Chỉ với một cú nhấp, người dân thủ đô yên tâm mua thực phẩm sạch

Lê San Thứ hai, ngày 18/09/2017 18:40 PM (GMT+7)
Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong trong công tác xây dựng hệ thống minh bạch thông tin điện tử để truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa nông sản giúp người tiêu dùng có thể nhận diện nguồn gốc và an tâm khi sử dụng sản phẩm.
Bình luận 0

Minh bạch thông tin

Vào trung tâm tư vấn, giới thiệu và bán nông sản thực phẩm an toàn tại địa chỉ số 35 Tạ Quang Bửu, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), người tiêu dùng Thủ đô đã khá quen thuộc với hình ảnh một khách hàng đang dùng điện thoại thông minh để quét mã vạch truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Chị Hoàng Thanh Trang, ngụ quận Hai Bà Trưng, một khách hàng thường xuyên cho hay: Từ ngày biết đến trung tâm bán nông sản an toàn và hầu hết các sản phẩm ở đây đều được dán tem truy xuất, tôi rất yên tâm để mua sắm thực phẩm”.

Với dân số đông, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sạch lớn, Hà Nội đang là địa phương tiên phong quyết liệt trong việc triển khai hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử cho các mặt hàng nông sản. Trước đó, tháng 8.2016, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội đã triển khai thí điểm hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử cho 5 DN phân phối và 6 cơ sở sản xuất, DN tham gia với hơn 500 dòng sản phẩm được dán tem nhận diện nguồn gốc qua QR code. Trong đó có 350 dòng sản phẩm của các DN đóng gói và phân phối, 205 dòng sản phẩm của cơ sở, DN sản xuất và chế biến. Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 75 điểm bán nông sản thực phẩm có dán tem QR code nhận diện nguồn gốc điện tử.

img

 Chỉ với một cú nhấp, người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc của nông sản (ảnh minh họa). L.S

Ông Nguyễn Văn Chí – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến nông nghiệp thương mại Hà Nội cho biết: Mỗi DN tham gia thí điểm sẽ có một tài khoản để cập nhật và quản lý danh sách các sản phẩm đang kinh doanh, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cũng như các cơ sở phân phối đang hợp tác. DN có thể tự tạo và in tem QR code để dán lên sản phẩm nhưng quyền phê duyệt DN tham gia và sản phẩm đăng ký trong hệ thống sẽ thuộc về cơ quan quản lý. Theo đó, người dùng có thể truy xuất được nguồn gốc của thực phẩm đang được bán tại các nhà phân phối thông qua ứng dụng quét mã QR code cài đặt trên điện thoại. Người dùng chỉ cần mở ứng dụng trên điện thoại có kết nối Internet, lúc này camera sẽ quét mã vạch in trên bao bì thực phẩm. Chỉ sau vài giây, tất cả thông tin về sản phẩm, gồm nơi sản xuất, phân phối, ngày sản xuất, ngày hết hạn… đều được hiển thị đầy đủ.

Tăng cường truy xuất nguồn gốc

Hiện nhiều người tiêu dùng chưa có thói quen sử dụng điện thoại thông minh để truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm. Rất nhiều người tiêu dùng có sử dụng điện thoại thông minh, nhưng lại không kết nối mạng. Hoặc có kết nối mạng nhưng lại không biết cách truy xuất nguồn gốc thực phẩm bằng điện thoại. Để mô hình này đi sâu vào cuộc sống, công tác tuyên truyền cho doanh nghiệp và người tiêu dùng đặc biệt quan trọng”. 
Ông Nguyễn Huy Đăng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội
 

Dù thời gian triển khai bộ mã QRcode nhằm truy xuất nguồn gốc bằng điện thoại thông minh chưa lâu nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả đang khích lệ. Để giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm, nông sản bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng Thủ đô, Sở NNPTNT Hà Nội đã tích cực phối hợp với 20 tỉnh, thành phố. Ông Nguyễn Huy Đăng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho hay: “Mới đây, Sở đã làm việc với Sở NNPTNT Lào Cai để cùng liên kết, xây dựng chuỗi cung ứng các thực phẩm đặc sản của Lào Cai như gạo Séng Cù, rượu Sán Lùng, cá nước lạnh, rau bản địa, rau trái vụ, cây dược liệu, hoa cao cấp, lợn đen, thịt trâu… Dần dần người dân Thủ đô sẽ tiến tới được sử dụng nhiều hơn nữa các sản phẩm an toàn, có truy xuất được nguồn gốc”.

Theo ông Nguyễn Huy Đăng, để nhân rộng mô hình truy xuất nguồn gốc trên diện rộng vẫn còn không ít khó khăn, trở ngại. Hiện, nhiều người tiêu dùng chưa có thói quen sử dụng điện thoại thông minh để truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm. Rất nhiều người tiêu dùng có sử dụng điện thoại thông minh, nhưng lại không kết nối mạng. Hoặc có kết nối mạng nhưng lại không biết cách truy xuất nguồn gốc thực phẩm bằng điện thoại.

Trong khi đó, tại một số siêu thị hay cửa hàng tiện ích, hầu như không có một bảng hướng dẫn nào, hướng dẫn người tiêu dùng ứng dụng công nghệ thông tin để truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Vì thế, nhiều người tiêu dùng đành phải mua sắm theo thói quen truyền thống là kiểm tra bằng mắt, kinh nghiệm và đặt niềm tin vào siêu thị, vào thương hiệu mà mình lựa chọn.

Tem và phần mềm chưa thực sự nhạy; giá thành tem in riêng cao gây khó cho doanh nghiệp.  Bởi vậy, muốn nhân rộng hệ thống này cần có các điểm tư vấn cho khách hàng. Sở NNPTNT và các cơ quan có liên quan tiếp tục duy trì, xây dựng và phát triển bộ mã QRcode để thực hiện minh bạch thông tin điện tử, nhất là sản phẩm nông sản an toàn của các tỉnh đưa về tiêu thụ tại Hà Nội. /.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem