Trong những ngày này, diễn biến tình hình chiến sự ở Syria, cụ thể là liên quan đến thành phố Idlib ở vùng miền đông bắc Syria, thu hút sự quan tâm theo dõi của chính giới và dư luận ở trong cũng như ngoài khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh. Điều này không có gì là khó hiểu bởi trận đánh ở Idlib có ý nghĩa quyết định tới cục diện chiến tranh và nội chiến ở Syria cũng như có tác động rất quyết định tới hình hài và thiết kế của giải pháp chính trị hoà bình cho Syria. Đấy là thánh địa cuối cùng của các lực lượng khủng bố và phe nổi dậy chống chính phủ ở Syria.
Giải phóng Idlib và vùng lãnh thổ này, phía chính phủ Syria cùng với Nga và Iran sẽ làm cho Mỹ và đồng minh không còn có lý do gì nữa để tiếp tục hiện diện quân sự và hoạt động quân sự trên lãnh thổ Syria, từ đó có thể chi phối giải pháp chính trị hoà bình cho Syria ở thời hậu chiến tranh và hậu nội chiến. Điều này lý giải vì sao Nga, Iran và chính phủ Syria hạ quyết tâm tiến hành trận tấn công quân sự quyết định vào thành phố Idlib và vì sao Mỹ cùng các đồng minh lại tìm mọi cách để ngăn cản cuộc tấn công ấy.
Các bên liên quan hiểu nhau, không lạ lẫm gì ý đồ chiến lược và mô thức hành động của nhau nên bây giờ chơi bài ngửa với nhau. Tại hội nghị cấp cao tay ba mới rồi ở Tehran (Iran), tổng thống ba nước Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ - các ông Hassan Rouhani, Vladimir Putin và Recep Tayyip Erdogan - đã bàn về chiến dịch quân sự nhằm vào Idlib nhiều hơn là bàn về giải pháp chính trị hoà bình cho Syria. Ông Erdogan có lợi ích và lý do với việc thuyết phục ông Putin và ông Rouhani không tiến hành cuộc tấn công kia, nhưng lhoong thành công. Có người vì thế cho rằng cuộc gặp cấp cao tay ba này đã thất bại.
Trong thực chất không phải như vậy - đơn giản vì bộ ba này cũng chơi bài ngửa với nhau. Thổ Nhĩ Kỳ không cản Nga và Iran cùng chính phủ Syria tiến hành trận tấn công mà chỉ có biện pháp quân sự cần thiết ở dọc biên giới với Syria đối phó với khả năng có những phần tử khủng bố, lực lượng chống chính phủ Syria và cả dân thường tỵ nạn chạy dạt từ Syria sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Hassan Rouhani, Vladimir Putin và Recep Tayyip Erdogan
Cuộc chơi bài ngửa khác có liên quan đến việc sử dụng vũ khí hoá học. Vì có sự tham chiến trực tiếp của Nga, Mỹ và các đồng minh biết rằng phe nổi dậy chống chính phủ ở Syria mà họ ủng hộ và hiện trú ngụ ở Idlib và vùng lãnh thổ miền đông bắc Syria không phải là đối thủ quân sự của liên quân kia. Mỹ và đồng minh cũng không thể tham chiến trực tiếp cùng với lực lượng kia đối địch với quân đội chính phủ Syria, Nga và Iran. Họ cũng không thể tấn công quân sự nhằm vào Nga ở Syria mà chỉ có thể và dám nhằm vào quân đội chính phủ Syria. Để làm việc ấy, họ cần cớ và nếu không có cớ thì họ tạo dựng cớ. Cho nên họ khuấy động nguy cơ xảy ra "thảm hoạ nhân đạo ở Idlib" và khả năng "quân đội chính phủ Syria sử dụng vũ khí hoá học".
Cứ theo lô gic tư duy và tương quan lực lượng hiện tại trên chính trường thì phía chính phủ Syria chẳng có lợi ích và sự cần thiết nào để phải sử dụng đến vũ khí hoá học, ấy là còn chưa nói đến chuyện phía chính phủ Syria đã tuyên bố và được Nga đảm bảo là không còn sở hữu vũ khí hoá học. Nga đã nhiều lần cảnh báo về khả năng phe nổi dậy chống chính phủ Syria ở Idlib - với sự trợ giúp của Mỹ, Anh và các đồng minh khác - sử dụng vũ khí hoá học để rồi đổ trách nhiệm cho quân đội chính phủ Syria, sau đó Mỹ và đồng minh dùng đấy làm cớ để tiến hành tấn công quân sự nhằm vào quân đội chính phủ Syria, cản bước cuộc tấn công vào Idlib và cứu nguy cho những lực lượng được họ hậu thuẫn ở Idlib. Việc dựng chuyện và tạo cớ như thế này vốn Mỹ và đồng minh hiện rất thạo vì không thiếu kinh nghiệm thực tiễn trong quá khứ lịch sử.
Cũng chính vì cách chơi bài ngửa trong ván bài quyết định cuối cùng này ở Syria mà những gì được quyết định không chỉ có là kết cục cuộc chiến tranh và nội chiến ở Syria, tương lai chính trị cho Syria mà còn cả triển vọng mối quan hệ giữa Mỹ và đồng minh của Mỹ với Nga và Iran nói chung.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.