Chiếu phim miễn phí mừng Đại lễ

Thứ tư, ngày 22/09/2010 08:36 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tâm điểm của đợt chiếu phim chào mừng Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long sẽ là "Long thành cầm giả ca"- bộ phim truyện nhựa đầu tiên lấy hình ảnh đại thi hào Nguyễn Du làm trung tâm.
Bình luận 0

Miễn phí trên toàn quốc

Những ngày phim VN kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội sẽ được triển khai trên phạm vi cả nước. Theo thông báo từ Cục Điện ảnh, chương trình diễn ra từ 1-10 đến 10-10, tròn 10 ngày Đại lễ. 

img
Cảnh trong phim “Long thành cầm giả ca”

Nhiều bộ phim "quen biết" cùng một số phim mới hoàn thành, sẽ được gửi tới đông đảo công chúng. Có thể kể đến "Hà Nội mùa đông năm 46", "Hà Nội 12 ngày đêm", "Em bé Hà Nội", "Hà Nội mùa chim làm tổ", "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông", "Đừng đốt", "Nhìn ra biển cả"…

Cục trưởng Cục Điện ảnh - đạo diễn Lại Văn Sinh cho biết: Các bộ phim sẽ được trình chiếu miễn phí để phục vụ đông đảo khán giả, góp phần tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi trong dịp tổ chức Đại lễ…

Ngoài phim truyện nhựa, các phim tài liệu nhựa như "Những người cùng thế hệ", "Thành phố trên sông Hồng", "Văn Miếu Quốc Tử Giám", "Ngoại ô", "Người thắp lửa"… sẽ lần lượt được phát hành tại tất cả các tỉnh thành.

Các đĩa phim tài liệu khác cũng được Cục Điện ảnh in ấn như chùm phim về "Côn Đảo", "Quê hương Thái tổ Lý Công Uẩn", "Con Lạc cháu Hồng", các tập phim về "Ngàn năm Thăng Long"… để gửi tới các công ty điện ảnh, trung tâm phát hành phim chiếu bóng.

Ngoài chiếu phim, Cục Điện ảnh sẽ phối hợp trung tâm phát hành phim tại Hà Nội, Ninh Bình, Bắc Ninh… tổ chức giao lưu giữa nghệ sĩ điện ảnh tham gia làm phim với khán giả.

Được biết, phim được chọn chiếu khai mạc là bộ phim truyện nhựa “Long thành cầm giả ca” do Hãng phim Giải Phóng sản xuất.

Mở đầu bằng "khúc ca Long thành"

"Long thành cầm giả ca" vừa ra lò của Hãng phim Giải Phóng (đạo diễn: NSƯT Đào Bá Sơn), là câu chuyện phóng tác từ bài thơ bất hủ cùng tên của đại thi hào Nguyễn Du. Từ sự cảm thương sâu sắc của thi hào với người tài hoa bạc phận, tác giả kịch bản - NSƯT Văn Lê tạo dựng một câu chuyện phảng phất chút tình luyến ái của Tố Như và cô Cầm - người kỹ nữ chơi đàn danh tiếng đất Thăng Long thuở xưa.

Hồn vía bài thơ "Long thành cầm giả ca" chắc sẽ không dừng lại ở bộ phim này, mà sẽ còn chờ đợi những tấm lòng tri ân khác của hậu thế.

Nỗi niềm giữa một con người anh hoa, thân phận bọt bèo và khí khái của kẻ sĩ được đặt trong bối cảnh biến loạn của lịch sử. Mối thâm tình của họ vì thế mà cũng chao đảo, biệt ly và hội ngộ trong nước mắt từ triều Lê với nạn kiêu binh, vắt sang triều Tây Sơn, đến triều Nguyễn.

Và đời người, cũng từ vinh hoa, thanh bình thoắt chuyển sang sóng gió, vùi dập. Xuyên suốt và sáng lên theo dòng thời gian đầy những bất trắc ấy là sự trong sáng của tình người và vẻ đẹp của văn hoá dân tộc mà chính Thăng Long là một vùng đất đã khơi dậy những giá trị ấy.

Bộ phim được thực hiện tại nhiều bối cảnh không gian tại Ninh Bình, cố đô Huế, phủ Thành Chương - Sóc Sơn và thành cổ Sơn Tây tại Sơn Tây, Hà Nội… Các không gian xưa nơi thành quách, phủ quan, không gian nông thôn, nhà cửa chốn làng mạc… đã được tái hiện, cùng với các trang phục, vật dụng trong sinh hoạt chốn quyền quý và nơi thôn dã.

Bộ phim cũng dành thời lượng đặc tả những những cảnh sinh hoạt đàn ca của giới quý tộc, quan lại xưa nơi thành Thăng Long và những người làm nghề ca kỹ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem