Chính sách đãi ngộ nghệ nhân dân gian: 10 năm giẫm chân tại chỗ

Thứ tư, ngày 06/03/2013 13:20 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Khi Nghệ nhân Hà Thị Cầu mất đi, ngoài lòng tiếc thương, người ta còn xót xa, vì một “báu vật” như thế đã sống một đời và ra đi trong nghèo khổ. Chế độ đãi ngộ nghệ nhân dân gian, đã 10 năm nay Bộ VHTTDL làm vẫn chưa xong.
Bình luận 0

Có tiếng mà nhịn miếng

Ngay sau tin tức về sự ra đi mãi mãi của nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu được đăng tải, trên hầu khắp các báo điện tử đều tràn ngập nỗi tiếc thương và oán trách. Rất nhiều bạn đọc để lại các comment (bình luận): “Chính sách văn hóa thế nào mà để cho một nghệ nhân như thế sống cả đời trong nghèo khổ, chẳng lẽ những người ăn tiền thuế của dân để quản lý văn hóa không nhìn ra điều đó hay sao?”, “xót xa cho cụ vì sự vô cảm của các cơ quan văn hóa”.

img
Nghệ nhân Hà Thị Cầu những ngày trên giường bệnh.

Còn nhớ mới cuối năm 2012 vừa rồi, trò chuyện với PV NTNN, cụ Nguyễn Thị Khướu, năm nay 86 tuổi, một trong những nghệ nhân hiếm hoi còn sót lại của Câu lạc bộ Ca trù Chanh Thôn (xã Văn Nhân, Phú Xuyên, Hà Nội) nói như trách móc: “Các ông ấy cứ bảo chúng tôi nào là “báu vật nhân văn sống”, rồi nghệ nhân này nghệ nhân nọ, chứ kỳ thực “có tiếng mà chẳng có miếng” đâu. Mỗi buổi biểu diễn, các cháu thiếu nhi được 5.000 đồng, còn già cả, nghệ nhân như tôi được trả thù lao 15.000 đồng, thế thì báu với bở gì”.

Cụ Cầu, ngày còn sống, đã nhận được bằng phong tặng Nghệ nhân Dân gian với số tiền thưởng kèm theo là 700.000 đồng, đó là khoản tiền duy nhất mà nghệ nhân hát xẩm quý giá nhất của VN được nhận. Theo tìm hiểu của chúng tôi, gần đây, sau một quá trình “kêu, cầu” của Hội Văn nghệ dân gian VN, số tiền kèm bằng phong tặng này đã được nâng lên thành 1.200.000 đồng.

Ở Quảng Ninh, Nghệ nhân lân sư rồng Trần Ngọc Thứ (tổ 11, khu 9, phường Hồng Hà, TP. Hạ Long) là 1 trong 7 nghệ nhân của Quảng Ninh được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian Việt Nam năm 2012 cho biết: “Ngoài khoản tiền tôi được nhận kèm bằng khen, UBND tỉnh Quảng Ninh tặng bằng khen kèm theo số tiền thưởng 1 lần là 1.050.000 đồng”...

Những con số càng đưa ra càng thấy xót xa, cả một đời gìn giữ văn hóa dân tộc, mà các nghệ nhân- những “báu vật” sống, người thì chỉ nhận được 700.000, người thì hơn 1 triệu, rồi những buổi biểu diễn với “cát xê” 15.000 đồng của nghệ nhân ca trù Chanh Thôn… không biết có nhà quản lý văn hóa nào chạnh lòng? Dân gian thường bảo “có tiếng thì có miếng”, nhưng nó đúng ở đâu đó thôi, còn với lĩnh vực văn hóa cổ truyền, phải chuyển thành “có tiếng mà nhịn miếng” mới nói hết được nỗi bẽ bàng.

Kêu vào thinh không

Vấn đề cần một chính sách đãi ngộ cho các nghệ dân gian hầu hết ở tuổi gần đất xa trời, như cụ Cầu và 297 nghệ nhân dân gian (đã được phong tặng) trong cả nước đã từng được báo chí nói đến rất nhiều. Đời làm báo của chúng tôi, cũng rất nhiều lần viết bài “kêu than” thay cho các cụ, nhưng rồi mỗi lần như thế, là một lần chỉ nhận được sự thờ ơ, hoặc có giải thích thì những người có trách nhiệm lại viện dẫn những điều này khoản nọ, nói là đang còn… chờ giải quyết.

Sau khi cụ Hà Thị Cầu ra đi, GS - TS Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian VN đã thở dài tâm sự với báo chí: 20 năm nay Hội đề nghị Nhà nước công nhận 2 danh hiệu nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú ngang cấp với danh hiệu này của nhà giáo và thầy thuốc, nhưng chưa được chấp thuận và 10 năm nay, Bộ VHTTDL vẫn chưa ban hành nổi chế độ đãi ngộ cho nghệ nhân dân gian.

Mỗi năm, khoản tiền mà các địa phương dốc cho các dự án bảo tồn văn hóa cổ truyền của địa phương mình nhằm được UNESCO vinh danh, công nhận là không dưới con số tiền tỷ. Thế nhưng, những nghệ nhân- chủ nhân đích thực của các di sản quý báu ấy thì không được đoái hoài!

Không biết việc ban hành một chính sách đãi độ cho các nghệ nhân dân gian thì khó ở chỗ nào, vướng ở khâu nào mà khó khăn đến thế? Các nghệ nhân đều ở tuổi gần đất xa trời, trong danh sách 297 nghệ nhân, có gần 70 cụ đã nhắm mắt xuôi tay mà chưa một lần được biết khoản tiền “đãi ngộ” hàng tháng (theo đề nghị) ít nhiều ra sao.

Ông Nguyễn Quang Vinh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Nhiều năm nay, Hội chúng tôi đã đề xuất nên có chế độ hàng tháng cho mỗi nghệ nhân bằng một trưởng khu phố nhưng vẫn chưa được”. Còn GS Tô Ngọc Thanh thì bất lực tự hỏi: “Nếu đặt con số vài trăm ngàn/tháng cho mỗi nghệ nhân dân gian bên cạnh những vụ tham nhũng ngàn tỷ, thất thoát ngàn tỷ thì có ai thấy chạnh lòng?”.

Hôm nghe tin cụ Cầu mất, đạo diễn Lương Đình Dũng- một người trẻ có tâm với văn hóa truyền thống của dân tộc đã chua xót nói với tôi: “Cụ Cầu mất đi mà chưa bao giờ được nhận một đồng hỗ trợ nào của Nhà nước, khoản tiền ấy, những người già và nghèo khổ cả đời như cụ nào có ý nghĩa kinh tế gì đâu, chỉ là một chút động viên để ấm lòng, để cho cụ biết người ta trân trọng tài năng của những người như cụ thôi. Vậy mà cụ đã phải nhắm mắt xuôi tay trong nỗi buồn”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem