|
Ông Bướng và chiếc roi cá đuối. |
Từ câu chuyện về chiếc roi đuôi cá đuối được trưng bày ở Bảo tàng “Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày” của ông Lâm Văn Bản ở Phú Xuyên (Hà Nội), chúng tôi tìm gặp ông Ngô Văn Bướng ở thôn Tam Á (xã Gia Đông, Thuận Thành, Bắc Ninh). Ông Bướng cho biết, chiếc roi được làm bằng đuôi cá đuối, dài đến 2m, gai lởm chởm, chứa chất độc làm thối thịt, thối da.
Sau bao nhiêu năm, ông Bướng vẫn không quên được trận đòn tàn khốc từ chiếc roi cá đuối năm ấy. Đó là ngày 19-8-1969, bọn giám thị nhà lao bắt nhiều anh em ở trại A2 nhà tù Phú Quốc, trong đó có ông Bướng lên phòng điều hành. Chúng hỏi cung về các tổ chức chính trị trong nhà tù, việc đấu tranh của anh em và nhiều hoạt động khác.
Không khai thác được gì, chúng treo ông lơ lửng lên xà nhà và đánh bằng roi cá đuối. Tiếng roi vun vút cùng những mảnh da bụng, da ngực rứt toác ra đau đớn, nhức nhối khiến ông ngất đi, tỉnh lại nhiều lần. Bàn chân và đầu gối ông bị chúng dùng búa đinh đập vỡ nát. Rồi chúng đẩy ông vào chuồng cọp.
Không có bông băng, thuốc kháng sinh, anh em trong tù phải bốc trộm thuốc bột 66 diệt ruồi muỗi rắc lên vết thương cho ông. Thứ thuốc tưởng độc hại đấy lại thành biệt dược cứu sống ông. Vết thương bằng roi cá đuối trên ngực, trên bụng dần se miệng và lên da non. Vậy là bằng tình thương của anh em và thứ thuốc diệt muỗi, ông sống sót sau trận đòn roi đuôi cá đuối của kẻ thù. Anh em khâm phục gọi ông là “Bướng cá đuối”.
Sau lần tra tấn dã man đó, ông Bướng còn chết đi sống lại nhiều lần khác. Gia đình từng nhận giấy báo tử của ông. Năm 1973, ông trở về mới biết mình đã thành liệt sĩ. Đến bây giờ, những vết thương chiến trường vẫn còn hành hạ ông. Cứ trở giời, đầu ông lại đau nhức, vết thương trên ngực, trên bụng lại ngứa ngáy khó chịu. Đầu gối, mắt cá chân đầy sẹo lồi lõm, nhưng ông vẫn sống vui vẻ. Ông Bướng chia sẻ: Được sống thì phải sống cho xứng đáng một con người – một người lính.
Hà Thu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.