Thủ tướng nhấn mạnh: Đạt mức tăng trưởng GDP 6% cũng là đạt vững chắc trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định.
Hỗ trợ, thu hút đầu tư ở nông thôn
Đề cập đến nhiệm vụ cụ thể trong những tháng còn lại của năm 2014, Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính có phương án đánh giá lại toàn bộ nợ công, đánh giá nợ công một cách cụ thể, khả năng trả nợ, đề xuất giải pháp xử lý; cùng với đó là quyết liệt hơn nữa trong xử lý nợ xấu trên tinh thần không sử dụng ngân sách Nhà nước vào xử lý nợ xấu. Tiếp tục quan tâm tăng tín dụng cho nền kinh tế theo mục tiêu kế hoạch, song tăng dư nợ tín dụng phải đi liền với chất lượng tín dụng để góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tăng tổng cầu. “Không khéo chúng ta sốt ruột đẩy tăng tín dụng lại đồng nghĩa với tăng nợ xấu… Cả hai mặt, sốt ruột thật, nhưng chất lượng tín dụng phải bảo đảm” - Thủ tướng nói. Ngân hàng Nhà nước phải xem xét tích cực việc điều hành lãi suất để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Về nhóm nhiệm vụ liên quan đến sản xuất kinh doanh, Thủ tướng nhấn mạnh phải xây dựng các cơ chế, chính sách thuận lợi để thu hút đầu tư; khuyến khích tối đa, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư vào công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, cơ sở hạ tầng… Hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp về đầu tư ở khu vực nông thôn, qua đó góp phần nâng cao thu nhập, chuyển dịch lao động theo theo hướng ly nông nhưng không ly hương.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục quan tâm đến hoạt động xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước; xúc tiến mạnh các hoạt động thương mại để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, thế mạnh của Việt Nam sang các thị trường tiềm năng còn lớn. “Muốn tăng 1kg tôm, 1kg gạo đều phụ thuộc vào thị trường, chúng ta phải cố gắng, làm mạnh việc mở rộng thị trường” - Thủ tướng lưu ý.
3 nhiệm vụ với ngành y
Về nhóm nhiệm vụ an sinh xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác giải quyết việc làm làm cho người lao động, cố gắng cao nhất để đạt mục tiêu giải quyết việc làm cho 1,6 triệu lao động trong năm 2014 (hiện đã giải quyết việc làm được cho trên 1,5 triệu lao động); giảm nghèo theo hướng nhanh và bền vững.
Ở lĩnh vực y tế, cần đặc biệt quan tâm thực hiện tốt 3 nhiệm vụ là giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện, bảo hiểm y tế, phòng chống dịch bệnh. Nêu rõ số người tử vong vì bệnh lao hàng năm còn hơn cả số người tử vong do tai nạn giao thông, Thủ tướng nhấn mạnh phải hết sức quan tâm, thực hiện hiệu quả chương trình phòng, chống bệnh lao, trong đó việc cấp thuốc miễn phí, kinh phí, tuyên truyền phải làm khẩn trương, dứt khoát.
Thủ tướng Chính phủ giao Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh cùng các bộ, ngành liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tổng thể vấn đề năng suất lao động, phân tích đánh giá của các tổ chức quốc tế, từ đó đưa ra các giải pháp tổng thể để cải thiện và nâng cao năng suất lao động.
Nhất trí đầu tư sân bay Long Thành
Cũng tại phiên họp thường kỳ tháng 9, Chính phủ đã nghe tờ trình của Bộ Giao thông Vận tải về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và Báo cáo của Hội đồng thẩm định Nhà nước về Dự án. Các thành viên Chính phủ đã nhất trí về chủ trương đầu tư Dự án.
Nâng chất lượng hàng nội đủ sức cạnh tranh
Chiều 30.9, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9.2014 do Văn phòng Chính phủ tổ chức, phóng viên Báo NTNN đã đặt câu hỏi về hai thực trạng lớn và đáng lo ngại của nền nông nghiệp nước nhà. Đó là việc chi đến 12,4 tỷ USD/năm (năm 2013) để nhập khẩu các mặt hàng vật tư, thiết bị sản xuất nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi, máy móc... (NTNN đã có loạt bài phản ánh mới đây). Cùng với đó là tình trạng hoa quả, trái cây ngoại tràn ngập thị trường trong nước, khiến cho trái cây Việt lép vế ngay trên sân nhà (NTNN có loạt bài “Trái cây Thái Lan tung hoành chợ Việt”).
Trả lời NTNN, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã đưa ra đánh giá: Những vấn đề mà báo NTNN nêu đều là những vấn đề hết sức hệ trọng của nền nông nghiệp nước nhà. Những vấn đề này không chỉ mới được đặt ra mà từ lâu đã được Chính phủ, Quốc hội đặc biệt quan tâm. Tại các diễn đàn kinh tế, những vấn đề này cũng được đưa ra và giải pháp triệt để, tận gốc là tái cơ cấu toàn diện nền nông nghiệp. Chính phủ đã chỉ đạo phải đẩy mạnh tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp, có đề án rộng và toàn diện, nhưng chia ra từng lĩnh vực cụ thể. “Để khắc phục tình trạng nhiều loạt máy móc, vật tư nông nghiệp trong nước tự sản xuất được nhưng vẫn phải nhập khẩu, cốt lõi là phải đưa KHCN vào từng hoạt động, lĩnh vực cụ thể, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, tiến hành triệt để tái cơ cấu cây trồng vật nuôi. Bên cạnh đó, vấn đề quy hoạch vùng cũng phải được thực hiện đồng bộ, rõ ràng” - Bộ trưởng Nên nhấn mạnh. Về vấn đề hoa quả ngoại tràn ngập thị trường, người phát ngôn Chính phủ cho rằng: Với cơ chế thị trường, việc tương tác qua lại, giao lưu hàng hóa giữa các nước là bình thường. Cái quan trọng là làm sao quản lý cho được chất lượng những sản phẩm chúng ta nhập khẩu để đảm bảo an toàn cho người dân. Bên cạnh đó, phải tự nâng cao chất lượng sản phẩm trong nước để đủ sức cạnh tranh. “Đây cũng là một vấn đề lớn nằm trong tổng thể đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang được Bộ NNPTNT và Chính phủ triển khai rốt ráo” - Bộ trưởng Nên khẳng định.
Về diễn tiến vụ án Minh Sâm ở Bắc Ninh, Bộ trưởng Nên cho biết, đây là vụ án dư luận rất quan tâm bởi nó không chỉ là vụ án hình sự thông thường mà còn có những động thái mà xã hội thấy không ổn về hoạt động, quan hệ và những vấn đề tác động tới xã hội rất lớn. Các cơ quan chức năng ở địa phương và T.Ư đang phối hợp chặt chẽ để tiến hành điều tra, làm rõ vụ việc.
Hải Phong
Vui lòng nhập nội dung bình luận.