Lúc 12 giờ 30 ngày 3.3, Nghệ nhân Hát xẩm Hà Thị Cầu đã trút hơi thở cuối cùng tại quê nhà Yên Mô, Ninh Bình.
Trước Tết Quý Tỵ 2013, Nghệ nhân Hà Thị Cầu đã yếu lắm rồi, những đoàn nghệ sĩ và cũng là học trò của bà từ Hà Nội về thăm, có người bà còn chẳng nhận ra, nhưng với đạo diễn Lương Đình Dũng - người duy nhất đã từng làm một bộ phim tài liệu về bà mang tên “Xẩm đỏ” thì bà nhớ.
|
Nghệ nhân Hà Thị Cầu. |
Đạo diễn Lương Đình Dũng nhớ lại: “Trước tết, nghe tin bà ốm, chúng tôi xuống thăm, lúc đó bà đã rơi vào trạng thái mê mê tỉnh tỉnh, nhưng khi tôi cầm tay bà, gọi: “Bà ơi” thì bà vẫn mở mắt và nhận ra tôi, bà nói: “Dũng à?”. Chỉ một câu đó thôi rồi lại chìm vào cõi mê. Lúc đó tôi thương bà lắm, người nghệ sĩ như bà một đời chỉ có tiếng hát, vậy mà bây giờ nằm một chỗ, không nói được, không hát được, không cầm được cây nhị, thì hỏi còn gì để mà thiết tha nữa đây?”.
Anh Dũng nói với chúng tôi, trưa 3.3, anh được con rể bà Cầu và nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Bùi Trọng Hiền thông báo về sự ra đi của bà. Từ lúc nghe tin, một sự hẫng hụt và tiếc nuối xâm chiếm cảm xúc của anh, tiếc vì một báu vật nhân văn sống như thế rồi cũng không chống lại được sự hữu hạn của đời người...
Cách đây hơn 2 năm, lúc đó bà Cầu còn hát được, dù tuổi đã cao nhưng giọng vẫn trong vắt, vẫn vang, nẩy, bà đã đồng ý để đạo diễn Lương Đình Dũng làm phim tài liệu về mình. Làm phim về bà mới thấy đời bà sao mà khổ thế, anh Dũng hỏi: “Bà ơi, sao bao nhiêu môn nghệ thuật khác bà không chọn, lại chọn cái môn xẩm để rồi nghèo khổ cả đời thế này?”. Bà cụ trả lời anh chỉ bằng một câu thôi, mà từ đó anh nhớ mãi: “Tham làm gì con?”.
Bà Cầu đã sống một đời với những câu hát xẩm, lang thang từ vùng này sang vùng khác, sống nhờ những đồng tiền, củ khoai mà người dân nghèo vì cảm phục tiếng hát, tiếng đàn của bà mà đùm bọc, san sẻ. Người đàn bà khổ một đời, nghèo một kiếp, thế nhưng chưa lúc nào ngừng yêu tiếng hát xẩm, chưa lúc nào không ngớt lo, khi bà phải rời xa cuộc sống này, sẽ lấy ai tiếp tục để nối dài những tiếng hát mà cất lên là đã thấy buồn thương: “Mặt nước cánh bèo, bấy lâu nay mặt nước lại cánh bèo. Đã từng lưu lạc, đã từng lưu lạc để nhiều điều vất vả gian truân. Ông trời cao có thấu tình chăng. Trời mấy cao có thấu tình chăng. Đời người mấy lúc gian truân mà già...”.
Lê Tâm
Vui lòng nhập nội dung bình luận.