nghệ của CLB.

Bà Đỗ Thị Năm - Chủ tịch Hội ND quận Hà Đông nhận xét: “Những việc làm của chị Tuyết đã góp phần xây dựng tổ chức Hội ND phường La Khê vững mạnh”.
Lan Dương (Lan Dương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem