Thời gian bảo hộ không còn nhiều
Theo cam kết của Việt Nam với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thì chỉ hơn 1 năm nữa (từ năm 2012), nông sản Việt Nam sẽ không còn được bảo hộ cao như hiện nay. Bởi thời điểm đó, thuế suất nhập khẩu của hầu hết các nông sản như động vật tươi sống, thịt, rau củ quả, lúa gạo, mía đường, chế phẩm thực phẩm, chè, cà phê, gia vị... sẽ đều phải cắt giảm và về mức rất thấp.
Sản phẩm nông sản trong nước sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với nông sản thực phẩm nhập khẩu. Trong khi đó, theo CIEM, hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp của Việt Nam đến nay lại chưa thực hiện được là bao (hỗ trợ chung của cả nền kinh tế mới ở mức 3% trong 10% WTO cho phép).
Riêng nông nghiệp, Việt Nam cũng chỉ hỗ trợ lãi suất tín dụng cho doanh nghiệp khi có hợp đồng xuất khẩu và thực hiện thu mua nông sản để xuất khẩu; lập quỹ bảo hiểm xuất khẩu theo ngành hàng; thưởng xuất khẩu...
Về chính sách, Việt Nam đã áp thuế 0% với nông sản xuất khẩu và bảo hộ sản xuất nông nghiệp bằng việc áp thuế cao với nông sản nhập khẩu (chỉ cắt giảm thuế suất nhập khẩu các mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh như lúa gạo, rau quả, sản phẩm cây công nghiệp, thủy sản, sản phẩm thịt các loại...). Việt Nam cũng đang tiếp tục áp dụng các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp được phép như ưu đãi cước vận tải đối với xuất khẩu nông sản, ưu đãi đất đai, tín dụng, đào tạo nhân lực...
Tận dụng được ít cơ hội
Sau 4 năm, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam tăng giảm thất thường, với tỉ lệ chỉ từ 5-6%/năm, giảm còn 3,5% vào năm 2009; tăng trưởng GDP của ngành còn thấp hơn nữa, từ 3-4%/năm giảm còn 2,5% năm 2009.
Tuy nhiên, "những gì đã làm để thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển và tận dụng cơ hội do WTO đưa lại của Việt Nam vẫn là quá ít"-ông Chu Tiến Quang-Trưởng ban Chính sách nông nghiệp của CIEM nói.
Bằng chứng là sau 4 năm, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam tăng giảm thất thường, với tỉ lệ chỉ từ 5-6%/năm giảm còn 3,5% vào năm 2009; tăng trưởng GDP của ngành còn thấp hơn nữa, từ 3-4%/năm giảm còn 2,5% năm 2009.
"Điều này chứng tỏ sự lệ thuộc mạnh của nông nghiệp Việt Nam vào thị trường thế giới; đồng thời cho thấy tác động của gia nhập WTO đến nông nghiệp là 2 mặt, cả tích cực và tiêu cực" - ông Quang nhấn mạnh.
Tích cực đã thể hiện ở việc giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam tăng mạnh trong 4 năm qua, đặc biệt ở các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh như gạo, cà phê, cao su, hạt điều, tiêu, rau quả, thủy sản... Nhưng mặt trái là năng lực sản xuất và cạnh tranh của nhiều sản phẩm lại không tận dụng được như các sản phẩm chăn nuôi.
Ngay xuất khẩu gạo được tác động tích cực bởi gia nhập WTO song vẫn chưa đáp ứng được mong muốn gia tăng lợi ích của người sản xuất lúa vì đại bộ phận nông dân làm lúa của Việt Nam còn nghèo và rất nghèo. Tương tự là với các sản phẩm khác như cà phê, cao su...
Dịch vụ nông nghiệp - một lĩnh vực được cho là sẽ có sự bứt phá sau gia nhập WTO thì cũng chưa tận dụng được những lợi thế do gia nhập WTO tạo ra. Giá trị dịch vụ nông nghiệp của Việt Nam 4 năm qua cũng chỉ tăng được 2,7-2,8%/năm.
Phải có chính sách đủ mạnh
Có thể khẳng định, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp sau gia nhập WTO của Việt Nam chưa đủ mạnh để làm thay đổi tình trạng yếu kém của sản xuất nông nghiệp hiện nay. Trong khi đó, khủng hoảng của thế giới càng gây tổn thương cho sản xuất và xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Ông Lê Xuân Bá-Viện trưởng CIEM cho rằng, để tránh những "cú sốc" cho nông nghiệp VN, ngay lúc này Việt Nam cần sớm đưa ra các biện pháp phòng ngừa khi phải cắt giảm thuế nhập khẩu nông sản xuống thấp theo cam kết. Các giải pháp dài hạn như nâng cao chất lượng nông sản; hình thành các chuỗi giá trị nông sản mạnh tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung phải được chú trọng.
Người nông dân phải được hỗ trợ để ngoài kiến thức nông học còn phải biết hợp tác, liên kết sản xuất, phối hợp với các tổ chức kinh doanh nông sản để cùng sản xuất-chế biến-tiêu thụ sản phẩm khép kín. Cuối cùng Việt Nam cần định hướng chính sách nâng cao năng lực hội nhập WTO của các ngành sản phẩm nông nghiệp, từ trồng trọt, chăn nuôi, đến dịch vụ nông nghiệp.
Mai Hương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.