Mỗi địa phương có một cách chia vùng khác nhau, như Long An chia ba mức học phí: Vùng thành thị, vùng nông thôn bình thường, vùng khó khăn. Ngay cách chia vùng này đã không ổn: Ai cũng biết, ngay trong vùng thành thị cũng còn rất nhiều hộ nghèo, thậm chí dưới mức nghèo. Nếu những hộ nghèo này cũng được “hưởng” mức chia đóng học phí cao nhất, thì con cái của họ chỉ còn cách… bỏ học. Lại như vùng “nông thôn bình thường”-ngay cái tên đã thấy không ổn.
Nông thôn “bình thường” là thế nào ? Trong vùng “nông thôn bình thường” ấy, tỉ lệ hộ nghèo là bao nhiêu, cận nghèo là bao nhiêu? Nếu chia vùng để tăng học phí với các mức khác nhau nhằm giảm gánh nặng cho nhà nghèo, thì nên xác định đây là “vùng thu nhập” chứ không phải “vùng địa lý”. Mà “vùng thu nhập” thì xen kẽ lẫn nhau trong các vùng địa lý. Dĩ nhiên, “vùng sâu vùng xa” hay “miền núi” thì tỉ lệ hộ nghèo là cao, thậm chí rất cao, nhưng những vùng địa lý khác cũng còn nhiều hộ nghèo.
Vì thế, lẽ ra, nên chia mức thu học phí theo “vùng thu nhập”, như những gia đình có thu nhập từ bao nhiêu tiền/tháng trở lên thì được gọi là “vùng thu nhập cao”, “vùng” này phải đóng học phí ở mức cao nhất. Cứ thế, các “vùng thu nhập” khác nhau từ cao xuống thấp sẽ chịu đóng các mức học phí từ cao xuống thấp.
Làm sao để xếp loại các “vùng thu nhập” ? Chắc chắn phải dựa vào các kết quả điều tra về tình hình thu nhập, về tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo, về những hộ được hỗ trợ bảo hiểm y tế, được cấp chứng nhận hộ nghèo. Những “vùng thu nhập” từ trung bình lên khá lên cao cũng phải dựa vào những điều tra khoa học, chứ không thể cứ phân theo “vùng địa lý” cho nhanh cho tiện, vì làm như thế, sự công bằng như mục đích ban đầu sẽ bị phá vỡ.
Cũng nên nói thêm, giao cho các địa phương tự cân đối mức thu học phí là nhằm phân biệt những địa phương có mức thu nhập khác nhau từ người dân. Những địa phương mà tỉ lệ dân nghèo còn đông thì không thể thu học phí ở mức cao được. Nhưng như thế, thì Sở GD-ĐT và nhà trường sẽ khó khăn trong kinh phí. Nếu sở và trường tiếp tục “lạm thu” các khoản ngoài học phí, thì coi như chủ trương chia vùng để thu học phí lại phá sản!
Vì thế, khi đưa ra một chủ trương, điều cần thiết là phải có giải pháp thực hiện hợp lý nhất, chứ không thể cứ “cho chủ trương” rồi để mặc cho các địa phương tự thực hiện.
Thanh Thảo
Vui lòng nhập nội dung bình luận.