Giá tiêu tăng, nông dân không cười nổi vì gánh nặng chi phí
Giá tiêu tăng, người trồng tiêu hữu cơ vẫn không cười nổi vì gánh nặng chi phí
Trần Khánh
Thứ hai, ngày 28/02/2022 05:45 AM (GMT+7)
Giá tiêu hiện vẫn giữ ở mức cao, tuy nhiên nhiều vườn tiêu mất mùa. Năng suất tiêu giảm, cộng với giá phân bón và nhân công tăng cao, khiến nông dân tiếp tục thất vọng.
Giá tiêu tăng, người trồng tiêu không cười nổi vì gánh nặng chi phí, năng suất giảm
Ông Phương Thành Trận, người trồng 10ha hồ tiêu ở xã Thiện Hưng (huyện Bù Đốp, Bình Phước) cho biết, năm nay giá tiêu tăng cao so với đầu vụ năm ngoái nhưng năng suất tiêu thì giảm đáng kể.
Thay vì đạt 40 tấn tiêu khô như ban đầu, ông dự kiến vụ này chỉ thu được 25 tấn tiêu khô.
Ông Trận kể, ngày trước ông thu mỗi nọc tiêu khoảng 6kg thì hiện nay chỉ thu được 2-3kg.
Năng suất tiêu giảm gần một nửa. Trong khi giá vật tư nông nghiệp thì tăng cao lên gấp đôi, mà tăng mạnh nhất là giá phân bón nên người trồng tiêu nhìn chung vẫn rất chật vật.
Ông Trận trồng hồ tiêu theo tiêu chuẩn hữu cơ. Giá hồ tiêu hữu cơ dù được thu mua lên tới 115.000 đồng/kg cũng chỉ giúp ông đủ trang trải tiền công chăm sóc.
Nhờ trồng tiêu hữu cơ, nên các nguồn phân hữu cơ, phân chuồng được tận dụng đã giúp ông tiết kiệm bớt một phần chi phí.
"Nhiều nông dân trồng tiêu phải dùng phân hóa học, chi phí còn cao hơn nên lợi nhuận lại càng giảm", ông Trận nói.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn ở xã Đắk Ơ (Bù Gia Mập) đang sở hữu vườn tiêu gần 1.000 gốc.
Ngoài vườn tiêu, ông Tuấn còn chăn nuôi dê để tận dụng nguồn phân, bón lại cho vườn cây.
Những tưởng, giá tiêu neo ở mức cao có thể giúp ông trang trải bớt khoản nợ vay ở ngân hàng. Thế nhưng, năng suất tiêu toàn vườn sụt giảm, chỉ đạt khoảng 40% so với kỳ vọng.
Thời tiết khắc nghiệt, nhiều vườn trồng tiêu bị già cỗi, năng tiêu suất giảm. Một số nông dân bỏ bê không chăm sóc, trong khi hồ tiêu là cây trồng khó tính, đòi hỏi kỹ thuật cao.
Đây là một trong những nguyên nhân khiến năng suất tiêu năm nay không cao như kỳ vọng.
"Giá tiêu tăng nhưng vườn tiêu lại mất mùa. Vụ thu hoạch tiêu năm nay, nông dân chỉ tạm sống được chứ thể chưa vui nổi", ông Tuấn nói.
Hiện ông Tuấn đang giữ lại gần 1 tấn tiêu khô, chờ lên giá thêm mới bán tiếp để cải thiện thu nhập.
Nhiều chi phí đè nặng lên giá tiêu
Cuối tháng 1/2022, giá tiêu trên địa bàn tỉnh Bình Phước dao động từ 80.000-82.500 đồng/kg.
Giữa tháng 2, giá tiêu tăng lên khoảng 83.000-85.500 đồng/kg. Nhưng từ hôm đầu tuần tới nay, giá tiêu Bình Phước giảm nhẹ từ 500-1.000 đồng/kg; hiện vẫn giữ ổn định ở mức 83.000-85.000 đồng/kg.
Tại huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai), giá tiêu đang được thương lái thu mua 83.000 đồng/kg. Dù giá tiêu vẫn ở mức khá nhưng giá nhân công đắt đỏ, chí phí đầu tư cao.
Năng suất tiêu lại đạt thấp nên vụ tiêu năm nay cũng được dự báo không mấy khởi sắc cho người trồng tiêu ở Cẩm Mỹ.
Ông Đỗ Ngọc Hà, người trồng 1ha hồ tiêu ở xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ) cho biết, do ảnh hưởng thời tiết trong năm 2021, vườn tiêu của ông chỉ thu được chừng 1 tấn.
Hiện nay, giá tiêu đang có xu hướng chững lại trong khi nhân công thu hoạch rất khó kiếm, giá nhân công lại đắt đỏ.
Ông Hà kể, thời điểm này chủ vườn phải trả cho công hái tiêu 270.000 đồng/người/ngày, cao hơn năm ngoái 50.000 đồng/người/ngày.
Những năm gần đây, cây hồ tiêu vẫn chưa thoát khỏi tình trạng bấp bênh, bởi khi được mùa tiêu thì mất giá hoặc ngược lại.
"Giá tiêu dù ở mức cao nhưng nhiều chi phí khác đè nặng trên giá tiêu. Nông dân dù không lỗ vốn nhưng lợi nhuận bị giảm do năng suất tiêu giảm", ông Hà nói.
Ông Trương Đình Bá - Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ) cho biết, do thời tiết bất lợi, cây tiêu ra bông đậu trái không đạt so với những năm trước.
Việc năng suất tiêu giảm đã dự báo từ năm 2021. Mặc dù chưa có thống kê cụ thể, song ông Bá đánh giá, năng suất tiêu vụ này chỉ đạt trung bình 1.5 tấn/ha; giảm 20-30% so với cùng kỳ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.