Chính phủ chọn Ví MoMo là kênh thanh toán điện tử dịch vụ công Quốc gia

T.A Thứ hai, ngày 09/12/2019 18:20 PM (GMT+7)
Ví Điện tử MoMo được Chính phủ lựa chọn là kênh thanh toán điện tử của Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Bình luận 0

Chiều 9/12, Cổng dịch vụ công Quốc gia đã chính thức khai trương và đưa vào vận hành tại dichvucong.gov.vn, sau 9 tháng triển khai quyết liệt. 

Lễ Khai trương Cổng dịch vụ công Quốc gia có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng, các bộ trưởng, lãnh đạo các tỉnh/thành phố trên cả nước. Ngoài ra, chương trình còn được truyền hình trực tuyến tại điểm cầu chính Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội và 63 điểm cầu tại các tỉnh/thành phố.

img

Ví điện tử MoMo được Chính phủ lựa chọn là kênh thanh toán điện tử của Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Với vai trò đầu mối kết nối với các Cổng dịch vụ công của các tỉnh/thành phố, cơ sở dữ liệu,... việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến qua Cổng dịch vụ công Quốc gia sẽ giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian chuẩn bị hồ sơ, tái sử dụng các thông tin. Từ đó giảm đáng kể chi phí xã hội trong thực hiện thủ tục hành chính. 

Theo tính toán từ Ban đề án, việc chuyển từ phương thức trực tiếp sang trực tuyến tại Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ tiết kiệm được 4.222 tỷ đồng/năm. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên, tỷ lệ thuận với số lượng dịch vụ công trực tuyến được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Bên cạnh Ví điện tử MoMo, còn có 3 đơn vị khác là kênh thanh toán điện tử của Cổng dịch vụ công quốc gia gồm: VNPT Pay, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Ví MoMo là Ví điện tử tiên phong chủ động phối hợp với các tỉnh/thành phố thực hiện triển khai thanh toán điện tử theo chỉ đạo của Chính Phủ tại Nghị quyết 02 ban hành tháng 1/2019 về thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. Cụ thể, từ đầu tháng 4/2019, Ví MoMo đã được TP Đà Nẵng lựa chọn là đối tác khai thanh toán điện tử cho dịch vụ công tại TP, đưa thanh toán không dùng tiền mặt trở thành một cấu phần quan trọng trong hệ sinh thái thành phố thông minh của địa phương này. Gần đây nhất, Khánh Hòa cũng là tỉnh thứ 2 tại Việt Nam hợp tác với Ví MoMo để áp dụng thanh toán điện tử cho các dịch vụ hành chính công của tỉnh. 

img

Thanh toán dịch vụ công tại Đà Nẵng.

Chia sẻ về sự kiện này, ông Nguyễn Bá Diệp - Phó Chủ tịch Công ty CP Dịch vụ Di động trực tuyến, đơn vị cung cấp Ví điện tử MoMo cho biết: “Cổng Dịch vụ công Quốc gia chính thức đi vào hoạt động và sẽ là công cụ quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho quá trình đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam. Hướng tới phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội đất nước. Là doanh nghiệp Việt Nam, Ví MoMo nhận thấy cần có trách nhiệm chung trong sự đi lên của đất nước. Chúng tôi rất vinh hạnh khi được sự tin tưởng Chính phủ lựa chọn đồng hành và sẽ nỗ lực hết mình để triển khai tốt nhất thúc đẩy thanh toán không tiền mặt phát triển tại Việt Nam.” Ví MoMo cam kết đồng hành cùng Chính Phủ thông qua các hoạt động thiết thực như: Miễn thu phí dịch vụ trong giai đoạn đầu để khuyến khích người dân sử dụng; Hỗ trợ về mặt công nghệ trong quá trình kết nối. Song song đó, Ví MoMo cũng phối hợp với các tỉnh/thành phố tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân tạo thói quen sử dụng các công cụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Hiện, Cổng dịch vụ công Quốc gia vẫn đang thí điểm thanh toán trực tuyến một số dịch vụ công thiết yếu như: Đổi giấy phép lái xe; Thông báo hoạt động khuyến mại; Cấp lại thẻ Bảo hiểm y tế do mất, hỏng; Dịch vụ cấp điện hạ áp,... Do đó, việc kết nối giữa Ví MoMo và các tỉnh/thành phố khác sẽ vẫn diễn ra bình thường.

Về lâu dài, khi Cổng Dịch vụ công Quốc gia đi vào ổn định thì với các tỉnh/thành phố đã kết nối với Ví MoMo trước đó, dữ liệu của Cổng dịch vụ công của các tỉnh/thành phố này sẽ được liên kết vào Cổng dịch vụ công Quốc gia, tập trung về một mối. Tuy nhiên, với những dịch vụ công mang tính đặc thù của từng địa phương thì vẫn do địa phương giải quyết.

Trước đó, theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019, Chính phủ đã chỉ đạo đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, trong đó yêu cầu Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh “Ban hành kế hoạch thực hiện cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền ở cấp độ 4, đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, thu phí, lệ phí,... bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ”, với thời hạn hoàn thành trước tháng 12/2019.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem