Mang tiếng chèo đi xa
Xuất phát từ niềm đam mê hát chèo và mong muốn giữ gìn những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam nói chung, nghệ thuật đặc trưng sân khấu chèo của Thái Bình nói riêng, nhiều người dân Buôn Triết huyện Lăk, tỉnh Đăk Lăk đã tập hợp nhau thành lập nên đội văn nghệ hát chèo của xã. Trong những năm qua, đội văn nghệ hoạt động khá đều đặn, thường xuyên mang tiếng hát, tiếng đàn làm phong phú đời sống tinh thần cho người dân địa phương.
|
Một buổi tập luyện của đội văn nghệ hát chèo xã Buôn Triết, huyện Lăk, tỉnh Đăk Lăk. |
Đội văn nghệ hát chèo của xã Buôn Triết đi vào hoạt động từ tháng 8.2009 do ông Nguyễn Thế Tược ở thôn Mê Linh 1 làm đội trưởng. Những ngày đầu thành lập, đội văn nghệ chỉ có 15 thành viên tham gia, đến nay đã lên đến 24 thành viên, gồm đủ các lứa tuổi, thành viên cao tuổi nhất cũng đã ngoài 70 tuổi, thấp nhất khoảng 30 tuổi.
Ông Tược cho biết: “Người dân trong xã chủ yếu sống bằng nghề nông với việc trồng lúa nước là chính, vào vụ mùa thường rất bận rộn với công việc đồng áng, nên ban đầu đội hát chèo chỉ tổ chức sinh hoạt định kỳ mỗi tháng 1 buổi vào ngày 15 hàng tháng rồi sau đó tăng dần lên 3 buổi một tháng, cố định vào các ngày mùng 10, 20 và 30 hằng tháng”. Tuy chênh lệch nhau về tuổi tác song các thành viên trong đội đều rất tích cực tham gia các buổi sinh hoạt, miệt mài tìm kiếm những điệu chèo cổ để cùng nhau luyện tập và ca hát.
Tự hào vùng đất mới
Khi đội bắt đầu đi vào hoạt động, các thành viên đã tự nguyện đóng góp tiền gây quỹ sinh hoạt và tập luyện. Các thành viên còn tự tìm tòi, làm ra những nhạc cụ đơn giản để tiết kiệm được một phần chi phí. Đến nay, số nhạc cụ mà đội chèo đã có cây líu, đờn cò, sáo, trống chèo, đàn nguyệt và có thêm một chiếc đàn organ để biểu diễn. Hơn nữa, một số thành viên lớn tuổi trong đội chèo còn có năng khiếu sáng tác lời bài hát, những bài chèo và một số bài hát dân ca mới phù hợp với địa phương nơi mình đang sống như: “Tiếng hát chèo về đất Tây Nguyên”; “Buôn làng đổi mới”; “Hát về Buôn Triết quê tôi”; “Tâm tình người lính cựu chiến binh”… Mỗi bài hát đều mang một sắc thái riêng, song đều mang đậm đặc trưng của chèo Thái Bình góp phần đưa tiếng chèo quê lúa sống lại trong lòng mỗi người dân xa quê.
Cùng với những nỗ lực của những người say mê hát chèo tại xã Buôn Triết, hy vọng rằng làn điệu chèo Thái Bình sẽ được lưu giữ và tiếp tục vươn xa.
Bà Nguyễn Thị Vui - Phó Chủ tịch UBND xã Buôn Triết
Không chỉ chú trọng tới việc sưu tầm, tập luyện, biểu diễn, đội văn nghệ hát chèo của xã còn đặc biệt chú trọng đến việc bồi dưỡng, truyền dạy cho các thế hệ sau, kế thừa và phát triển những tinh hoa của nghệ thuật chèo, truyền thống, thông qua đó để chuyển tải những nội dung mới, sát với cuộc sống hiện tại của địa phương. Hiện đội đang đào tạo cho 4 diễn viên ở độ tuổi 30, bước đầu đã cơ bản nắm được một số kỹ thuật hát, và cũng đã tham gia biểu diễn cùng đội.
Chị Cao Thị Vui ở thôn Mê Linh 1, thành viên đội văn nghệ hát chèo xã Buôn Triết bộc bạch: “Khi biết được xã thành lập đội văn nghệ hát chèo mình đã đăng ký tham gia ngay. Những ngày đầu chưa quen nên hát còn nhiều chỗ chưa thành câu nhưng đến nay mình đã hát thành thạo và tham gia biểu diễn cùng đội”.
Giờ đây, trên vùng đất đỏ cao nguyên, những làn điệu chèo mượt mà, đặc sản của quê lúa Thái Bình vẫn cất lên ngày ngày để giúp người nông dân ở đây có thêm tình yêu lao động. Sâu thẳm trong tâm hồn những “nghệ sĩ” của đội chèo Buôn Triết, vốn cổ cha ông mang từ đất Bắc vào vùng quê mới chưa lúc nào rời xa cuộc sống của họ.
Ngô Xuân - Vy Thủy
Vui lòng nhập nội dung bình luận.