Chiếu phim lịch sử, trưng bày "Con đường gốm sứ" trong Lễ hội Bát Tràng 2024

Đào Thu Trang Thứ bảy, ngày 23/03/2024 14:53 PM (GMT+7)
Lễ hội truyền thống làng cổ Bát Tràng được tổ chức từ ngày 14/2 đến ngày 16/2 Âm lịch hàng năm nhằm tôn vinh giá trị truyền thống làng nghề, cũng là dịp để con cháu tri ân các bậc tiền nhân đã có công xây dựng làng, tạo dựng một thương hiệu có bản sắc lâu đời mang tên "gốm Bát Tràng".
Bình luận 0

Lễ hội truyền thống Làng cổ Bát Tràng được tổ chức tại Đình Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Đình Bát Tràng là nơi thờ 6 vị thần có công trong việc giúp dân giữ nước, gồm: Bạch Mã Đại Vương, Phan Đại Tướng, Tràng Thuận Nghi Dung, Cai Minh Đại Vương, Lưu Thiên Tử Đại Vương, Hồ Quốc Thần Đại Vương. Năm nay, phần lễ được thực hiện với các các nghi lễ truyền thống như: Lễ dâng hương, lễ rước kiệu, lễ cấp thủy, lễ rước bài vị quanh làng Bát Tràng... 

Đúng 9h sáng 23/3 (tức 14/2 Âm lịch), BTC lễ hội và người dân cùng tiến hành nghi lễ rước nước, mộc dục, rước bài vị từ Miếu Bát Tràng ra Đình Bát Tràng. Theo đó, đoàn cấp thủy, thực hiện nghi thức lấy nước dòng Nhị Hà vào chóe cúng dâng vào đại đình, dùng để cúng tế cả năm. Đoàn rước bộ, dâng hương tại Kim Trúc Tự, nhà thờ Bác Hồ, đền Mẫu Bản Hương. 

Chiếu phim lịch sử, trưng bày "Con đường gốm sứ" trong Lễ hội Bát Tràng 2024- Ảnh 1.

Lễ hội Bát Tràng từng bừng từ sáng sớm. Ảnh: Tiến Lương.

Tiếp đó, tại Khu triển lãm 1.000 năm Thăng Long, thực hiện Lễ công bố và tiếp nhận quyết định của Sở Công thương; ra mắt mô hình Trung tâm thiết kế sáng tạo, phát triển nghề gốm di sản quốc gia, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch xã Bát Tràng. Cuối cùng, đoàn rước thủy bộ tập kết về đình dâng lễ Tế Thánh.

Buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm với cờ phướn và kiệu đỏ rực rỡ giữ một vùng. Mâm lễ dâng lên các vị Thánh và Thành hoàng  được gọi là tam sinh gồm: 1 con trâu tơ thui béo, 1 con dê thui béo, 1 con heo sữa quay. Mâm cỗ bao gồm 6 mâm cỗ mặn và 4 mâm xôi.

Chiếu phim lịch sử, trưng bày "Con đường gốm sứ" trong Lễ hội Bát Tràng 2024- Ảnh 2.

Thuyền chở đoàn tế thực hiện Lễ rước nước và Lễ hạ thủy.

Chiếu phim lịch sử, trưng bày "Con đường gốm sứ" trong Lễ hội Bát Tràng 2024- Ảnh 3.

28 gáo nước tượng trưng cho bóng 28 vì tinh tú rọi xuống vòng tròn càn khôn, ngụ ý muốn sự cúng dâng Thánh thần Hoàng làng những gì tinh túy và thanh khiết nhất. Ảnh: Đào Thu Trang

Theo BTC, trong ngày 24/3, các tổ chức, cộng đồng dân cư và du khách có thể dâng lễ từ 8 giờ và thụ lộc vào 11 giờ 30 cùng ngày. Trong 3 ngày lễ hội có tổ chức: Giao hiếu với 4 làng; Thi đấu thể thao: Các trò chơi dân gian và 3 đêm liên hoan văn nghệ quần chúng.

Lễ tạ sẽ đi kèm hoạt động thả hoa đăng, đốt pháo bông trên dòng Nhị Hà kính cáo trời đất thủy thần, lễ hội làng Bát Tràng đã thành công.

Chiếu phim lịch sử, trưng bày "Con đường gốm sứ" trong Lễ hội Bát Tràng 2024- Ảnh 4.

Lễ rước kiệu thu hút đông đảo người dân, du khách tham quan. Ảnh: Đào Thu Trang

Lễ hội làng cổ Bát Tràng sẽ chiếu phim lịch sử

Riêng về phần hội, sẽ có nhiều hoạt động mới diễn ra mang đậm bản sắc làng nghề và truyền tải những giá trị văn hóa theo cách thức hiện đại và gần gũi hơn với mọi lứa tuổi, thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến tham quan, trải nghiệm. Điểm mới phần hội năm nay là con “Con đường gốm sứ” - khu vực trưng bày những sản phẩm về gốm do chính tay các nghệ nhân thuộc “Hội nghệ nhân trẻ làng gốm Bát Tràng” thực hiện, góp phần đưa sản phẩm thủ công tiếp cận và quảng bá rộng rãi hơn tới du khách thập phương.

“Những sản phẩm được trưng bày sẽ hoàn toàn do các nghệ nhân trẻ của làng làm, được kế thừa từ cha ông, trong mỗi sản phẩm không chỉ có sự kỳ công, sáng tạo mà còn chứa đựng cái tâm, lòng biết ơn, nâng niu bản sắc văn hóa gốm Bát Tràng”, cô Hoàng Thị Kim Cúc - thành viên CLB Nữ doanh nhân và nghệ nhân Bát Tràng cho biết.

Đặc biệt hơn, trong phần văn nghệ sẽ có các hoạt động ý nghĩa gắn kết thế hệ, gắn kết truyền thống với hiện đại như: Chiếu thước phim ngắn về lịch sử làng cổ Bát Tràng từ vua Lý Công Uẩn còn đóng đô tại Hoa Lư rồi theo vua Lý Công Uẩn dời đô cho đến khi phát triển như ngày nay; trò chuyện, giao lưu thế hệ...

“Đây là lần đầu tiên tổ chức với quy mô lớn hơn so với mọi năm do có nhiều sự thay đổi như hậu đại dịch Covid-19, mở rộng tuyến đường tham quan… cho nên chúng tôi muốn tạo một điểm nhấn cho lễ hội. Việc chiếu thước phim về lịch sử làng sẽ làm đa dạng, phong phú hơn cho phần hội, tạo sự gần gũi với giới trẻ, khơi dậy lòng tự hào, hứng thú với lịch sử, giá trị văn hóa của địa phương", anh Trần Trung Hiếu - BTC Lễ hội làng cổ Bát Tràng 2024 chia sẻ với Dân Việt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem