Chiêu 'phù phép' để 9 người lên chuyên cơ, trốn lại Hàn Quốc

Chủ nhật, ngày 25/04/2021 11:07 AM (GMT+7)
Liễu mua lại một số công ty rồi cho các lao động muốn xuất cảnh đứng tên lãnh đạo, nhân viên. Sau đó, bị can đăng ký cho nhóm doanh nhân rởm này nhập đoàn doanh nghiệp đi Hàn Quốc.
Bình luận 0

Đầu tháng 5, TAND Hà Nội dự kiến xét xử Lê Thị Liễu (Giám đốc Công ty cổ phần GVA) và 7 bị can liên quan vụ 9 người trốn lại Hàn Quốc khi "đi nhờ" chuyên cơ của Chủ tịch Quốc hội hồi cuối tháng 12/2018.

Quá trình điều tra, cơ quan tố tụng đã chỉ ra thủ đoạn các bị can sử dụng để "phù phép" cho những lao động muốn xuất cảnh tìm việc làm bỗng trở thành doanh nhân tháp tùng đoàn doanh nghiệp. Từ đó, họ có cơ hội tách đoàn, trốn lại nước này.

Thu mỗi người 11.500 USD

Theo cáo trạng, đầu năm 2018, Liễu thông qua Hoàng Anh (35 tuổi, cư trú ở Đức) để gặp và bàn bạc với Trịnh Bang Dũng (quê Nghệ An, chú ruột Hoàng Anh) kế hoạch môi giới, tổ chức người lao động xuất cảnh sang Hàn Quốc.

Dũng rủ thêm Ngô Xuân Hiếu, Lê Thị Xuân và Nguyễn Thị Lương (những người làm dịch vụ tư vấn du học, xuất khẩu lao động) cùng tham gia phi vụ trên. Sau khi tìm được 4 lao động ở Nghệ An, họ thống nhất thu mỗi người 11.500 USD.

Sau khi nhận được thông tin từ Bộ KH&ĐT về kế hoạch tổ chức đoàn doanh nghiệp tháp tùng lãnh đạo sang Hàn Quốc, Liễu lên Internet để mua lại một số công ty rồi cho số lao động này đứng tên làm lãnh đạo, nhân viên.

Chiêu 'phù phép' để 9 người lên chuyên cơ, trốn lại Hàn Quốc - Ảnh 1.

Hai vợ chồng người Việt Nam (giữa) vi phạm quy định ở Hàn Quốc. Ảnh cắt từ clip.

Nữ bị can còn nhờ em trai là Lê Ngọc Vỹ và Lý Thái Hưng (giám đốc của 2 công ty) đưa người lao động vào danh sách của doanh nghiệp để họ trở thành doanh nhân, tạo thuận lợi cho việc xin visa.

Để hoàn tất kế hoạch, Liễu thống nhất khi sang Hàn Quốc, các doanh nhân rởm tạo lý do gặp đối tác hoặc đi mua sắm để lấy lại hộ chiếu rồi tách đoàn.

Tháng 9/2018, Liễu làm hồ sơ để cô ta và các lao động được nhập vào đoàn doanh nghiệp. Ba tháng sau, Liễu và 4 khách nhập cảnh Hàn Quốc sau khi "đi nhờ" chuyên cơ tháp tùng lãnh đạo đi công tác.

Ngoài phi vụ trên, VKS còn truy tố Trần Thị Tuyết (cựu cán bộ Tạp chí Kinh tế và Dự báo của Bộ KH&ĐT) do dùng thủ đoạn gán mác doanh nhân để tổ chức cho 2 cá nhân đi cùng đoàn doanh nghiệp trên rồi trốn lại Hàn Quốc.

Còn 2 người trốn ở Hàn Quốc

Theo cáo buộc, tháng 9/2018, Tuyết được bà Đỗ Thị Quỳnh Nga (Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Bắc) nói về việc đơn vị này được giao chủ trì lập đoàn doanh nhân tháp tùng lãnh đạo sang Hàn Quốc làm việc.

Qua các mối quan hệ xã hội, Tuyết đã hướng dẫn cho 2 người làm hồ sơ doanh nhân để lọt được vào đoàn. VKS xác định nữ cán bộ của tạp chí bàn bạc với Lương Mạnh Hùng (Giám đốc Công ty TD Việt Nam) để làm giả các thủ tục cho Phạm Văn Đức trở thành cấp dưới của Hùng.

Để phù phép hồ sơ, Hùng ký hợp đồng lao động và "phong" cho Đức làm Trưởng phòng Kinh doanh. Đồng thời, Hùng viết giấy cử Đức đi công tác tại Hàn Quốc nhằm khảo sát thị trường. Bằng các thủ đoạn đó, Tuyết đã tạo hồ sơ cho 2 người này trở thành thành viên của đoàn doanh nghiệp và được ban tổ chức chấp nhận.

Cơ quan tố tụng còn xác định trong năm 2018, Ngô Khánh Hoàng nhờ Tuyết tư vấn thủ tục đi lao động ở Canada. Biết Bộ KH&ĐT tổ chức cho đoàn doanh nghiệp tháp tùng Chủ tịch Quốc hội sang công tác ở Hàn Quốc, Tuyết đã giúp Hoàng được cấp visa nước này nhằm tạo thuận lợi cho quá trình xin cấp visa Canada.

Chiêu 'phù phép' để 9 người lên chuyên cơ, trốn lại Hàn Quốc - Ảnh 2.

Đài truyền hình MBC đưa tin việc 9 người không quay lại Việt Nam. Ảnh chụp màn hình.

Cáo trạng xác định Tuyết nhờ người quen là Trần Văn Khang (Giám đốc Công ty An Trí) làm giả hồ sơ để "biến" Hoàng thành nhân viên với chức danh Trưởng phòng Giám sát công trình. Bản thân Khang cũng xin đăng ký để được đi cùng chuyên cơ. Sau đó, hồ sơ của Hoàng và Khang đã được ban tổ chức phê duyệt.

Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định có 9 người trong đoàn doanh nghiệp trốn lại Hàn Quốc nhưng cảnh sát mới làm rõ 6 người được Liễu và đồng phạm tổ chức, môi giới. Hiện, 4 người đã bị trục xuất về Việt Nam, 2 người vẫn trốn lại nước này.

Theo VKS, đối với những doanh nghiệp, cá nhân liên quan việc ngụy tạo hồ sơ doanh nhân và các lao động đã trốn lại Hàn Quốc nhưng sau đó bị trục xuất, họ không biết động cơ, mục đích khi giao dịch với Liễu và không được hưởng lợi nên cơ quan chức năng kiến nghị xử lý hành chính.

Kết quả điều tra còn xác định một trong những nguyên nhân xảy ra vụ án do Bộ KH&ĐT chưa xây dựng quy trình, thủ tục thẩm định doanh nghiệp tham gia các đoàn doanh nhân tháp tùng lãnh đạo đi công tác nước ngoài. Ngày 5/6/2020, Bộ Công an đã có công văn thông báo gửi Văn phòng Quốc hội cùng Bộ KH&ĐT để khắc phục những thiếu sót này.

Hoàng Lam (zingnews.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem