Chiến sự Nga-Ukraine: TT Zelensky gửi cảnh báo nóng tới lính Nga

Phương Đăng (theo BBC) Chủ nhật, ngày 14/08/2022 10:23 AM (GMT+7)
Trong bài phát biểu hàng đêm trước quốc dân vào thứ Bảy, Tổng thống Volodymyr Zelensky cảnh báo, bất kỳ binh sĩ Nga nào bắn vào hoặc bắn ra từ nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu Zaporizhzhia sẽ trở thành "mục tiêu đặc biệt" đối với Ukraine.
Bình luận 0

Tổng thống Ukraine gửi cảnh báo rắn tới lính Nga

Chiến sự Nga-Ukraine: TT Zelensky gửi cảnh báo nóng tới lính Nga - Ảnh 1.

Binh sĩ Nga canh gác bên ngoài nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh BBC

"Mỗi sĩ quan Nga bắn vào nhà máy (Zaporizhzhia) hoặc bắn ra từ nhà máy phải hiểu rằng anh ta sẽ trở thành mục tiêu đặc biệt của lực lượng tình báo Ukraine, của các đặc vụ của chúng tôi và của quân đội của chúng tôi", Tổng thống Ukraine tuyên bố đêm 13/8.

Theo BBC, ông Zelensky cũng cáo buộc Moscow đã biến nhà máy Zaporizhzhia thành căn cứ quân sự và sử dụng nó như một "công cụ đe dọa hạt nhân".

Nga đã giành quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Nga sau các cuộc giao tranh ác liệt vào tháng Ba, tuy nhiên, các kỹ thuật viên Ukraine vẫn đang duy trì hoạt động của nhà máy.

Zaporizhzhia nằm ở vị trí chiến lược quan trọng ở thành phố Nikopol, miền nam Ukraine. Đầu tuần này, nhà máy này bị nã pháo trong đó, cả Moscow và Kiev đều đổ lỗi cho nhau.

Tình báo Ukraine đã cáo buộc Nga ngụy tạo bằng chứng để đổ lỗi cho lực lượng của Kiev pháo kích nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia tại miền nam. Cơ quan tình báo quân sự Ukraine ngày 13/8 ra tuyên bố cảnh báo Nga đang "chuẩn bị một đợt khiêu khích mới" ở nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ukraine phát hiện quân đội Nga đã bố trí pháo tự hành Pion ở thị trấn gần đó và ngụy tạo bằng chứng bằng cách cắm cờ Ukraine lên vũ khí.

Ngược lại, quan chức địa phương do Nga bổ nhiệm Vladimir Rogov cáo buộc quân đội Ukraine đã pháo kích nhà máy hạt nhân. Ông nói người dân trong thị trấn có thể nghe rõ tiếng nổ, đạn pháo rơi trong khu vực gần trạm phát điện nhưng không tiết lộ liệu khuôn viên cơ sở hạt nhân có trúng tập kích hay không.

Trong bài phát biểu từ Kiev, Tổng thống Zelensky nói rằng Nga đã tham gia vào "các cuộc khiêu khích liên tục" bằng cách bắn vào nhà máy. Nhà lãnh đạo Ukraine cho biết, các lực lượng Nga đóng quân tại đây đã sử dụng nhà máy làm bàn đạp để nã pháo vào Nikopol và thành phố Marganets gần đó.

Ông Zelensky cũng nói thêm rằng việc Nga chiếm đóng nhà máy "làm tăng mối đe dọa phóng xạ đối với châu Âu".

Trong khi đó, Mykhailo Podolya, Trợ lý của ông Zelensky cáo buộc Nga cố tình tấn công một phần nhà máy với mục tiêu "đổ tội cho quân đội Ukraine".

Nguy cơ xảy ra thảm kịch hạt nhân kiểu Chernobyl

Theo các nhà phân tích, những báo cáo về các vụ pháo kích vào nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu ở Ukraine đã làm dấy lên lo ngại về thảm họa hạt nhân.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã gọi "bất kỳ cuộc tấn công nào" vào các cơ sở hạt nhân là "tự sát" trong khi người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế Rafael Mariano Grossi kêu gọi cả hai bên Nga và Ukraine "thực hiện sự kiềm chế tối đa" để tránh một thảm họa hạt nhân.

Tuy nhiên các chuyên gia vẫn tin tưởng rằng nguy cơ xảy ra một thảm kịch kiểu Chernobyl là thấp.

Ông Leon Cizelj, Chủ tịch Hiệp hội Hạt nhân Châu Âu cho rằng, rủi ro tại nhà máy Zaporizhzhia do pháo kích hiện vẫn tương đối thấp do các lò phản ứng được bảo vệ bởi lớp bê tông dày tới 10 mét.

Ông ước tính rằng chỉ một loạt các cuộc ném bom giới hạn mục tiêu từ trên không mới có khả năng làm thủng các bức tường của lò phản ứng.

Ông Cizelj nói thêm rằng, một cuộc tấn công vào các địa điểm lưu trữ nhiên liệu đã qua sử dụng sẽ có ảnh hưởng hạn chế, vì bất kỳ vật chất phóng xạ nào được phát tán ra cũng sẽ chỉ di chuyển trong khoảng 10 đến 20 km.

Trong khi đó, ông James Acton, đồng Giám đốc chương trình chính sách hạt nhân tại tổ chức Carnegie Endowment for International Peace cũng đồng tình rằng pháo kích không phải là rủi ro thực sự ở Zaporizhzhia mà có thể chỉ là nguy cơ đối với hệ thống làm mát vốn dễ hư hỏng tại nhà máy.

Theo ông Acton, hệ thống làm mát "thực sự tương đối dễ bị tổn thương vì chúng phải tiếp xúc với thế giới bên ngoài", dễ trở thành mục tiêu tấn công.

Các nhà máy điện hạt nhân được thiết kế với nhiều hệ thống an toàn độc lập, bao gồm nhiều kết nối lưới điện và máy phát điện diesel dự phòng. Nhà máy Zaporizhzhia cũng sử dụng hồ phun để làm mát, có nghĩa là nước nóng từ bên trong nhà máy được phun ra không khí bên ngoài để hạ nhiệt độ của nó.

Cả hai chuyên gia đều nhấn mạnh rằng, ngay cả trong trường hợp xấu nhất - nếu hệ thống làm mát bị hỏng, dẫn đến sự cố lò phản ứng - nó sẽ chỉ gây ra thiệt hại nghiêm trọng ở cấp độ cục bộ. Ông Cizelj ước tính ảnh hưởng sẽ giới hạn ở bán kính 30km.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem