Người nghệ nhân chuyên khảm ảnh Bác Hồ

Thứ năm, ngày 15/12/2011 18:47 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ở tuổi 70, Nghệ nhân Trần Bá Dinh ở làng khảm trai Chuyên Mỹ (Phú Xuyên, Hà Nội) vẫn làm nghề rất sung sức và vẫn đau đáu việc truyền lại những tinh hoa của nghề cho con cháu.
Bình luận 0

Người chuyên khảm ảnh Bác Hồ

Sinh ra và lớn lên ở làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ, từ bé, Nghệ nhân Trần Bá Dinh đã quen tay khảm những sản phẩm mộc như giường, tủ, đồ thờ, tranh… Sau đó, ông đặc biệt quan tâm và phát triển tay nghề theo hướng tranh khảm trai với những bức vẽ đặc biệt, độc đáo.

img
Nghệ nhân Trần Bá Dinh giới thiệu bức khảm “Bác Hồ cười”.

Mặc dù không qua trường lớp về hội họa nhưng nhờ cách nghĩ “học thày không tày học bạn” nên ông Dinh đã học ở mọi chỗ, mọi nơi, học qua bạn bè, sách vở. Đi đâu thấy tranh ảnh đẹp là ông nghiên cứu, quan sát, về tìm cách vận dụng ngay.

Nhờ vậy, ông đã tích luỹ được nhiều kiến thức về hội họa và cho ra đời nhiều bức tranh nghệ thuật tôn vinh nghề khảm trai của làng mình. Trong đó mới đây nhất là bức tranh Vua Lý Thái Tổ - sản phẩm ông làm trong 2 năm trời.

Ông bảo, trên nửa đời người gắn bó với nghề, có lẽ điều vinh dự nhất đối với ông chính là việc được giao khảm nhiều bức tranh quan trọng về Bác Hồ.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất là năm 1968, Bác Hồ chuẩn bị sang thăm Cuba nên các đồng chí văn phòng của Bác đặt ông làm khảm trai bức ảnh Chủ tịch Fidel Castro.Trong lúc ông đang làm thì bị ốm, xin khất mấy ngày sau sẽ làm tiếp.

Được tin này, Bác cử một đồng chí mang tới 1kg đường và 10 gói chè để động viên ông. Nhận được quà của Bác, ông Dinh thấy người khoẻ hẳn lên và đã hoàn thành bức ảnh chân dung Chủ tịch Fidel Castro, kịp thời gian Bác đi thăm Cuba.

Ngoài khảm ảnh Bác Hồ, ông còn có vinh dự khảm ảnh chân dung của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước như Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười…

Đau đáu việc truyền nghề

Một đời tự học, rèn luyện tay nghề, ông đã trở thành nghệ nhân và truyền nghề cho nhiều thế hệ con cháu trong làng...

Ông Dinh cho biết, để làm ra một sản phẩm khảm trai phải mất khá nhiều thời gian và công sức, bắt buộc phải qua 5-6 công đoạn.

Trước tiên là công việc của người hoạ sĩ vẽ mẫu. Khi đã hoàn thành với hình vẽ đó lại chuyển sang công việc của người thợ cưa, cắt theo họa tiết mẫu, rồi áp miếng cắt đó vào gỗ. Tiếp đến là công việc của người thợ đục, thợ mài.

Nét nổi bật của tranh khảm trai của Nghệ nhân Dinh là những mảnh trai không vỡ, có độ phẳng hoặc được uốn cong cho phù hợp với từng loại gỗ thành phẩm. Các chi tiết kỹ thuật đục và cẩn trai rất khít. Ông đã 3 lần đoạt giải Bàn tay vàng.

Sau đó hoạ sĩ lại dùng dao bằng thép tách tỉa ra các họa tiết nhỏ, dùng giấy ráp đánh cho nổi họa tiết lên. Cuối cùng toàn bộ sản phẩm được đánh vécni cho bóng lên để họa tiết nổi lên sống động như một bức tranh.

Đã từ lâu, trong tâm niệm của nghệ nhân Trần Bá Dinh luôn có một ước nguyện lưu giữ nghề cổ truyền cho con cháu, bởi vậy ngay từ rất sớm ông đã tham gia tổ chức các lớp dạy nghề cho thanh thiếu niên trong xã, các cháu khuyết tật và truyền nghề cho con cháu trong nhà. Hiện xã Chuyên Mỹ có hàng ngàn thợ khảm trai. Nhiều học trò của ông đã trở thành thợ giỏi, mang nghề đi khắp nơi trên đất nước.

Theo sau Nghệ nhân Dinh, nghệ nhân trẻ tuổi nhất làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ là anh Nguyễn Văn Lăng cũng thực hiện những bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tác phẩm tiêu biểu nhất của anh là bức có kích thước 1,42 m x 1,2 m…

Ông Dinh tâm sự: “Hiện nay, những người thợ khảm trai ở Chuyên Mỹ đang rất cần các cơ quan chuyên môn giúp đỡ biện pháp kỹ thuật chống co ngót, cong vênh với sản phẩm gỗ để có thể thích nghi với các nước khí hậu lạnh. Làm được như vậy sản phẩm đồ gỗ khảm trai của Chuyên Mỹ mới tiếp tục khẳng định mình trên thị trường thế giới”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem