Đằng sau một chiếc lồng đèn có giá lên đến tiền triệu là một quá trình dày công nghiên cứu, tìm tòi và sự tâm huyết thực hiện của những người muốn duy trì, lan tỏa nét đẹp của Trung thu truyền thống.
Mất gần cả ngày mới vẽ xong lồng đèn cổ
Xưởng lồng đèn của chị Nguyễn Thị Kim Thủy (31 tuổi) là một căn nhà nhỏ nằm trên đường Trường Sa, quận 3. Những ngày cận Tết Trung thu, chị và các cộng sự vẫn miệt mài để làm lồng đèn giao cho khách.
Những chiếc lồng đèn khổng lồ hình cá chép và cua được chị Thủy lấy cảm hứng từ tư liệu lồng đèn truyền thống Lý Ngư Hóa Long (cá chép hóa rồng) và Cự Giải. Lồng đèn có kích thước dài gần 1 mét. So với những chiếc lồng đèn nhựa hiện đại hay những chiếc đèn lồng bằng vải có nguồn gốc từ Hàn Quốc, Nhật Bản, lồng đèn làm từ giấy kiếng sở hữu một vẻ đẹp lung linh rất riêng.
Khách hàng chủ yếu của chị Thủy là những gia đình muốn lưu giữ truyền thống văn hóa, những quán cà phê muốn tô điểm cho mùa trung thu hay những nhà thiết kế, họa sĩ muốn sử dụng những chất liệu truyền thống để sáng tác.
Xuất thân từ Đại học Kiến trúc TP.HCM, chị Thủy cùng chồng mình đã có kiến thức nền tảng kiến thức về mỹ thuật, màu sắc và hình khối. Sau khi nhìn thấy lồng đèn của những nghệ nhân xưa, chị Thủy bắt đầu nhen nhóm ý định phỏng dựng những chiếc lồng đèn truyền thống và được chồng cùng những người xung quanh ủng hộ.
Theo thời gian, ký ức về những chiếc lồng đèn cổ dần phai nhạt. Vì vậy, việc tìm tòi, nghiên cứu hình dáng, đường nét của lồng đèn khiến chị Thủy tốn rất nhiều thời gian. Chị cho rằng bản thân đang phỏng dựng chứ không phải phục dựng, chấp nhận một số sai sót do hạn chế của tư liệu lồng đèn cổ.
“So với các loại lồng đèn trên thị trường, mức giá lồng đèn ở đây sẽ có sự chênh lệch nhiều. Tuy nhiên, chi phí để nghiên cứu, thử nghiệm phục vụ cho việc phỏng dựng là rất nhiều. Chúng tôi mất gần 6 tháng tìm vật liệu phù hợp và cách thức thực hiện. Giá trị lồng đèn này nằm ở thời gian công sức thực hiện và cả giá trị văn hóa mà nó mang lại”, chị Thủy nói.
Chị Thủy cho biết các loại lồng đèn với nhiều kích thước sẽ có những mức giá khác nhau. Trung bình 1 chiếc lồng đèn cá, cua có mức giá từ 3-7 triệu đồng.
Mỗi công đoạn làm nên chiếc lồng đèn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ và tập trung cao. Với lồng đèn Ngư Long, chị Thủy và những người thợ khác phải tốn gần 8-9 tiếng để hoàn thiện công đoạn uốn nắn các phần khung, 4-6 tiếng cho đoạn căng giấy màu, công đoạn vẽ màu mất đến nửa ngày để thực hiện.
Đối với lồng đèn Cự giải, thời gian thực hiện phải gấp 4-5 lần so với thời gian làm lồng đèn cá. Các công đoạn làm lồng đèn có sự liên kết với nhau, đòi hỏi người thợ phải tập trung cao độ.
Giữ gìn nét đẹp văn hóa Việt
Những chiếc lồng đèn làm từ khung nan trúc tinh xảo, bọc bởi những tấm giấy kiếng màu sắc đã tạo nên một sức hút rất riêng cho lồng đèn truyền thống.
“Nguồn cảm hứng của tôi lấy từ những tác phẩm lồng đèn của nghệ nhân xưa, muốn nhiều người biết được rằng sản phẩm thủ công Việt Nam rất tinh tế và đẹp. Tôi luôn thắc mắc không biết tại sao ngày xưa người ta có thể làm nên những chiếc lồng đèn tinh tế như vậy mà bây giờ gần như lại thất truyền. Tôi muốn phỏng dựng lồng đèn góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa của Việt Nam”, chị Thủy nói.
Chị Thủy dựa vào hình ảnh chụp lồng đèn của Việt Nam được trưng bày hiện vật tại các bảo tàng để phỏng dựng. Từ những chi tiết nhỏ như cánh, mắt phải được quan sát rất kỹ mới có thể thực hiện.
Trong quá trình làm việc, chị Thủy và chồng đã băn khoăn, tranh cãi rất nhiều giữa cán cân giữ gìn nét đẹp truyền thống và sự phù hợp với thẩm mỹ hiện đại. Chị Thủy cho biết những họa tiết trang trí trên đèn chủ yếu được lấy ý tưởng từ các họa tiết cổ mang ý nghĩa tốt lành đến cho người dùng. Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu của người mua, chị còn sáng tạo ra những hình vẽ, màu sắc sinh động trên đèn.
Anh Duy Anh, từng theo học Cơ khí tại Đại học Bách Khoa, là một trong những bạn trẻ làm việc tại đây. Duy Anh phát hiện ra bản thân có đam mê với nghệ thuật, văn hóa khi còn học đại học. May mắn đưa Duy Anh đến với Khởi Đăng Tác Khí và học được rất nhiều điều thú vị.
“Là một người đam mê văn hóa nên tôi đã quyết định theo làm và học việc ở đây. Trước đó, cũng có nhiều bạn đến đây làm nhưng do thấy không phù hợp nên đã nghỉ. Tôi thấy những chiếc lồng đèn này có nét đẹp riêng. Sự đặc sắc, thú vị của lồng đèn đối với tôi là phong cách nghệ thuật dân gian của dân tộc”, anh nói.
Dự án Khởi Đăng Tác Khí phỏng dựng lồng đèn truyền thống của chị Thủy sau gần 1 năm thực hiện đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Đến nay, Khởi Đăng Tác Khí vẫn đang ngày càng hoàn thiện những tác phẩm lồng đèn truyền thống, góp phần gìn giữ một nét đẹp văn hóa lâu đời của dân tộc.
Những chiếc lồng đèn giấy màu sắc lung linh qua bàn tay tỉ mỉ của những người thợ đã khiến nhiều người tin rằng những món đồ chơi truyền thống của người Việt ngày xưa mang những giá trị đặc biệt của riêng nó.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.